X

Friday, October 31, 2014

Khám phá "Mật mã của Ý thức"

 

TẠP CHÍ KHOA HỌC

Khám phá "Mật mã của Ý thức"

  •  
  •  
  •  
  • inShare

Trọng Thành/RFI

Nếu như cách nay một thập niên, ngành sinh học bước vào cuộc cách mạng lớn với các khám phá về hệ thống mật mã di truyền, thì hiện nay nhân loại đang đứng trước một cuộc cách mạng lớn khác : Giải mã các bí ẩn của bộ não. Nhiều người coi đây là một trong các thách đố lớn nhất còn lại của Tự nhiên đối với trí tuệ nhân loại.

Từ cuối năm ngoái, tại đại học Bách khoa Lausanne (Thụy Sĩ), đã khởi sự chương trình nghiên cứu Human Brain Project (Dự án Não Người), với mục tiêu mô phỏng toàn bộ hoạt động của bộ não. Chương trình dự kiến kéo dài 10 năm này có sự tham gia của hàng nghìn nhà nghiên cứu, từ hơn 90 đại học thuộc 22 quốc gia. Chương trình được Ủy ban Châu Âu tài trợ hơn một tỷ euro. 

Human Brain Project hiện đang bị hàng trăm nhà sinh học thần kinh phản đối, vì cho là một quyết định phiêu lưu lãng phí. Một số người lo ngại dự án rốt cuộc không chắc sẽ soi sáng được sự vận hành của bộ não. Điều đáng nói ở đây là dự án đầy tham vọng Human Brain Project thể hiện nhu cầu khẩn thiết của giới khoa học hiện nay hướng đến một nghiên cứu tổng hợp và liên ngành trong cuộc khám phá những bí ẩn của bộ não. Đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hầu như chuyên gia từ tất cả các ngành khoa học : y học, thần kinh học, sinh học, tin học, toán học, thống kê, hóa học, triết học…, cùng tham gia vào một dự án, được nhiều đánh giá là có quy mô lớn nhất từ nhiều thập kỷ, như ghi nhận của ông Henry Markram, phụ trách chương trình (báo Rue 89).

Mật mã thần kinh
Giải thưởng Nobel y học năm nay được trao cho nhà khoa học Anh-Mỹ John O’Keefe, và cặp vợ chồng nhà khoa học Na Uy May Britt Moser và Edvard Moser vì đã « đi đầu trong việc nghiên cứu các tế bào tạo nên hệ thống định vị không gian trong não bộ ». Hay nói một cách hình tượng là « một hệ thống GPS » trong não, giúp con người biết được mình đang ở đâu và có thể lưu trữ và huy động được các thông tin để tìm được hướng di chuyển đúng. 

Thành tựu nghiên cứu nói trên nằm trong xu thế nghiên cứu chung của các ngành y sinh học đương đại hướng đến việc mô hình hóa « hệ mật mã thần kinh ». Có nghĩa là hệ thống tín hiệu giúp cho các tế bào thần kinh tương tác được với nhau và với môi trường, để tạo ra các hoạt động được xếp vào hàng cao cấp như cảm xúc và nhận thức. 

Làm sáng tỏ được hệ mật mã thần kinh là điều cần thiết để, thứ nhất là, phát triển được các phương thức tương tác mới giữa con người và máy móc và, thứ hai là, tìm ra cách thức chữa trị được các bệnh tật về thần kinh và nhận thức mà một bộ phận lớn nhân loại, từ hàng trăm triệu cho đến khoảng 1,5 tỷ con người đang phải chịu đựng (tùy theo cách tính).

Về những bí mật của bộ não con người qua những phát hiện khoa học mới, chương trình Tạp chí « Autour de la question » của RFI có cuộc trò chuyện với nhà thần kinh học Pháp Stanislas Dehaene, nhân khai mạc Triển lãm « Thần kinh học vui chơi » tại Cité des Sciences, Paris, mà ông là người phụ trách chuyên môn. Ông Stanislas Dehaene là giáo sư Collège de France về chuyên ngành tâm lý học nhận thức thực nghiệm và giám đốc một trung tâm nghiên cứu về nhận thức não bộ thuộc INSERM-CEA. Năm 2013, Giải thưởng lớn của INSERM được trao tặng cho toàn bộ tác phẩm của Stanislas Dehaene. Giải thưởng của INSERM, Viện quốc gia Pháp về y tế và nghiên cứu y học, được coi là tương đương với Huy chương vàng của Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), trong các lĩnh vực y khoa, trị liệu và nghiên cứu y sinh học. Nhà thần kinh học Stanislas Dehaene là tác giả cuốn « Le code de la conscience » (tạm dịch là "Mật mã của Ý thức"), vừa được Nxb Odile Jacob ấn hành đầu tháng 10/2014.

Stanislas Dehaene : « Các bạn biết, nghiên cứu về não đã có những tiến bộ phi thường trong khoảng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là nghiên cứu về bộ não con người, với các kỹ thuật hình ảnh y khoa. Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên trước phương tiện phi thường này, mỗi lần được chứng kiến các thực nghiệm chụp hình não bộ. Tôi rất trân trọng việc chia sẻ các hiểu biết trong một lĩnh vực mà tôi nghĩ có liên quan đến tất cả chúng ta. Trong cuốn « Mật mã của Ý thức », tôi có viết, đây là một trong những vấn đề thiết thân nhất.

Mọi đứa trẻ đều đặt ra những câu hỏi về vũ trụ như : Tôi đến từ đâu ? Tư duy của tôi từ đâu mà có ? Tư duy di chuyển về đâu khi tôi đi ngủ ? Có gì sau cái chết không ? Những câu hỏi hết sức căn bản này liên quan đến tư duy con người. Chúng ta có may mắn là được tiếp cận với vấn đề ấy về mặt thực nghiệm ngay trong thế kỷ này. Tất nhiên, cho dù đã có những tiến bộ cực lớn, nhưng vẫn còn xa ta mới có thể hiểu hết được tư duy vận hành như thế nào ».

Ý thức : Không gian thâu nhận và phân phối thông tin
Bộ não là cả một thế giới vô cùng bí hiểm với hàng trăm tỷ tế bào thần kinh với các chức năng hết sức khác nhau. Ngay cả khi chúng ta không làm gì, khi chúng ta ngủ, não vẫn hoạt động. Bên cạnh đó, từ hoạt động của hàng tỷ tế bào (thường được coi là thuần túy sinh học - ndr), đã nổi lên một thế giới "chủ quan" : mà ta gọi là « ý thức ». 

Để nghiên cứu não bộ một cách khoa học, bao gồm cả phần vẫn hay được coi là chủ quan này, chúng ta cần đến các phương tiện quan sát từ bên ngoài. Các phương tiện chụp hình não bộ hiện nay đã phát triển đến mức mà có thể quan sát được những gì diễn ra trong não ngay khi chúng ta đang nói và nghe nhau trong một cuộc trò chuyện thường ngày. « Tôi tư duy có nghĩa là tôi tồn tại », câu nói nổi tiếng của nhà triết học Descartes, rất quen thuộc với chúng ta. Cái « tôi » tư duy đó phải chăng cũng là "một cái tôi (được hình thành từ các) tế bào thần kinh" ? Stanislas Dehaene nhận xét :

« Descartes thường bị kết tội là đã đưa ra một quan niệm nhị nguyên (về con người, tức tách cái thuộc về ''tinh thần'' khỏi những tồn tại vật chất - ndr). Và quan niệm của ông bị coi là cản trở sự phát triển của khoa học thần kinh. Nhưng chính ông đã tìm cách giải thích về trí nhớ với các cơ chế của não. Desacartes đã từng có những ý tưởng đi trước rất nhiều so với thời đại của ông. Hiện nay, về mặt này, chúng ta có tiến hơn chút ít. Và chúng ta đã hiểu được rằng mỗi ý tưởng của chúng ta thoạt tiên dựa trên hoạt động của cả một tập hợp rất lớn các tế bào thần kinh. Một trong các điều mà tôi phát triển trong cuốn sách này là Ý thức là một không gian nơi hàng triệu nơron cùng nối kết và phối hợp làm việc nhau.

Khái niệm ‘‘ thông tin’' là hết sức căn bản để hiểu được sự xuất hiện của ý thức. ‘‘Embrasement’' - sự hoạt hóa đồng thời của các tế bào thần kinh - cho phép thông tin lưu chuyển. 14 tỷ tế bào thần kinh trong vỏ não, mỗi tế bào mang lại một yếu tố thông tin riêng, tất nhiên mỗi tế bào hoạt động theo kiểu của mình. Vô số các hoạt động trong não diễn ra mà không được ý thức. Chỉ có một phần rất nhỏ trong số các thông tin, được lưu truyền trong các hoạt động diễn ra song song, là đến được với Ý thức, tương tự như một xa lộ lớn kết thúc bằng một nút thắt cổ chai vậy. Vào một thời điểm nhất định, trong khoảng thời gian vài trăm mili giây (tức vài phần mười của một giây), chỉ có một đối tượng nhận thức lọt được vào vùng trung tâm, và trở thành tiêu điểm của Tư duy mà ta ý thức được ».
Lối vào Ý thức : Nút thắt cổ chai
Từ đâu mà nghiên cứu về Ý thức đã có được những bước tiến lớn trong thời gian qua ? Chú ý đến việc thông tin được Ý thức chọn lọc như thế nào có thể coi là một giải pháp căn bản để xử lý việc nhận dạng Ý thức. Ông Stanislas Dehaene giải thích :

« Một bước tiến căn bản mà tôi thuật lại trong cuốn ‘‘Mật mã của Ý thức’’ là chúng tôi đã thành công trong việc ghi nhận được hiện tượng, cùng một hình ảnh, khi thì lọt vào được Ý thức, khi thì không. Chúng ta biết rằng đối với những hình ảnh xuất hiện trong khoảng thời gian từ 200 đến 300 mili giây, không có gì đặc biệt. Các hình ảnh dù lọt vào Ý thức hay không đều được xử lý như nhau.
Rồi đột nhiên xuất hiện một trạng thái mà chúng tôi gọi là ‘‘embrasemen’’, tức việc rất nhiều tế bào thần kinh thắp sáng đồng loạt, đặc biệt với mật độ cao tại các vùng thùy trán (phía sau trán) và thùy đỉnh, tức các vùng ở phía sau, có liên kết mật thiết với nhau. Đây là những vùng làm nhiệm vụ tổng hợp thông tin, đặc biệt là đối chiếu thông tin mới nhận được với ký ức. Đôi khi chỉ là sự đối chọi giữa các thông tin đến từ ký ức, ví dụ như khi ta nghĩ về những gì ta đã làm trong kỳ nghỉ vừa qua chẳng hạn ».

Ý thức bậc cao : Khả năng nhận ra sai lầm và giới hạn

Điều nhìn chung được các nghiên cứu thần kinh học ghi nhận là Ý thức con người chỉ tiếp thu một số lượng thông tin hết sức chắt lọc từ thế giới bên ngoài, trong số vô vàn các thông tin. Mục tiêu của việc tiếp nhận thông thường là để cho chủ thể biết được một số tính chất cơ bản nhất của những đối tượng tiếp xúc chẳng hạn như hình thù, tính cách của đối tượng (chẳng hạn đối tượng có phải là một mối đe dọa hay không ? Đối tượng có ý định gì ?... [xem thêm cuộc chuyện trò của Stanislas Dehaenne với đài France Culture, ngày 20/10/2014, phút 23]).

Đấy là Ý thức đối với thế giới bên ngoài, còn Ý thức trong quan hệ với chính mình thì sao ? Đối với các nhà thần kinh học, nhìn chung Ý thức được quan niệm như thế nào ? Ông Stranislas Delaene :
« Đúng là khái niệm Ý thức mang nhiều nghĩa khác nhau. Khái niệm mà chúng ta nói đến từ đầu đến nay là Ý thức, nơi tiếp nhận thông tin, Ý thức về một thông tin thu nhận được.

Cấu trúc của bộ não cho phép tiếp nhận thông tin như vậy có mặt ở gần như tất cả các loài động vật có vú. Có nhiều cách thức xử lý thông tin khác nhau ở mỗi loài, nhưng nhìn chung trong não bộ của các động vật có vú đều có một ‘‘không gian làm việc toàn thể’' (espace de travail neuronal global), nơi thông tin được tiếp nhận và được phân phối.


Còn một cấp độ Ý thức khác nữa, đó là Ý thức về những gì diễn ra trong Ý thức, nói cách khác Ý thức về bản thân mình, Ý thức bậc cao (méta-conscience). Loại Ý thức này đặc biệt phát triển ở con người. Tuy nhiên, không chỉ có con người. Một số loài linh trưởng khác cũng có khả năng nhận ra sai lầm, hoặc nhận ra tình trạng thiếu thông tin và nhu cầu bổ sung thông tin.

 Tôi không khẳng định là chúng biết được chúng đang tư duy hay không, nhưng chắc chắn là chúng có khả năng hiểu được những giới hạn của bản thân ».

Nhận ra sai lầm và những giới hạn nhận thức của chính mình được coi là một trong những đặc tính cơ bản của Ý thức nói chung ở nhiều động vật có vú.

Thần kinh « rắn chắc » nhờ luyện tập
Ông Stanislas Dehaenne cho biết phát hiện mới đây được trao giải Nobel Y học là việc tìm ra ra cách thức bộ não xác định vị trí trong không gian. Đây là một phát hiện ngoạn mục nhất về hệ mã thần kinh não cho đến nay. Người ta nhận ra rằng trong não các tế bào thần kinh tạo nên một dạng như bản đồ ghi tọa độ khi động vật di chuyển. Độ tương hợp ở đây lớn đến mức, nếu xem xét kỹ các tọa độ thần kinh này, có thể xác định được con vật được nghiên cứu hiện đang ở đâu. 

Nếu con vật không chuyển động mà đang ở trong giấc mơ, việc tìm hiểu các tọa độ thần kinh có thể cho phép dựng lại được lộ trình di chuyển trong giấc mơ.

Một phần các tế bào thần kinh xác định không gian này đã hình thành ngay từ khi ra đời, và một số khác vài ngày sau khi sinh. Nhận thức về không gian là một trong những tố chất cơ bản nhất đối với một động vật. 

Các nơron xác định không gian cũng có thể tự học tập thêm trong các bối cảnh cụ thể. Ví dụ, người Paris biết rõ tháp Eiffel ở đâu. Hay đối với những người học nghề lái taxi, thì vùng đồi hải mã (hypocampus) – vùng chủ trì về định hướng không gian - sẽ hơi tăng lên về khối lượng. Mỗi hoạt động học tập sẽ làm thay đổi lộ trình hoạt động của các tế bào thần kinh. 

Nghiên cứu về não thậm chí có thể giúp đoán định được những gì một người đã làm trong quá khứ, thông qua « những trầm tích » của các hoạt động còn lại được giữ lại trong não, ví dụ như thông qua bề dày của vỏ não. Cụ thể là những sợi nhánh (dendrite) và sợi trục (axone) của các nơron thần kinh ở những người có nhiều hoạt động trí óc hơn sẽ « rắn chắc » hơn người khác. Các phẩm chất này giúp cho thông tin được lưu chuyển mau lẹ hơn.

Thế giới mênh mông của những hoạt động thần kinh ngoài Ý thức

Những hiểu biết về Ý thức trong các hoạt động của não càng cho thấy tầm quan trọng của vô số hoạt động diễn ra trong những vùng mà Ý thức không tiếp cận được. Khác với một quan niệm khá phổ biến hiện nay cho rằng con người chỉ sử dụng một phần bộ não, nhà nghiên cứu Stanislas Dehaene khẳng định về tổng thể, các bộ phận của não ở người bình thường vốn đều hoạt động tích cực. Rất nhiều hoạt động căn bản của con người, kể cả các ý nghĩ, diễn ra mà bản thân ta không kịp ý thức.

Theo ông, « Không có bài học nào hay hơn về sự khiêm nhường khi ý thức được rằng dòng chảy ý thức của chúng ta, cả một khối cuồn cuộn các hình ảnh và ngôn từ xuất hiện trong ta, thậm chí tạo nên chính cái cơ sở trong đời sống tinh thần của chúng ta, lại đến từ những sự hoạt hóa ngẫu nhiên của các thần kinh vỏ não, nhờ sự tạo tác của hàng tỷ tỷ (tức 10 mũ 18) các kết nối thần kinh (synapse) trong não, mà nhiều năm trưởng thành của bộ não và các hoạt động học tập đã để lại trong ta » (Stanislas Dehaene, "Mật mã của Ý thức", trang 262-263). Nghiên cứu về những gì diễn ra trong não mà không được Ý thức ghi nhận, chẳng khác nào tìm hiểu phần « âm bản của một hình ảnh », rất cần thiết giúp chúng ta hiểu rõ chính Ý thức, như ví von mà Stanislas Dahaenne đưa ra.

Khoa học hợp tác với văn chương
Bộ não, nơi diễn ra các hoạt động của Ý thức, với cả trăm tỷ tế bào thần kinh với hàng tỷ tỷ kết nối, là cả một vũ trụ mênh mông, huyền diệu, vẫn sẽ là một thách đố trong nhiều thập niên tới với cộng đồng khoa học thế giới. Chặng đường đến đích còn rất dài.

 Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhà thần kinh học nhận thức Pháp Stanislas Dehaene, trong thời gian hai thập niên qua, phần Ý thức trong hoạt động não bộ đã trở thành một đối tượng nghiên cứu thực sự tại các phòng thí nghiệm, nhờ các tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật hình ảnh và sự thay đổi hoàn toàn về quan niệm trong giới khoa học chủ lưu. Đời sống chủ quan của con người giờ đây không còn là lĩnh vực thuần túy riêng tư hay thuộc địa hạt riêng của văn chương, nghệ thuật, hay triết học…

Khám phá về Ý thức có những đột phá đặc biệt nhờ ở các nghiên cứu tập trung chú ý giải mã lối vào Ý thức, nói cách khác việc thông tin được Ý thức ghi nhận như thế nào, thông qua các thực nghiệm, mà một số trong đó đã được khởi sự ngay từ giữa thế kỷ 18 (thí dụ như thực nghiệm được mệnh danh « hình ảnh cạnh tranh » của nhà vật lý và sáng chế người Anh Charles Wheaston năm 1838, theo "Mật mã của Ý thức", trang 51-52). 

Các hiểu biết chính xác hơn và sâu hơn về quá trình Ý thức tiếp nhận thông tin, đặc biệt qua những thực nghiệm ghi nhận sự bừng sáng đồng loạt của các mạng nơron thần kinh rộng lớn, cho phép trình độ khoa học chung hiện nay vượt qua nhiều định kiến về Ý thức (như đồng nhất Ý thức với phần vỏ não), mở ra các viễn cảnh mới. Những tiến bộ mới cho phép lặp lại trong thực nghiệm và giải thích được những cảm nhận thoạt nhìn có vẻ như kỳ dị siêu nhiên, như « cảm giác du hành ra ngoài cơ thể », rốt cuộc chỉ là những hoạt động bất thường của vùng cảm nhận về không gian trong não bộ…

Nghiên cứu về Ý thức đòi hỏi một tiếp cận tổng thể, liên ngành. Stanislas Dehaenne ghi nhận những đóng góp vô cùng quý báu của « các nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn » trong các khám phá về Ý thức (xem thêm "Các nhà khoa học Nhật Bản giải mã giấc mơ", RFI). 

Trong phần kết cuộc tọa đàm với tạp chí « Autour de la question » của RFI, nhà thần kinh học và tâm lý học nhận thức bày tỏ hy vọng trong tương lai sẽ phát triển thành công « một nền văn hóa thứ ba », vượt qua sự tồn tại riêng rẽ từ lâu nay của hai nền văn hóa « thuần túy khoa học » hay « thuần túy nhân văn » hay « văn chương ». Một nền khoa học nằm ở vùng biên giới, với sứ mạng hội nhập cả hai phương diện hoạt động nói trên của con người. 

Tin bài liên quan
Nobel Y học 2014 dành cho « hệ thống GPS » của não
Vén màn bí ẩn huyền thoại Stephen Hawking
Các hậu quả của đêm trắng đối với não
"Con người" với "Tự nhiên" qua cái nhìn của nhà nhân chủng học
Tình yêu từ đâu tới ?

Lợi ích của tập thiền dưới ánh sáng của khoa học về bộ não

Bộ não người ngày nay nhỏ hơn so với tổ tiên
Hệ tiêu hóa : "Bộ não thứ hai" của cơ thể con người

Thần kinh học giải trí
Triển lãm « Thần kinh học vui chơi », lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Cité des Sciences, Paris, khai mạc từ ngày 16/09/2014. Triển lãm cố định mở cửa hàng ngày.

Ba nội dung chính của triển lãm : Phần thứ nhất giúp người xem hiểu được quá trình khoa học khám các bí mật của não bộ. Phần thứ hai đặc biệt chú ý đến sự phát triển của não, của hệ thống thần kinh cho phép chúng ta học tập, phát triển các năng lực. Phần cuối cùng cho thấy tầm quan trọng của môi trường xã hội trong sự phát triển của não và hoạt động của não. Cảm nhận, đối thoại với người khác... : Có rất nhiều năng lực mà não cho phép chúng ta, nhờ các hoạt động mang tính ý thức của nó.

Chia sẻ của một người xem triển lãm với tạp chí « Autour de la question » của RFI : « … cả một thế giới mà trước đó, tôi đã không thể tưởng tượng nổi. Một năng lượng sôi sục thường xuyên. Chỉ một tác động hết sức nhỏ cũng gây ra vô số chuyển động. Thật tuyệt vời !

Điều khiến tôi rất ấn tượng là : Chúng ta mỗi người có một bộ não hết sức khác nhau. Mỗi người một khác. Thật vô cùng tuyệt vời ! Trước đó, tôi đã không biết, tôi cứ tưởng tất cả đều có cùng một kiểu não. Sự thức tỉnh của các tế bào khác nhau, nhưng cả đến các hình hài của mỗi bộ não cũng khác nhau.

 Trông hết sức đẹp ! Ta cần phải thích ứng với người khác, với hình thức của bộ não của người đó, những phương thức kết nối thần kinh riêng của họ. Để tôi có thể kết hợp được tốt với người khác, tôi cần phải ý thức được rõ trong đầu họ, họ là người hết sức khác với bản thân tôi. Bởi dù sao thì chính bộ não chỉ huy cuộc sống, chỉ huy cuộc sống chúng ta, chỉ huy cuộc sống của người khác, quan hệ của ta với mọi người… Chỉ huy cuộc sống của loài người. »

__._,_.___


Posted by: Dien bien hoa binh <dienbienhoabinh@ymail.com

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts