'Mạng
xã hội là nguồn tin chính ở VN'
Hoàng XuânNhà báo tự do, gửi cho BBC từ Sài Gòn
- 10 tháng 10 2014
Vài năm gần đây là một giai đoạn đáng quan sát
trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Sự thay đổi ngôi vị
trong làng báo diễn ra như những đợt sóng trào, những tên tuổi và cách làm báo
mới tinh đột nhiên chiếm lĩnh sự quan tâm của dư luận, hất cẳng những "ông
trùm" lừng danh, và đến lượt mình, đôi khi rất ngắn ngủi, chỉ trong vòng
sáu tháng một năm, chúng lại chìm xuống nhường cho các những cái tên khác.
Tên của tờ báo không còn
phản ánh trung thực nội dung chúng đang truyền tải nữa.
Cách đây mười mấy năm,
những cái tên lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP HCM, Lao Động, Công an
TP HCM, Sài Gòn Tiếp thị, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Phụ nữ TP HCM, Hoa học trò,
gần như độc chiếm trong lĩnh vực được nêu rõ trong cái tên của mình, và một gia
đình bình thường sống ở thành phố thường mua hết những tờ đó cho nhu cầu thông
tin của từng người, phù hợp với giới tính và lứa tuổi.
Báo chính thống
thoái trào
Tiếc thay, khi đạt đến
đỉnh cao phong độ cũng chính là lúc những tờ báo kể trên thoái trào.
Nguyên nhân thì nhiều và
không ít trong số đó đã được làng báo theo dõi với tất cả sự hồi hộp và lo
lắng, thậm chí là gay cấn.
Nhiều hạn chế thông tin
được đưa ra so với thời kỳ trước đó, khiến các tờ báo khó khăn trong cuộc chạy
đua cung cấp thông tin nóng và thật cho xã hội, nhưng đồng thời cũng khiến các
tin tức hay ho càng được săn lùng hơn bao giờ hết, đặc biệt là các tin chính
trị.
Vậy là để tăng hiệu quả
kinh tế và số phát hành, một số tờ báo rời khỏi lãnh địa của mình để nhập vào
cuộc đua săn lùng tin tức chính trị xã hội.
Khi mạng xã hội ra đời
thì cuộc thoái trào với tốc độ nhanh dần của báo chí Việt Nam nói chung gần như
không thể cưỡng lại được nữa.
Chừng 31 triệu người
dùng Internet ở Việt Nam (chiếm 34, 1% dân số cả nước, tính tới
31/3/2012, theo Trung tâm Internet Việt Nam) là thị trường hết sức hấp dẫn cho
những người đưa tin.
Theo số liệu của Hội
nhà báo Việt Nam, hiện có trên 20.000 hội viên (số nhà báo đã được cấp thẻ).
Số người viết báo thực sự phải nhiều hơn khá nhiều. Hầu như mỗi nhà báo Việt
Nam đều có một tài khoản trên mạng xã hội.
Trên đó, thoát khỏi sự
hạn chế cùng những ràng buộc bất thành văn của báo chí "chính thống",
vô số tin tức được sản xuất ngay trong vòng vài phút, hoặc thậm chí vài giây-đủ
để chụp một ảnh và post nó lên mạng.
Các tin tức sốt dẻo này
nhiều khi được thông báo song song với sự việc đang diễn ra, với văn phong cá
nhân đậm nét-vốn là điều mà báo chí "chính thống" không thể đáp ứng.
Cuối ngày, sau khi hoàn
thành phần tin tức theo nhiệm vụ cho tờ báo mình đang làm việc, không ít nhà
báo lại tiếp tục bình luận và đưa các tấm ảnh của sự kiện lên trang cá nhân.
Sự tương tác nhanh chóng
và dễ dàng trên mạng xã hội giúp chỉ trong vài chục phút, hàng trăm, thậm chí
hàng ngàn người đọc tha hồ bình luận và cung cấp thêm những thông tin họ có,
khiến một status vài dòng chữ ban đầu nhanh chóng lớn lên như một quả cầu
tuyết.
Những điều báo
Đảng không đưa
Với sự trợ giúp của
Internet, có những thông tin hết sức thú vị mà người đọc rất khó-hoặc không thể
tìm thấy trên hàng trăm cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam.
Ví dụ bảng so sánh chi
tiết giá vàng và tỷ giá USD/VNĐ qua từng năm được post lên hồi đầu năm ngoái
cho thấy sự lạm phát khủng khiếp.
Phát ngôn của các quan
chức vào đầu nhiệm kỳ và giữa nhiệm kỳ được đặt cạnh nhau cho thấy ông ta đã
thực sự hành động như thế nào.
Những tấm ảnh phản ánh
thực tế đối chọi, như công trình hoành tráng tưởng niệm các bà mẹ Việt Nam anh
hùng và cuộc sống nghèo khó của một bà mẹ Việt Nam đang còn sống... cung cấp sự
thật sau những thành tích được thổi phồng.
Có những thông tin bắt
đầu từ mạng xã hội, lan rộng dần và khi lên cao trào thì bức bách ngay cả các
tờ báo thận trọng nhất nhập cuộc, nếu không muốn hàng ngày chứng kiến lượt view
tụt thê thảm.
Gần đây nhất là câu
chuyện của một nhà sư được "dân mạng" hài hước đặt cho cái tên là
Thích Ai Phôn, do vị này khoe ảnh cầm iphone 6 (so với thu nhập trung bình của
người Việt là khá cao) và điện thoại Vertu, thậm chí cả trước một bàn ăn đầy
ngập món ... sushi, cá sống.
Nhà sư này đã bị kỷ luật
và đề nghị bãi miễn chức vụ tôn giáo sau khi dại dột post những tấm ảnh này lên
trang cá nhân.
"Nhạy cảm" hơn
là tin tức về cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Hồng Kông vừa qua.
Tin tức được người dùng
mạng xã hội khắp thế giới cập nhật từng giờ.
Sự phân loại báo chí
"chính thống" rất rõ nét trong thời gian xảy ra sự việc này. Có báo
lập tức vào cuộc, những báo này lập tức tăng số phát hành, bài viết được chia
sẻ nhanh chóng, dân mạng khen tấm tắc. Có báo hầu như phớt lờ.
Có báo e dè nhìn đồng
nghiệp, sau đó, khi bị làn sóng mạng xã hội đánh tụt view thì mới thận trọng
vào cuộc. Áp lực từ mạng xã hội-những người đọc tự do và khao khát tin tức
khách quan ngày càng mạnh và rõ nét.
Tuy nhiên, không ít
người đọc vẫn mong mỏi được cung cấp thông tin từ một cơ quan truyền thông cấp
quốc gia: trong những ngày đó, nhận xét được khá nhiều người chia sẻ là
"Hôm nay VTV vẫn im thin thít!".
Với những ưu điểm
không thể chối cãi, mạng xã hội đã trở thành tờ báo chung lớn nhất và thú vị
nhất cho người đọc lẫn người viết ở Việt Nam.
Vô số trang mạng của
nhóm được lập ra giúp các thành viên có không gian thoải mái hơn rất nhiều để
trao đổi, phân tích tin tức các loại-thường là tin tức chính trị và kinh tế. Ở
đó người tham gia có thể đọc được vô số thông tin hay ho-mà chẳng tốn xu nào,
ngoài cước phí Internet.
Thực ra xu hướng
"nền báo chí do người đọc tạo ra" đã hình thành trên thế giới từ cách
đây hơn 10 năm.
Khái niệm này do nhà báo
Dan Gillmor, một cây bút bình luận chính trị, nhà nghiên cứu tại Trung tâm
nghiên cứu Internet và xã hội tại Đại học Harvard đặt ra.
Các tờ báo lớn trên
thế giới đã biến mạng xã hội thành mạng lưới cộng tác viên vô tận, với khả
năng tương tác cực lớn giúp tìm ra những tin tức được quan tâm nhất, cũng như
thêm chi tiết cho nó. Tuy nhiên vai trò của tờ báo vẫn là áp đảo.
Ở Việt Nam thì ngược
lại. Đó là hệ quả tất yếu giữa việc 700 cơ quan truyền thông chính thống ngày
càng lạnh ngắt, cứng đơ, nhàn nhạt một màu với thực tế cuộc sống sôi động và
biến chuyển không ngừng.
Bài viết thể hiện quan điềm riêng của tác giả
Hoàng Xuân, hiện sống tại Sài Gòn.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching