X

Sunday, August 10, 2014

Cần tư thục hóa giáo dục Việt Nam

Cần tư thục hóa giáo dục Việt Nam

Nguyễn Quang Duy

Gửi tới BBC từ Úc

Cập nhật: 15:40 GMT - thứ sáu, 8 tháng 8, 2014

 

alt

Ngành giáo dục Việt Nam hiện nay đã trải qua ba lần cải cách, nhưng vì vẫn điều hành lối cũ nên càng cải cách càng rơi vào khủng hoảng.

Từ góc nhìn kinh tế muốn tạo cạnh tranh, tạo công bằng và hiệu quả giáo dục cần được tư thục hóa và đây là điều Việt Nam đã làm qua nhiều thời đại.

Nhà Nho dạy học

Tổ chức giáo dục thời xưa được học giả Đào Duy Anh ghi lại trong quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương như sau:

“Ở mỗi huyện có quan Huấn đạo, mỗi phủ có quan Giáo thụ, dạy Tứ Thư Ngũ Kinh cho học trò khá. Ở mỗi tỉnh có quan Đốc học dạy các sinh đồ cao đẳng. Ở Kinh đô có trường Quốc tử giám. Các vị học quan kể trên đều ở dưới quyền giám đốc của bộ Lễ hoặc bộ Học.Trong dân gian thì xưa nay việc học vẫn hoàn toàn tự do. Thầy học thì có thầy khóa, thầy đồ, thầy tú dạy trẻ con, cho đến bậc đại khoa không xuất chính, hay các quan trí sĩ, có người dạy đến trăm nghìn học trò.”

Giáo dục có thể xem như là công việc của Nho gia hơn là của chính quyền.

Trường học thì phần lớn là nhà riêng của thầy nho, hoặc ở chùa, đình, miễu hay nhà một người giàu có trong làng.

Các thầy nho hoàn toàn độc lập với công quyền. Họ không được tài trợ và cũng không bị kiểm soát đôn đốc bởi bất cứ cơ quan nào.

Trường công và tư thời Pháp

"Ngoài hệ thống giáo dục công lập rộng khắp Đông Dương, từ năm 1930 một số trường tư thục do tư nhân đã mở ra ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và ở một vài tỉnh lỵ lớn "

Giáo dục thời Pháp nhằm đào tạo một số người biết tiếng Pháp, biết Quốc Ngữ, có đôi chút hiểu biết để ra làm công chức, làm thông dịch phục vụ cho người Pháp. Mục tiêu xa là đồng hóa người bản xứ biến họ thành những người Pháp về phương diện văn hóa.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, người Pháp đã mở rộng hệ thống giáo dục công lập rộng khắp Đông Dương. Đồng thời từ mục tiêu truyền giáo một số trường tư do giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng đã xây dựng và điều hành.

Sau năm 1930 một số tư thục do tư nhân mở ra ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và ở một vài tỉnh lỵ lớn đa số là các trường bậc Tiểu Học. Bậc Cao Đẳng Tiểu Học chỉ có ở Hà nội, Huế và Sài gòn. Bậc Tú Tài chỉ có ở Hà Nội và Sài Gòn.

Nhà nho vẫn được tiếp tục vai trò giáo dục. Nhưng theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau năm 1906-07 thì các thầy đồ, thầy khóa ở xã thôn, các quan giáo huấn, đốc học ở phủ, huyện, tỉnh, ngoài việc dạy chữ Hán phải dạy thêm chữ Quốc Ngữ.

Khi Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập, người Pháp đã không ngăn cấm hoạt động. Người Pháp chỉ giải tán khi biết được đằng sau Nghĩa Thục là phong trào chống lại thực dân.

Tư thục ở Miền Nam

Giáo dục miền Nam nhằm đào tạo những công dân tốt có khả năng phụng sự xã hội. Vì vậy vai trò của chính phủ là làm sao tạo được sự công bằng và hiệu quả trong việc đầu tư cho giáo dục.

Chiến lược giáo dục miền Nam đựơc nêu rõ trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa: (1) Quốc Gia công nhận quyền tự do giáo dục, (2) nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí,  (3) nền giáo dục Đại Học được tự trị, (4) những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn và giáo dục, và (5) một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục.

alt

Tập quân sự trong trường học ở Việt Nam ngày nay

Để thực hiện những mục tiêu trên chính phủ miền Nam đã chia sẻ trách nhiệm với các thành phần khác trong xã hội. Những con số dưới đây có thể nói lên được phần nào sự phát triển của hệ thống tư thục trước đây.

Năm 1964 có chừng 435 ngàn học sinh tiểu học chiếm 28 phần trăm tổng số học sinh tiểu học đã được giáo dục tại các trường tư thục. Đến năm 1970 con số tăng lên 452 ngàn nhưng tỉ lệ đã giảm xuống chỉ còn 18 phần trăm.

Ở bậc trung học cả tỉ lệ lẫn số lượng học sinh đều liên tục gia tăng. Nếu năm 1964 các trường tư thục thu nhận 181 ngàn học sinh hay 62 phần trăm tổng số học sinh, thì đến năm 1970 con số tăng gần ba lần lên đến 484 ngàn học sinh chiếm tỉ lệ 78 phần trăm tổng số học sinh trung học.

Về giáo dục đại học, sáu viện đại học tư thục cũng đã được thành lập với chừng 40 ngàn sinh viên tốt nghiệp.

Công lập miễn phí

Nhận thức giáo dục cơ bản mang lại công ích xã hội cao nhất nên chính quyền miền Nam đã tập trung ngân sách quốc gia cho giáo dục tiểu học. Học sinh công lập được hòan tòan miễn phí. Ở bậc tiểu học học sinh còn được ăn bánh mì và uống sữa miễn phí. Sách giáo khoa bậc tiểu học cũng được phát không.

Các trường tư nhờ cạnh tranh nên học phí thấp và phẩm chất giáo dục cũng không mấy chênh lệch. Bởi thế đa số trẻ em miền Nam đều được đến trường ăn học.

Nhờ chia sẻ trách nhiệm với tư nhân, phía chính phủ đã chu cấp một đời sống căn bản cho giáo chức và các công chức trong ngành giáo dục. Nhờ đó miền Nam đã xây dựng được một nền giáo dục có giá trị ngang tầm quốc tế.

Đến năm 1975, hằng ngàn trường tư thục và các viện đại học đã bị tịch thu và nhập vào hệ thống giáo dục theo mô hình Xô Viết.

Hệ thống này đến nay cũng không mấy thay đổi, vẫn độc quyền và chính trị hóa giáo dục.

Công biến thành tư

Ngân sách cho giáo dục hiện nay đã lên đến 20 phần trăm tổng ngân sách quốc gia.

Nhưng vì phải trải rộng cho tòan ngành, thiếu cạnh tranh và hiệu quả, nên các cơ sở học đường đều nghèo nàn, xuống cấp, lương giáo viên không đủ sống, có địa phương thiếu lương trả giáo viên.

Đó là chưa kể đến tình trạng tham nhũng tràn lan khắp ngành giáo dục.

Các trường công lập cũng thâu học phí và nhiều khỏan phí khác gây không ít khó khăn cho phụ huynh học sinh.

Trường công đã trở thành trường tư.

Một vài trường tư được thành lập nhưng vì thiếu môi trường cạnh tranh lành mạnh, thiếu học sinh, nên học phí quá cao. Gia đình trung lưu cũng không đủ khả năng cho con em theo học.

"Thiếu cạnh tranh thì khó có thể nâng cao được phẩm chất của nền giáo dục"

Theo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, kể từ ngày 15/7/2014 các học sinh tiểu học công lập sẽ không phải đóng học phí.

Thông tư không nói các lệ phí khác có được miễn hay không? Không thu được học phí, ngân sách lấy gì bù đắp và thực tế sẽ ra sao?

Cần tư thục hóa

Các sinh viên đại học sau vài năm theo học sẽ có công ăn việc làm. Họ sẽ có lợi tức và có khả năng hòan trả các chi phí giáo dục. Người có giáo dục đại học lại thường dễ thay đổi nghề nghiệp và có nhiều khả năng xuất ngọai.

Vì thế một nước chậm phát triển như Việt Nam thay vì đầu tư cho giáo dục đại học nên để các khỏan ngân sách cho việc đầu tư vào giáo dục bậc tiểu học.

Cuộc hội thảo về cải cách giáo dục Đại Học do Nhóm đối thoại giáo dục và Lãnh sự quán Hoa Kỳ vừa tổ chức cho thấy việc tự trị đại học được xem như là giải pháp để thúc đẩy việc cải cách giáo dục đại học Việt Nam.

Có điều các diễn giả không nói rõ tự do chính trị và tự do giáo dục chính là căn bản của một nền đại học tự trị.

Quyền tự trị đại học đã được nêu rõ trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa. Miền Nam không có Bộ Đại Học.

Bộ Giáo dục chỉ có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học, công việc của vị này chủ yếu là lo thực thi những chính sách và ngân sách giáo dục đại học.

Đại học được tự trị về học vụ, tài chính và điều hành.

Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai.

Các Khoa trưởng không do Bộ Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.

Khi Đại Học chưa được quyền tự trị thì khó có sự cạnh tranh công bằng giữa đại học công và tư. Một bên đã có nhà nước bảo hộ phía bên kia cần lợi nhuận để tiếp tục duy trì và phát triển. Thiếu cạnh tranh thì khó có thể nâng cao được phẩm chất của nền giáo dục.

Cũng trong thời gian qua, tranh chấp diễn ra tại Đại học tư thục Hoa Sen xoay quanh việc ai quyết định chiến lược và thành quả của chiến lược thuộc về ai? Cuộc tranh chấp nhằm chọn giữa hai phương cách quản lý đại học: vụ lợi hay phi vụ lợi.

Tổ chức vô vụ lợi (phi lợi nhuận) họat động không vì lợi nhuận nhưng về lâu dài việc quản lý cũng cần có thặng dư để tái đầu tư và phát triển.

Khuyến khích đầu tư

alt

Tư thục hóa giáo dục là hướng đi cho Việt Nam

Ở các nước Tây Phương các tổ chức vô vụ lợi hoạt động trong ngành giáo dục được khuyến khích bằng cách miễn thuế lợi tức.

Các cá nhân hay công ty đóng góp cho các tổ chức giáo dục vô vụ lợi cũng được khai giảm thuế lợi tức hằng năm.

Để khuyến khích phát triển giáo dục tư thục, ngoài việc chính phủ cấp học bổng hay ngân sách cho đại học cả tư lẫn công, có quốc gia còn cho các sinh viên vay tiền học phí và chỉ hòan trả lại khi họ đã có công ăn việc làm vững chắc.

Nhiều quốc gia miễn thuế cho các dịch vụ thuộc về giáo dục. Có quốc gia còn khấu trừ thuế lợi tức các chi tiêu cá nhân hay công ty đầu tư cho việc giáo dục và đào tạo.

Chính phủ cũng cần tạo mọi cơ hội để các trường đại học tư thục được sự giúp đỡ của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các công ty liên quốc, các cộng đồng hải ngọai và các mạnh thường quân quan tâm đến giáo dục.

"Ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tư thục hóa nền giáo dục của họ. Nhiều nước như Úc còn xem giáo dục như mặt hàng xuất khẩu chiến lược"

Úc coi giáo dục là hàng xuất khẩu

Dựa trên căn bản chiến lược, chính sách và luật pháp quốc gia, các trường đại học tư thục có toàn quyền quyết định giữa tổ chức quản lý đại học bằng cách vụ lợi hay vô vụ lợi.

Các trường tiểu học và trung học tư thục, việc điều tài chính và quản lý tùy thuộc vào Ban Quản Trị nhà trường. Bộ Giáo Dục chỉ quy định chương trình và giám sát phẩm chất giáo dục các trường.

Ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tư thục hóa nền giáo dục của họ. Nhiều nước như Úc còn xem giáo dục như mặt hàng xuất khẩu chiến lược.

Trong khi ấy nền giáo dục Việt Nam vẫn lệ thuộc vào tư tưởng giáo dục Liên Xô trước đây, khi tự do chính trị và tự do giáo dục chưa có, mọi cải cách đều không mang lại kết quả, nền giáo dục càng ngày càng suy thóai, dẫn đến khủng hoảng xã hội.

Năm 1945, chỉ trong vòng vài tháng chính phủ Trần Trọng Kim đã hoàn thành cuộc cách mạng giáo dục lần thứ nhất chuyển chương trình giáo dục từ Pháp ngữ sang Việt ngữ. Xây dựng giáo dục trên ba nguyên tắc: dân chủ, dân tộc, khoa học và lấy lý tưởng phụng sự quốc gia làm tôn chỉ.

Giáo dục gắn liền với phát triển quốc gia, bởi thế muốn đưa đất nước đi lên chúng ta cần sửa sọan tư tưởng sẵn sàng lấy việc tư thục hóa làm nền tảng cho cuộc cách mạng giáo dục lần này như các thế hệ trước đã làm.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả Nguyễn Quang Duy từ Canberra, Úc.

Bài liên quan

Nguyễn Quang Duy (3-2014) Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?

Nguyễn Quang Duy (4-2014) Ưu việt của giáo dục miền Nam

Nguyễn Thanh Liêm, Nền giáo dục ở miền nam 1954-1975




No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts