X

Friday, August 22, 2014

Việt Nam: Luật sư đoàn phản đối Thông tư đe dọa nghề luật của bộ Công an


VIỆT NAM - PHỎNG VẤN - 
Bài đăng : Thứ năm 21 Tháng Tám 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 21 Tháng Tám 2014

Việt Nam: Luật sư đoàn phản đối Thông tư đe dọa nghề luật của bộ Công an

Getty Images/ Romilly Lockyer

Trọng Thành

Tại Việt Nam, một thông tư của bộ Công an về « điều tra hình sự », liên quan đến hoạt động của luật sư được ban hành đầu tháng 7/2014, dự kiến có hiệu lực từ cuối tháng này, gây rất nhiều chỉ trích trong công luận. 


Trước phản ứng của các luật sư, đầu tháng 8, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gửi bộ Công an một đề nghị yêu cầu « hủy bỏ » hoặc « sửa đổi » điều khoản 38 bất bình đẳng. Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, hôm qua 20/08/2014, có nhận định phê phán điều 38  của Thông tư 28 của bộ Công an « trao quá nhiều quyền vào tay các điều tra viên công an », thu hẹp « vai trò của các luật sư bào chữa ».Trả lời RFI về vấn đề này, Luật sư Trần Vũ Hải nhận định.

Trả lời RFI, Luật sư Trần Vũ Hải cho biết « giới luật sư sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn nữa », nếu bộ Công an không điều chỉnh điều 38 của Thông tư nói trên trước ngày 26/08. 

Nói về Thông tư 28 của bộ Công an cũng là dịp để nhắc một thực tế, tại Việt Nam hoàn toàn vắng bóng chế tài pháp lý để bảo vệ các luật sư trong khi hành nghề. Luật sư Trần Vũ Hải nêu bật "tình trạng chênh vênh về pháp lý", hết sức bất công đối với các luật sư. Trong khi có rất nhiều chế tài quy định xử phạt các sai phạm của luật sư, thì không hề có chế tài nào đối với các hành vi cản trở hoạt động của luật sư, hay không tạo điều kiện cho luật sư hoạt động.

Bộ Công an cần sửa Thông tư 28 trước ngày 26/08
RFI : Thưa luật sư, như Luật sư biết, bộ Công an Việt Nam vừa ban hành một thông tư hướng dẫn công việc điều tra hình sự của ngành công an, trong đó có quy định liên quan đến vai trò của các luật sư. Xin Luật sư cho biết các nhận định của Luật sư.

Luật sư Trần Vũ Hải : Liên đoàn Luật sư đã làm việc với bộ Công an một lần, đã nêu vấn đề này ra trong cuộc họp với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hồi đầu tháng 8, và hôm qua, khi một đoàn của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp đến làm với Liên đoàn Luật sư, thì Liên đoàn Luật sư đã một lần nữa lại nêu ra (việc này). Theo nhận định của chúng tôi, điều 38 Thông tư 28 gây bất lợi cho các luật sư và các luật sư không có cách nào hơn là phải phản đối, không chấp nhận điều khoản vô hiệu hóa vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra.
Theo thông tin chúng tôi được biết, ông Bộ trưởng bộ Công an đã nhận được kiến nghị và những tham mưu từ cấp dưới chuyển lên, và theo thông tin không chính thức, thì ông Bộ trưởng cũng đã đồng ý rằng phải sửa đổi Thông tư này càng sớm càng tốt.

 Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, ngành Công an kỷ niệm ngày thành lập của mình, nên có thể có những thiếu sót nào đó trong việc chậm ra văn bản. Tôi tin rằng họ sẽ phải điều chỉnh sớm Thông tư 28 này, thậm chí còn nhiều điều khoản khác cũng phải được điều chỉnh. Nhưng trước mắt, đối với giới luật sư, theo tôi, phải điều chỉnh điều 38 trước ngày 26/08/2014. 

Nếu không, các luật sư sẽ bị gây rất nhiều khó khăn, hoặc bị vô hiệu hóa trong giai đoạn điều tra, như chúng tôi đã thường xuyên chứng kiến.

Nếu Thông tư này có hiệu lực, sẽ hợp pháp hóa việc gây cản trở khó khăn, thậm chí đe dọa nghề nghiệp luật sư của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng bộ Công an sẽ có quyết định sớm trước ngày 26/08. Còn nếu để sau ngày 26/08, tôi e rằng giới luật sư sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, và sẽ có nhiều biến chuyển bất ngờ.

Một số điểm tích cực và những điều cần bàn thêm của Thông tư 28

RFI : Luật sư có nói đến còn có một số điều khoản khác ?
Luật sư Trần Vũ Hải : Còn các điều khoản khác liên quan đến ngành kiểm sát, liên quan đến triệu tập công dân, liên quan đến vai trò của công an cấp xã… Có khá nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm rằng, thực ra Thông tư 28 này cũng có một số điểm tích cực, có một số điều khoản cấm các điều tra viên không được tiếp xúc, dưới mọi hình thức, với người nhà của đương sự, trong một vụ án. Tiếp xúc (được phép) phải ở những chỗ chính thức, ở cơ quan điều tra, hoặc cơ quan công an, ủy ban xã… Tức là không được phép uống bia la cà, đến nhà riêng… Ví dụ, có vụ mà chúng ta biết là ông Dương Chí Dũng đến thăm ông Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - ndr) nhiều lần tại nhà riêng…
 
Các luật sư không chấp nhận điều khoản vô hiệu hóa vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra
 
(Dù) thông tin ấy cũng có những điểm tích cực, nhưng dưới góc độ hành nghề luật sư chúng tôi không chấp nhận được, vì (các điều khoản như điều 38) có thể vô hiệu hóa luật sư, nghề luật sư của chúng tôi.

RFI : Nếu điều 38 trong Thông tư 28 được sửa đổi theo đề nghị của Liên đoàn Luật sư, thì sẽ nên theo hướng thế nào ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi cho rằng phải hủy bỏ điều này. Và (bộ Công an) phải thống nhất với Liên đoàn Luật sư là quy định như thế nào. Theo tôi là, phải quy định theo hướng tạo điều kiện cho luật sư.

Thứ nhất, cơ quan điều tra phải tạo điều kiện cho luật sư hoạt động. Thứ hai, các điều tra viên không được phép cản trở hoạt động của luật sư. Và thứ ba là, cho dù điều tra viên hay luật sư làm sai, thì đều có chế tài xử lý, nhưng chế tài xử lý như thế nào, thì Thông tư này không thể thi hành được, mà phải là một quy định khác.

Vì sao điều 38 rất nguy hiểm cho các luật sư ?
RFI : Vậy thì, một khung pháp lý theo hướng đúng sẽ phải xử lý ra sao mối quan hệ giữa điều tra viên và luật sư ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đáng tiếc là hiện nay Thông tư chưa nói rằng việc các điều tra viên cản trở hoạt động của luật sư – điều mà luật sư nào cũng cảm thấy hàng ngày, hàng tuần, hàng năm, bất kỳ vụ án điều tra nào cũng bị cản trở. Việc xử lý các điều tra viên đó, đáng nhẽ phải được quy định trong Thông tư này. Vì bộ Công an có quyền kỷ luật những người do mình quản lý.

Cho đến giờ phút này, theo nghiên cứu của chúng tôi, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư (ở Việt Nam) chưa có quy định nào đưa ra hướng xử lý các điều tra viên cản trở hoạt động hành nghề của luật sư trong rất nhiều tình huống. Chưa có, thì lẽ ra Thông tư này phải quy định. Thứ hai là, đối với trường hợp các luật sư sai. Thì điều này, đã có quy định trong Bộ luật Hình sự, nếu anh sai, thì có thể bị khởi tố, hoặc báo cáo lên Liên đoàn Luật sư, hoặc đoàn luật sư sở tại. Sai như thế nào, để đơn vị đó sẽ quyết định xử lý theo Luật luật sư hoặc là… 

Còn cái quyền lớn nhất của anh (của bộ Công an) hiện nay là thu hồi giấy chứng nhận luật sư, giấy chứng nhận bào chữa. Cá nhân tôi cho rằng quy định đó cũng không hợp lý, cơ quan điều tra, cơ quan pháp luật không thể có quyền thu hồi giấy chứng nhận này. Nhưng bởi vì hiện nay luật đã quy định rồi. (Theo quy định này), nếu luật sư vi phạm, thì… Mà việc vi phạm phải là rõ ràng, không cần điều tra thêm.

Còn hiện nay, Thông tư 28 với điều 38 này muốn các điều tra viên có quyền điều tra luật sư để thu thập chứng cứ, thế thì nguy hiểm lắm. Ví dụ, hôm nay, tôi đến Biên Hòa, tôi đang nói chuyện với các bị can, họ (nhân viên điều tra) có thể theo dõi tôi, họ có thể ghi âm tôi, ghi hình tôi trong các cuộc nói chuyện ấy, mà có khi cũng chẳng liên quan gì đến vụ án.

 Nhưng bởi vì họ (có thể) cho rằng, tôi nói với các bị can rằng là phải A, B, C, D… (phải thế này, thế kia). Nhưng họ bảo (dựa trên điều 38 Thông tư 28), do chúng tôi lo như thế, chúng tôi có quyền ghi âm, ghi hình và các biện pháp khác…. Cho nên chúng tôi cho rằng, điều 38 quy định quyền điều tra của điều tra viên đối với luật sư phải hủy bỏ hoàn toàn.

RFI : Trên truyền thông tại Việt Nam, có ý kiến là nên thực hiện việc thu âm, ghi hình các buổi điều tra viên làm việc với bị cáo, với sự có mặt của luật sư. Ý kiến của Luật sư về chuyện này ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi nghĩ rằng ghi âm, ghi hình là điều đã được ghi trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc ghi âm, ghi hình chúng tôi không phản đối. Nhưng đây là điều bắt buộc cho tất cả, hay điều này cần thiết cho những lúc nào, cũng là một chuyện. Hồi xưa, tôi nhớ, khi tôi học ở Đức, tôi không biết ở Pháp thì thế nào, điều tra viên đã ghi âm rồi. Ghi âm, ghi hình hồi xưa tốn kém, bây giờ không tốn kém nữa.

Luật Tố tụng cho phép điều ấy, nhưng chưa bắt buộc. Nhưng anh đã ghi âm, ghi hình rồi, anh phải công khai cho đương sự biết là hôm nay ghi âm và ghi hình. Và việc này cũng phải lập biên bản theo luật, để tránh trường hợp anh ghi âm, ghi hình, nhưng anh lại cắt đi một số câu và giữ lại những câu nào có lợi cho anh. Ghi âm, ghi hình phải có lưu trữ hợp lệ và chính xác.

Hoạt động của luật sư tại Việt Nam hoàn toàn không có chế tài bảo vệ
RFI : Thưa Luật sư, vụ Thông tư 28 này, và đặc biệt là điều 38 liên quan đến các luật sư, dường như cho thấy hệ thống pháp lý Việt Nam còn ở trong trạng thái rất kém hoàn thiện trong vấn đề bảo vệ các luật sư khi hành nghề ?
Luật sư Trần Vũ Hải : Như chúng tôi đã nói, Luật Luật sư quy định cấm cản trở hoạt động hành nghề của luật sư, nhưng lại không có một điều luật nào, nghị định nào, thông tư nào, pháp lệnh nào, nói rằng, xử lý những hành động, hành vi cản trở hoạt động của luật sư. Không có ! Tức là không có chế tài !

Cho nên, (tình trạng này) khuyến khích cho những người, các cơ quan tố tụng - và cả các cơ quan khác chứ không chỉ cơ quan tố tụng - không tôn trọng hoạt động của luật sư. Vì họ không bị chế tài xử lý. Trong khi, trong các nghị định xử phạt trong tư pháp, lại có rất nhiều quy định xử phạt luật sư. 

Chúng tôi cho rằng điều này không công bằng. Họ biến luật sư – vốn là một trong những người góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền công dân, con người – trở thành đối tượng có thể dễ dàng bị xử phạt. Trong khi những người xâm phạm đến hoạt động của luật sư lại không có chế tài, mặc dù những hành vi như vậy bị luật cấm.
 
ai cản trở luật sư cùng lắm là « rút kinh nghiệm »... Mỗi lần « rút kinh nghiệm » là một số phận con người.
 
Cho nên luật sư Việt Nam ở trong tình trạng chênh vênh về pháp lý. Họ đấu tranh, nhưng có thể vì sơ xuất nào đó, mà bị phạt rất nặng. Còn nếu ai có tìm cách cản trở họ thì sẽ… cùng lắm là « rút kinh nghiệm ». Ví dụ như Liên đoàn Luật sư có hàng chục vụ đưa lên, nhưng không thấy có kỷ luật các điều tra viên. Họ chỉ « rút kinh nghiệm » thôi. Chúng tôi muốn nói rằng, « rút kinh nghiệm » nhiều lần quá, các luật sư cũng chán không nói, không gửi khiếu nại lên. Mỗi lần « rút kinh nghiệm » là một số phận con người. 

Vì ví dụ như chúng tôi muốn tiếp cận ngay các bị can, bị cáo, nhưng cái (thời gian chờ đợi ?) có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm trời, có thể ảnh hưởng đến việc điều tra vụ án, và có thể đến cả số phận (con người). Có thể các bị can, bị cáo trong tinh thần hoảng loạn, bị đàn áp, có thể họ tự tử, hoặc là họ có những lời khai bậy ảnh hưởng đến người khác…

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc của chúng tôi không chỉ là các hoạt động riêng của chúng tôi mà bảo vệ công lý, giảm bớt tình trạng sai lệch trong hoạt động tư pháp, vi phạm quyền con người, cũng như có ảnh hưởng xấu khác trong các vụ án.

Cần quy định pháp lý xử phạt các hành vi cản trở luật sư
RFI : Xin Luật sư cho biết, chế tài nào để bảo vệ được việc hành nghề của các luật sư tại Việt Nam ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Theo tôi, lẽ ra phải có (một) nghị định của chính phủ liệt kê được các hoạt động nào được coi là cản trở hoạt động của luật sư. Phải liệt kê các hoạt động xảy ra thường xuyên. Ví dụ như : chậm cấp giấy chứng nhận bào chữa, không bố trí cho luật sư gặp bị can, bị cáo, không cho đọc tài liệu, dọa dẫm luật sư, hoặc thúc ép bị can, bị cáo từ chối luật sư, hoặc khi ra tòa các kiểm sát viên không tranh luận với luật sư cũng là cản trở hoạt động của luật sư… Bởi vì hoạt động của luật sư là phản biện, mà khi chúng tôi phản biện rồi, anh không phản biện, tranh luận lại, thì không những cản trở mà anh còn khiến các hoạt động của chúng tôi thành vô ích.

Tôi nghĩ rằng, phải có một nghị định của chính phủ, hoặc quy định nào đó, ghi rõ hành vi nào là hành vi cản trở luật sư. Mà tốt nhất, mỗi hành vi là một mức xử phạt. Ví dụ như phạt tiền, xử lý kỷ luật, thậm chí có thể truy tố trách nhiệm hình sự. 

Hoặc bồi thường cho đương sự, hoặc bồi thường cho luật sư, vì những chi phí mà họ lẽ ra không phải chi phí. Ví dụ như tôi đang làm việc với vụ án này, phải đi lại rất nhiều lần, mỗi lần đi tốn kém hàng chục triệu đồng, vì đi lại nhiều. Người điều tra viên cản trở hoạt động của luật sư phải có trách nhiệm bồi thường, nếu luật sư chứng minh được rằng là họ không làm đúng, không tạo điều kiện.

Không tạo điều kiện là cản trở rồi. Nghĩa vụ của anh là phải tạo điều kiện.

RFI : Xin chân thành cảm ơn Luật sư Trần Vũ Hải. 
Luật sư Trần Vũ Hải (Hà Nội)

21/08/2014



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts