X

Monday, August 11, 2014

NÓI THẬT CHO NHAU NGHE! (Kỳ 6)


NÓI THẬT CHO NHAU NGHE! (Kỳ 6)

Mạnh Trí

 10- Câu chuyện thứ 10: 
Xã hội dân chủ, văn minh không chấp nhận mọi hình thức bưng bít thông tin! 
         Hôm nay lại đến ngày họp mặt thường niên của nhóm bạn đồng môn Tổng hợp Văn khóa 1964-1968 khu vực Hạc Đô. Lần này chúng tôi gặp mặt nhau ở nhà cậu L, ngay tại Hạc Đô. Vì vẫn nhớ và quá mê món dê núi đậm ngọt của đất TĐ năm ngoái, nên lần này chúng tôi đề nghị cậu L phải tìm được một món đặc sản của xứ Hạc Đô để thay thế, và cậu ấy đã đáp ứng được bằng món “mộc tồn” cũng nổi tiếng không kém dê núi ở TĐ. Cuộc chuyện trò lần này cũng không có chủ đề định trước. Nhưng tự nhiên cậu M nêu ra một thắc mắc, làm cho chúng tôi không thể bình thản như mọi lần, và mọi người bị nhập cuộc ngay, nhưng khá là sôi nổi:

- Từ khi xuất hiện vụ giàn khoan HD 981 láo xược đến nay, trong dư luận xã hội, cả dạng công khai và không công khai, đều rộ lên tiếng nói phẫn nộ của muôn dân với kẻ thù truyền kiếp, đi kèm với sự chờ đợi, hy vọng ở thái độ tỉnh táo và đầy khí phách Việt Nam từ giới chức cầm quyền. 

Nhưng cũng  hầu như ngay lập tức, lại là một sự ngỡ ngàng, nghi ngờ, mất niềm tin, thậm chí là bi quan, lo lắng… của mọi người trước thái độ chần chừ, sợ sệt, rất khó hiểu của giới cầm quyền trước sự việc động trời này. 

Và tiếp theo đó, tất yếu từ tư duy biện chứng của mọi người, thì phải nghĩ đến chuyện đi tìm nguyên nhân đích thực ẩn chứa ở bên trong thái độ lầm lạc, u mê đó là cái gì, chắc là phải rất đáng sợ, không thể coi thường! Tất cả mọi cái đầu Việt lại hầu như dồn về cái nút thắt rất đáng ngờ lâu nay: Hội nghị Thành Đô – 1990. 

Nhiều người dân đã đặt ra câu hỏi lớn: Hội nghị Thành Đô bàn về cái gì ghê gớm đến mức phải bưng bít suốt 24 năm nay? Đó là bí mật quốc gia hay sao mà Dân không được phép biết? Và còn gì nữa đang bị bưng bít bấy lâu nay? Trên rất nhiều trang mạng xã hội đã có các câu hỏi đó, và sự lý giải còn đang rất khác nhau, vì thông tin cốt lõi (văn bản ký kết) vẫn đang được bưng bít tuyệt đối! 

Tôi đề nghị hôm nay chúng ta trao đổi một số ý kiến chung quanh chủ đề “Chấp nhận hay không chấp nhận sự bưng bít thông tin với dân?”đang nóng hổi này, và cũng là để định hướng cho anh em trong nhóm tiếp tục nghiên cứu và tập hợp các chính kiến của công luận.

- Tôi đồng ý với đề xuất của bạn M. Chủ đề này thực sự là nóng và bức xúc, rất cần có sự hóa giải từ nhiều phía. Ngay các bạn Việt kiều cũng đang rất quan tâm, họ rất sốt ruột muốn cùng đồng bào trong nước nhanh chóng bạch hóa sự kiện này.

- Hiện nay, nổi lên đã có nhiều ý kiến của một số vị trí thức và lão thành cách mạng. Hầu hết các ý kiến đó mới chỉ là những suy luận lô gích, căn cứ vào những dấu hiệu rất bản chất đã diễn ra trong thực tiễn, tuy rất thuyết phục về mặt tư duy biện chứng, nhưng cũng chưa thật đáng tin vì thiếu hẳn tính chính danh về mặt văn bản.

- Ở Việt Nam ta, từ đã rất lâu, vẫn đang tồn tại một “trận đồ bát quái” của sự bưng bít thông tin đối với toàn dân. Người dân, nhất là dân loại 3 trở xuống, hầu như chỉ nhận được các thông tin về hiện tình đất nước từ các loa truyền thanh đại chúng, các kênh truyền hình nhà nước, luôn đơn điệu một chiều và pha lẫn nói dối. 

Nên chi khi bị nghe như vậy thì ai cũng thấy nhàm chán, và sinh ra bàng quan với thời cuộc! Rồi thi thoảng, đùng một cái lại bỗng nghe được một thông tin động trời nào đó từ một cụ lão thành trong khu dân cư, thì mới biết là lâu nay dân mình quá lạc hậu, hầu như bị bưng bít mọi thông tin quan trọng của đất nước, kể cả những thông tin liên quan đến vận mệnh dân tộc và cuộc sống thiết thân của người dân!

- Bưng bít được hiểu nôm na là sự che giấu sự thật, không cho người khác được biết. Trong mọi sự bưng bít thì luôn có hai tập hợp người: thủ phạm (chủ thể) nắm giữ thông tin thì chủ trương che giấu, và người bị hại bởi thói nạn đó (khách thể) thì không được tiếp cận với thông tin. Đương nhiên hai tập hợp người này không có cùng lợi ích liên quan đến thông tin bị che giấu, thậm chí là đối lập về lợi ích. Hai tập hợp người này không thể cùng được tiếp cận thông tin, bên này biết thì sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của bên kia, và ngược lại.

- Như vậy thì hiện tượng này chỉ có thể xảy ra trong một cộng đồng người có sự đối kháng về lợi ích giữa các bộ phận thành viên, tức là đã có sự phân tầng xã hội. Và nó thường chỉ là hành động của bộ phận có tiềm lực mạnh hơn, nhưng lại có ý đồ xấu. Thông thường thì chỉ có việc xấu, việc bẩn, việc đen tối mới phải che giấu, chứ không thể công khai, minh bạch được (Đương nhiên vẫn có những thông tin không mang tính xấu hay tốt nhưng vẫn bị bưng bít, vì mục đích sử dụng chúng lại là xấu). 

Do đó, về bản chất thì hiện tượng bưng bít thông tin là một hành động tiêu cực, mờ ám, có tính thủ đoạn, âm mưu, thậm chí là phản động,  không thúc đẩy sự phát triển tiến bộ cho cộng đồng. Tuyệt nhiên đó không phải là một hành động chính đáng, đàng hoàng và có tính trí tuệ mang bản chất Người, không thể gọi là sự khôn ngoan, ứng biến linh hoạt, như chính thủ phạm vẫn tự biện minh!

- Chúng ta không nói về hiện tượng bưng bít thông tin giữa các cá nhân, mà là bàn về hiện tượng bưng bít thông tin xảy ra giữa tập hợp người này với tập hợp người khác, trong phạm vi cộng đồng xã hội rộng lớn hơn, trước hết là trong một quốc gia. Ở đây chính là sự che giấu, không cho Dân được biết những sự thật đã và đang diễn ra của đất nước, những chủ trương mờ ám, và cả những sai lầm, tổn thất, … liên quan đến vận mệnh của đất nước và người dân. Chủ thể vi phạm chính là giới chức cầm quyền, khách thể bị vi phạm là toàn thể nhân dân.

- Ở một xã hội dân chủ thì quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, người dân phải có quyền tham gia quản lý đất nước, phải được “biết, bàn, làm, kiểm tra”, như lãnh đạo Việt Nam vẫn thường nói với dân, mà trước hết là quyền được biết, tức là phải được quyền bình đẳng trong tiếp cận với các nguồn thông tin. Không thể có một lực lượng xã hội nào, kể cả Đảng cầm quyền, được phép độc quyền thông tin, được phép bưng bít với dân những thông tin mà dân cần phải biết. 

Quan chức lãnh đạo nếu được dân giao cho nhiệm vụ quản lý thông tin thì phải biết sử dụng nguồn thông tin đó để phục vụ dân, để phát triển đất nước, chứ không phải để độc quyền nắm giữ, để tự quyền bưng bít,  lừa dối dân, nhằm mưu cầu lợi ích riêng. Việt Nam là một nước dân chủ – dân chủ gấp ngàn lần so với các nước khác và so với nền dân chủ tư sản, như bà Phó chủ tịch nước đã nói – thì sao lại có chuyện bưng bít thông tin với dân quá tệ hại và kỳ lạ như vậy? Thực chất của sự bưng bít thông tin, điểm tựa của sự bưng bít thông tin chính là bản chất phản dân chủ, phản động của thể chế độc quyền toàn trị.

- Dân đã không có quyền được biết thì cũng không thể có điều kiện để bàn, tức là đồng thời cũng mất luôn quyền được bàn. Còn về quyền được kiểm tra thì thực chất chỉ là hình thức, vì không biết thì làm sao mà kiểm tra được (và ngay cả chính chuyên ngành kiểm tra, thanh tra cũng không thể vào cuộc có hiệu quả được kia mà!). Và Dân chỉ còn lại mỗi quyền được làm, mà là làm nô lệ, làm thuê cho nhiều loại ông bà chủ, kể từ giới quan chức. 

Do vậy mà cái câu nói cửa miệng của các vị lãnh đạo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ là cái trò nói dối, cái thuật tô vẽ, “đánh bóng mạ kền” cho cái thể chế độc quyền phản dân chủ, chỉ là một cái bánh vẽ tròn trịa, đúng nghĩa !

- Và hơn nữa, Việt Nam còn đang hướng tới một xã hội văn minh, như mục tiêu tổng quát đã nêu (giàu, mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh), thì lại càng không được dung dưỡng thói xấu bưng bít thông tin với dân. Bởi vì, sự vận hành của một xã hội văn minh, sự phát triển tiến bộ của một xã hội văn minh là dựa trên nền kinh tế tri thức, tức là nhờ vào trí tuệ con người. 

Nói cách khác thì một xã hội văn minh phát triển đi lên bằng trí tuệ của nhân dân, chứ không phải bằng thực thi các âm mưu, thủ đoạn mờ ám, bắt đầu là thủ đoạn bưng bít thông tin. Trong thế giới văn minh ngày nay thì thông tin đã trở thành một nguồn lực quan trọng để phát triển con người và phát triển cộng đồng, và vì có dân chủ nên mọi người đều có quyền tiếp cận.

- Cũng đã đến lúc phải xem xét lại nội hàm của khái niệm “bí mật quốc gia” mà luật pháp Việt Nam đã cụ thể hóa thành các quy định lâu nay. Chắc là những quy định này không chuẩn xác, vì ẩn chứa trong đó ý đồ không minh bạch, trái lẽ thường tình và lệch chuẩn của thế giới văn minh, nhằm hạn chế quyền được biết của người dân. Thế nên Dân mới hỏi cả 3 “nhà pháp” (lập pháp, hành pháp và tư pháp) rằng: Các ký kết Thành Đô, các hiệp định phân chia lại Vịnh Bắc bộ, Ải Nam quan, Thác Bản Giốc, tuyến biên giới phía bắc, cuộc chiến biên giới Tây Nam, cuộc chiến biên giới phía Bắc, cuộc hải chiến Gạc Ma, ký kết bán bauxite Tây Nguyên, cho thuê đất trường kỳ,… có phải là bí mật quốc gia không mà lãnh đạo cố tình bưng bít với dân suốt mấy chục năm nay? 

Các dự án phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm, công tác nhân sự các cấp trong các nhiệm kỳ, việc chi tiêu ngân sách hàng năm, những tổn thất lớn của các chủ trương phát triển kinh tế – xã hội sai lầm, công và tội của các đời lãnh đạo, tài sản khổng lồ của các quan chức và các nhà “tư bản đỏ”, … có phải là những thông tin mà dân cần biết và có quyền được biết không? 

Mà cớ sao giới chức cầm quyền vẫn tùy tiện bưng bít toàn bộ hoặc một phần, hoặc công khai một cách hình thức và sai lệch, thế nhưng cả 3 “nhà pháp” vẫn im lặng, hay vì bất lực hoặc ngầm ủng hộ họ? 

Còn nhiều và nhiều lắm, vô vàn những sự bưng bít thông tin trong đời sống kinh tế – xã hội vẫn tồn tại một cách ngang nhiên, như là rất đúng phép nước và thuận lòng dân! Hãy còn đó nhiều nghi vấn lịch sử chưa được giải mã, chứ đâu chỉ có Thành Đô 1990. 

Kể ra hết thì quá nhiều: sự thật trần trụi về cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự giúp đỡ “chí tình” của hai ông anh, chân dung thật nhất và đáng tin cậy nhất về Bác Hồ, sự thật cay đắng về những việc phải làm theo các nước lớn như Cải cách ruộng đất, đánh tư sản, đánh Nhân văn giai phẩm, thanh trừng nội bộ, kết thúc cuộc chiến… Rồi ngay trong những năm đổi mới, rất nhiều sự thật đau đớn và đáng xấu hổ đã trở thành nghi án, thành vết nhơ thể chế, nhưng lại đã bị cất kín vào hồ sơ mật của Đảng, vì đó là việc nội bộ, dân không được quyền biết!

- Đó là chưa kể đến sự bưng bít thông tin của thế giới cũng rất tai hại. Người dân đã không được biết đúng bối cảnh quốc tế mà đất nước mình đang sống, không hiểu đúng đất nước mình đang đứng ở nấc thang nào trong tiến trình phát triển của nhân loại, nên rất dễ ngộ nhận về mình và có thể đã định hướng sai cho sự phát triển đất nước!
- Và cũng phải nói thêm điều này: Ở Việt Nam thì sự bưng bít thông tin lại luôn đi cùng với sự xuyên tạc thông tin, làm méo mó (cắt xén, làm sai lệch) thông tin theo hướng có lợi cho giới cầm quyền (tức nói dối với dân). Chính cả hai hành động này đã gây nên hiện tượng thiếu thông tin đúng và rối nhiễu thông tin, góp phần ngu dân hóa rất nặng nề. Và đây cũng là một biểu hiện khá tiêu biểu cho hiện tượng bất bình đẳng và bất công xã hội về cơ hội tiếp cận thông tin của một thể chế chính trị độc quyền toàn trị.
- Đương nhiên, cả thế giới cũng như mỗi quốc gia hiện nay chưa phải là một thế giới đại đồng, thuần nhất, chưa phải là một xã hội văn minh hoàn thiện và lý tưởng. Ở đó đang còn nhiều sự đối lập về lợi ích, vẫn có quan hệ bạn – thù, vẫn có quan hệ hợp tác – cạnh tranh… nên chuyện bí mật các thông tin của mỗi bên vẫn là cần thiết. 

Nhưng chuyện đó khác xa và không thể lẫn lộn với chuyện bưng bít thông tin với dân. 

Không thể vin vào đó để lợi dụng che giấu sự thật về tội ác, che giấu việc làm mờ ám, che giấu âm mưu vụ lợi, che giấu các sự thật lịch sử của dân tộc… để hạn chế quyền được biết của  người dân. Càng không được phép coi dân như kẻ thù để cảnh giác và bưng bít thông tin! Nhân dân không thể không coi việc làm đó là hành vi phản động, nếu họ cứ hành xử như cũ!

- Và để có được một xã hội văn minh thì Việt Nam ta phải dứt khoát tiến theo mô hình phát triển bền vững, như Liên Hiệp Quốc đã có lời kêu gọi toàn cầu, nhằm phù hợp với xu hướng chung của thế giới văn minh.

Phát triển bền vững phải bao gồm nhiều mặt, không chỉ đơn thuần về kinh tế, về xã hội, về môi trường,… mà còn có những yêu cầu nghiêm ngặt cả về các mặt văn hóa, chính trị, trong đó nổi lên là đòi hỏi về một thể chế chính trị dân chủ, không có độc quyền, với nội dung cốt lõi trước hết là một xã hội dân sự. Và đương nhiên trong xã hội văn minh đó thì không thể chấp nhận mọi hình thức bưng bít thông tin với người dân như ở nước ta hiện nay! Lãnh đạo nước ta đã nói rất nhiều về sự phát triển bền vững mà vẫn thản nhiên dung dưỡng thói bưng bít thông tin thì chỉ là nói mép, là nói một đàng làm một nẻo, là lừa dối dân!

- Trước hết, phải dẹp ngay những biểu hiện của nền chính trị độc quyền, trong đó có cái thói bưng bít thông tin. Chúng ta và mọi người dân đã và sẽ kiên quyết lên án và phản đối hành động bưng bít thông tin, vì bản chất nó là phản dân chủ, là phản động, là chống lại xu hướng phát triển tiến bộ của nhân loại, là ngăn trở sự phát triển tiến bộ của đất nước! 

Chúng ta khuyên ai đó đừng ra sức cố tình ngụy biện để bảo vệ cái thói cai trị lạc hậu và phản động đó nữa! Trình độ dân trí Việt bây giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi đó!

Cuộc gặp thường niên của chúng tôi lần này cũng đã được kết thúc một cách viên mãn, cả về vật chất và tinh thần. Tôi được phân công viết lại các nội dung đã trao đổi để góp thêm một tiếng nói phản biện với cộng đồng. Cảm ơn tất cả bạn đọc!
Tháng 8 năm 2014
M.T.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts