Bằng
cách nào Trung Cộng lấy được những bí mật kỹ thuật của Mỹ
Yudhijist Bhattacharjee
Báo Mai - Nguyễn Minh Tâm dịch
Ngày 1 tháng Hai năm
2003, khi phi thuyền con thoi Columbia rơi trên không trung, ông Greg Chung
đang ngồi ở nhà. Con trai của ông gọi điện thoại báo tin cho bố biết về tai nạn
này. Chiếc phi thuyền bị vỡ tung trên đường trở về Trái đất, và bảy phi hành gia
trên phi thuyền bị chết hết. Ông Chung mắng đứa con trai: “Đây không phải là
chuyện đùa. Con đừng có báo tin bậy.” Ông Chung là một công dân Mỹ sinh đẻ ở
Trung Hoa. Ông đang sống với vợ, bà Ling, trong một khu gia cư khá xinh đẹp, ở
thành phố Orange, tiểu bangCalifornia. Ông mới về hưu được chừng vài tháng.
Trước khi về hưu, ông làm việc cho NASA, cơ quan phụ trách Chương Trình Không
Gian của Hoa Kỳ. Ông từng đóng góp vào việc thiết kế phòng lái cho phi hành
đoàn trong chiếc phi thuyền Columbia, chưa kể là ông đã làm nhiều việc khác
đóng góp cho chuyến bay của phi thuyền. Khi biết rõ cậu con trai, Jeffrey, báo
tin là đúng. Ông cúp điện thoại, và ngồi ôm mặt khóc một mình.
Hồi năm 1972, cơ quan
NASA giao việc thiết kế, và thực hiện phi thuyền con thoi cho công ty tư
Rockwell làm. Công ty này sau đó đã bị công ty Boeing mua lại. Trong hơn 30
năm, ông Chung là kỹ sư của công ty Boeing, làm việc trong nhóm
“stress-analysis”, thử sức chịu đựng của vật dụng thiết kế. Việc làm của ông
hết sức tỉ mỉ, và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, thử đi thử lại không biết là bao
nhiêu lần. Nhưng đó lại là việc làm sở trường của ông Chung. Ông làm việc miệt
mài, ít khi nào bỏ sở ra về, thậm chí ông cũng ít khi nghỉ giải lao. Ông cứ
ngồi miết ở máy vi tính, thử đi thử lại đủ mọi loại mô hình, xem coi chất liệu
nào thích hợp để làm vỏ phi thuyền, chịu đựng nổi độ nóng, và áp suất va chạm
vào phi thuyền.
Sau khi phi thuyền
Columbia bị nổ tung trên không trung, cơ quan NASA yêu cầu hãng Boeing thiết kế
một phi thuyền con thoi khác. Ông Chung là nhà thiết kế giỏi nhất trong nhóm.
Xếp cũ của ông Chung điện thoại yêu cầu công ty ký hợp đồng nên mướn ông Chung làm
công việc này. Mặc dù ông đã ở tuổi 70, song ông hoãn nghỉ hưu, và tiếp tục đi
làm. Thế là ông lại quanh trở về thói quen siêng năng cũ, về nhà trễ ăn cơm
tối, sau đó lại ngồi vào bàn làm việc cho đến khuya. Ông làm việc say sưa không
phải vì người ta hứa thăng chức, hay tăng lương cho ông, mà chỉ vì cái thú làm
việc có sẵn trong người của ông Chung. Vợ ông, bà Ling, kể lại về thói quen say
mê làm việc của ông. Ông khoe ông đã giúp hãng Boeing tiết kiệm được bao nhiêu
tiền. Ông nói nhiều về việc làm của ông đến nỗi bà Long phải bực mình, và nói:
“Suốt ngày cứ nói mãi về công ty Boeing của ông. Bộ ông không còn chuyện gì
khác để nói với tôi hay sao?”.
Tháng Tư năm 2006, nhân
viên FBI đến gặp ông Chung tại nhà riêng của ông ở thành phố Orange. Chính tay
ông Chung là người thiết kế căn nhà ông đang ở. Căn nhà có một hàng ba để ông
và bà Ling ngồi nhìn ra vườn hoa lớn phía trước. Ông Chung trồng cây chanh, và cà
chua. Hàng ngày ông hay dùng nước tái dụng để tưới hoa, tưới cây. Hai ông bà có
hai người con trai đã trưởng thành là Shane, cậu con lớn, và Jeffrey, cậu con
nhỏ. Hai cậu con cũng sống ở gần cha mẹ.
Ông Chung dáng người
cao, gầy, với khuôn mặt trầm tĩnh, mở cửa mời khách bước vào trong nhà. Họ mở
đầu câu chuyện bằng cách hỏi thăm ông Chung về một người tên là Chi Mak, bạn
của ông Chung. Ông này đã bị bắt trước đó vài tháng. Chi Mak là người Hoa gốc Hong
Kong đến California định cư vào thập niên 1970, và làm kỹ sư cho công ty Power
Paragon, một công ty xây cất hệ thống phân phối điện lực cho Hải Quân. Từ nhiều
năm nay, Trung quốc cố tìm cách canh tân hạm đội hải quân của họ. Cơ quan FBI
nghi ngờ rằng Mak đã được tình báo Trung quốc huấn luyện, gửi sang Hoa Kỳ để
làm gián điệp.
Sau hơn một năm điều
tra, đưa đến việc bắt giữ Chi Mak, cơ quan FBI nghe lén điện thoại của Chi Mak,
và bám sát y để theo dõi những giao du hàng ngày của Chi Mak. Có một lần trong
lúc Chi Mak và vợ đi nghỉ mát ở Alaska, thám tử Mỹ lẻn vào nhà lục soát suốt đêm.
Họ cố gắng không để lại một dấu vết nào, thậm chí màng nhện ở phòng khách họ
cũng cố tình giữ nguyên. Vào trong nhà, họ chụp hình hàng trăm tài liệu liên
quan đến hoạt động của Chi Mak. Trong đó, có cuốn sổ ghi điạ chỉ, số điện thoại
người quen của Chi Mak, vài người là kỹ sư Mỹ gốc Hoa. Một trong những người
này là Greg D. Chung.
Ông Chung tên viết theo
tiếng Hoa là Dougfan Chung, sang Hoa Kỳ định cư từ hơn 40 năm trước. Ông Chung
cho FBI biết ông và bà Ling vợ ông thỉnh thoảng có đi ăn cơm Tàu chung với Chi
Mak. Vì Chi Mak là kỹ sư ngành điện, còn ông Chung là kỹ sư ngành cấu trúc, nên
hai người ít khi bàn chuyện công việc làm với nhau. Nhân viên FBI cám ơn ông
Chung rồi ra về. Họ tìm được vài tin tức hữu ích, song không có tin gì quan
trọng, hay ông Chung không làm điều gì sai trái cả.
Vài tuần sau, nhân viên
FBI lại lục soát nhà của Chi Mak lần nữa. Kỳ này họ bắt gặp một lá thư viết
bằng tiếng Hoa trong mớ giấy báo cáo hàng tháng của ngân hàng. Lá thơ mang
nhãn hiệu một khách sạn ở Bắc Kinh, do Gu Wei Hao viết. Ông Gu Wei Hao là một
quan chức cao cấp trong Bộ Hàng Không của Trung Quốc. Lá thư đó không phải gửi
cho Chi Mak, mà là gửi cho Lingjia và Dongfan Chung.
Trong lá thư, và sau này
còn thêm một số thư khác, viên chức cao cấp họ Gu nhờ ông Chung thu thập tài
liệu để giúp Trung quốc thực hiện chương trình không gian của họ. Chính phủ
Trung quốc mới bắt đầu kế hoạch xây dựng trạm không gian đặt trên qũi đạo trái đất,
và Gu đang tìm cách thu thập tin tức kỹ thuật để giúp thực hiện kế hoạch này.
Lá thư của Gu viết cho ông Chung nói rõ: “Tất cả chi phí thu thập, hay cần phải
mua tin tức, chúng tôi sẽ cử người đích thân trả bằng tiền mặt, và ông có quyền
đem tiền ra khỏi nước một cách an toàn.”. Gu còn mời ông Chung sang Quảng Châu,
và tổ chức buổi họp mặt “trong khung cảnh giới hạn, ít người”, “rất an toàn” để
có thể cùng bàn luận về những vấn đề kỹ thuật. Vì ông Chung là công dân Mỹ, nên
Gu đề nghị ông nên làm đơn xin chiếu khán du lịch, với lý do là đi thăm bà con
ở Trung quốc. Gu kết luận ở phần cuối lá thư: “Đây là niềm vinh dự và may mắn cho
Trung quốc khi ông nhận thức rằng ông nên đem tài năng, trí tuệ của ông phục vụ
đất nước.”
TỪ NAY ÔNG CHUNG LÀ KẺ
BỊ TÌNH NGHI LÀM GIÁN ĐIỆP CHO TRUNG QUỐC. Cơ quan FBI bắt đầu mở cuộc điều
tra, đặt dưới sự điều động của một thám tử tên là Kevin Moberly. Người thám tử
có dáng dấp thể thao, mạnh khoẻ, khoảng trên 40, tóc điểm vài sợi bạc, dưới cằm
để một chòm râu được chăm sóc khá kỹ. Khoảng 2 giờ sáng một đêm trong tháng Tám
năm 2006, ông Moberly ngồi bật dậy, thay quần áo ra khỏi nhà. Ông cùng một thám
tử khác tên là Bill Baoerjin lái xe đến thành phố Orange. Họ đậu xe trên đường
Grovewood Lane, cách nhà ông Chung chưa đầy 100 yards. Họ ngồi yên trong xe
khoảng chừng 20 phút, quan sát khu xóm xung quanh, và để cho đôi mắt quen dần
với bóng tối. Sau đó họ dùng đèm bấm có dụng cụ đặc biệt che bớt ánh sáng, đến
lục tìm tòi trong hai thùng rác trước cửa nhà ông Chung. Họ thấy một chồng báo
Hoa văn. Họ ôm hết cả chồng báo đem về văn phòng.
Kẹp vào giữa chồng báo
là những tài liệu kỹ thuật của công ty Rockwell và Boeing. Thám tử Moberly
trước đây đã từng làm sĩ quan tình báo bên Không quân, vì thế ông nhận ra ngay
những chữ viết tắt như “O.V”, tức Orbital Vehicle, và “S.T.S” hay Shuttle Transportation
System đều là những tài liệu kỹ thuật liên quan đến phi thuyền không gian.
Không có bằng chứng nào cho thấy ông Chung muốn trao những tài liệu kỹ thuật
này một cách bí mật. Việc ông làm chỉ mang hình thức vứt bỏ những tài liệu kỹ
thuật cũ có sẵn trong nhà, vì ông sợ bị vạ lây sau khi vụ bắt giam Chi Mak được
loan tin từ vài tháng nay.
Một tuần sau, thám tử
Moberly và Baoerjin quanh trở lại lần nữa để tìm kiếm. Lần này một người hàng
xóm tình cờ lái xe đi ngang, khiến cho hai điệp viên phải ngồi thụp xuống, núp
sau hai thùng rác cao. Ông Moberly thấy việc lục lọi thùng rác coi bộ rủi ro nhiều
quá, ông quyết định nhờ công ty xe rác hợp tác. Trên đường lái xe rác đến trung
tâm chế biến rác, xe vận tải sẽ ngưng ở một điểm hẹn để nhóm FBI hốt hết rác
nhà ông Chung đem về nghiên cứu.
Trong tuần lễ kế tiếp,
ông Chung đẩy thùng rác ra trước cửa nhà vào lúc trời vừa hừng sáng. Ông đẩy
thùng rác nằm kẹt giữa hai thùng “recycle” mà ông đã kéo ra từ đêm hôm trước.
Sau đó, ông đứng núp sau bụi cây quan sát một lúc, trước khi ông bước vào trong
nhà. Khi nhân viên FBI thu hồi được vật liệu trong thùng rác nhà ông Chung, họ
tìm thấy khoảng 600 trang tài liệu kỹ thuật của công ty Boeing, với đầy đủ hình
ảnh rõ ràng. Lâu lâu trên trang giấy còn đóng con dấu: “tài sản riêng của công
ty” hay “tài liệu mật, cấm trao đổi.”
Tháng Chín, ông Moberly
đến nhà ông Chung cùng với một đồng nghiệp tên là Gunnar Newquist. Ông này là
điều tra viên hình sự của Hải Quân. Hai người đến đây để thực hiện một cuộc
phỏng vấn. Hai thám tử ngồi ở ghế sofa màu trắng, còn ông Chung ngồi ở bàn uống
cà phê đối diện. Ông Moberley mở đầu câu chuyện bằng việc hỏi thăm tin tức liên
quan đến Chi Mak. Sau một giờ chuyện vãn, ông tìm cách hướng câu chuyện liên
quan đến vị quan chức Gu Wei Hao làm việc ở bộ hàng không Trung quốc. Ông Chung
cho biết qủa thực ông có gặp vị quan chức này trong chuyến đi thăm Trung quốc
năm 1985, và sau đó một vài lần vào đầu thập niên 1990’s.
Ông Moberly đặt câu hỏi:
“Ông Gu có bao giờ nhờ ông làm việc gì hay không?”
Ông Chung trả lời:
“Không.”
Ông Chung đứng dậy, đi
vào nhà bếp lấy một ly nước để uống. Khi ngồi xuống ghế, ông Moberly lôi ra lá
thư của ông Gu đặt lên bàn uống cà phê. Ông yêu cầu ông Chung đọc to lá thư đó
lên. Ông Chung dịch lại lá thư với giọng nói lạc thần, mất bình tĩnh.
Moberly đặt câu hỏi:
“Trong nhà của ông có còn một tài liệu nào khác lẽ ra ông không được cất giữ
hay không?” Sau đó, ông ta đưa cho ông Chung tờ giấy để ký tên cho phép nhân
viên FBI lục xét nhà.
Ông Moberly gọi ngay một
toán thám tử đứng chờ phía trước, xông vào thực hiện công việc lục soát nhà của
ông Chung. Bà Ling lúc đó vừa về đến nhà, dắt theo đứa cháu trai. Cả ba đứng
lặng yên xem hàng chục thám tử lục lọi từng khe ngách nhỏ của căn nhà, trên khoảng
đất rộng gần một mẫu tây.
Ở dưới bao lơn phía sau
căn nhà, một thám tử tìm thấy một cánh cửa nhỏ. Cánh cửa được chắn ngang bằng
một thanh gỗ. Ông mở cánh cửa ra, và bước xuống vài bậc thềm, ông khám phá ra một
ngõ ngách nhỏ, đủ để lách mình đi vào, chạy dọc theo chiều dài của căn nhà. Khúc
đầu, ngõ ngách này chỉ đủ cho một người khom lưng đi vào. Sau đó, mặt đất thoai
thoải dốc, và người bước vào có thể đi đứng dễ dàng. Từ trong nhà không có lối
đi vào ngã ngách này. Khoảng đất trông như một basement, hầm nhà trơ trụi, và
chỉ có bóng đèn soi đường. Ở một bên phòng trống này chồng chất mấy cái nệm
giường cũ, xe đạp ba bánh cũ, hay vài miếng gỗ tạp. Đi tiến thêm về phía trước
của căn nhà, đằng sau tấm ván ngăn sơ sài, là một căn phòng nhỏ, sàn gỗ thô sơ,
với nhiều kệ sách. Trên kệ sách có rất nhiều binder, bìa cứng, đựng hồ sơ.
Người nhân viên dẫn ông
Moberly đi xuyên vào ngõ hẹp để cho ông thấy những binder này. Trong những
binders đó chứa rất nhiều tài liệu qúi liên quan đến việc chế tạo các loại máy
bay quân sự của Hoa Kỳ như oanh tạc cơ B-1, máy bay chở hàng C-17, chiến đấu cơ
F-15, và trực thăng vận tải Chinook 47 và 48. Ông Moberly nói với tôi về cảm
nghĩ của ông khi bước vào kho tài liệu này: “Tôi có cảm tưởng như mình vừa đi
lạc vào bãi mìn của vua Solomon ngày xưa.”. Không rõ ông Chung có vi phạm luật
nào hay không, nhưng chắc chắn là ông Chung đã vượt quá lằn ranh của một người
sưu tầm tài liệu kỹ thuật.
Ông Moberly cầm đại một
binder, chạy vội lên lầu, đặt lên bàn cà phê cho ông Chung xem. Ông gằn giọng:
“Tại sao ông không nói cho chúng tôi biết ông có những tài liệu này?”. Ông
Chung không trả lời, quay mặt đi chỗ khác.
Ngay lúc đó điện thoại
reo, và ông Chung bước sang phòng ăn để trả lời điện thoại. Ông Moberly có đem
theo một cộng sự viên duy nhất hiểu được tiếng Quan Thoại, đó là Jessie Murray.
Jesse Murray đứng nghe lóm câu chuyện thì hiểu là ông Chung đang nói chuyện với
cậu con trai lớn, cậu Shane, bằng tiếng Quan Thoại. “Họ sẽ đến nói chuyện với
con đó. Họ sẽ hỏi con về chuyến đi Bắc Kinh của trường con.”. Chuyến đi đó xảy
ra vào năm 1985, và ông Chung đã gặp Gu Wei Hao, viên chức cao cấp của Bộ Hàng
Không. Ông Chung dặn con: “Con cứ nói với họ là con quên hết rồi. Chỉ nói vắn
tắt là con không biết.”. Nghe đến đây, ông Murray giật điện thoại khỏi tay ông
Chung và cúp máy ngay, cảnh cáo ông Chung rằng ông ta có thể can tội cản trở
công lý, một tội rất nặng.
Cuộc lục soát nhà ông
Chung tiếp tục, kéo dài suốt một ngày. Điều tra viên tìm thấy một số tài liệu
đã bị đốt, và nhiều hồ sơ khác còn để trong phòng làm việc của ông Chung ở trên
lầu. Đến chiều tối, họ khuân đi hơn 150 thùng tài liệu. Trước khi rời khỏi nhà
ông Chung, ông Moberly gặp cậu con cả Shane ở lề đường trước cửa nhà xe. Cậu ấy
than: “Bố tôi còn nặng lòng với cố quốc quá. Ông cụ cần phải suy nghĩ lại về
lòng trung thành với Trung quốc.”.
ÔNG CHUNG SINH RA TRONG
MỘT NGÔI LÀNG NHỎ ở tỉnh Laoning, một tỉnh nhỏ vùng đông bắc Trung quốc. Khi
còn nhỏ ông là một cậu bé nhút nhát, chỉ thích sưu tầm đồ chơi nho nhỏ: tem cổ,
đá lạ, hay nắp hộp kem đánh răng. Cha mẹ của cậu là Phật tử thuần thành. Ông bà
dạy con phải quí trọng thiên nhiên, cây cỏ. Cậu bé tỏ ra say mê tìm hiểu về hoa
cỏ, cây cối, và cậu rất bất bình khi thấy những đưá trẻ cùng lứa tuổi bóp chết
hàng đàn kiến nhỏ.
Trong thời Thế Chiến Thứ
Hai, khi đoàn quân Nhật đang tiến vào các tỉnh phía đông, gia đình họ Chung
phải bỏ làng mạc, cùng với hàng triệu người Hoa khác, đi lánh nạn. Trên đường
chạy về phương nam, họ phải tạm dừng chân vì có cuộc giao tranh bằng súng lớn. Gia
đình họ Chung phải trốn trong ruộng bắp. Một nông dân tử tế giúp họ Chung cho
vào nhà tá túc, và nấu cháo bắp cho ăn. Gia đình đó không nhận tiền đền đáp của
họ Chung. Lúc đó cậu bé Chung mới được tám tuổi, và cậu vẫn nhớ mãi nghĩa cử
cao đẹp của gia đình nông dân này.
Cha của ông Chung là một
kỹ sư công chánh, làm việc trong bộ hoả xa. Ông là người theo phe Trung Hoa Dân
Quốc. Năm 1946, khi phe Mao Trạch Đông dành được quyền kiểm soát toàn thể lục
điạ Trung Hoa, gia đình họ Chung phải bỏ chạy sang Đài Loan. Tại đây phe nước
Trung Hoa Dân Quốc, hay phe Quốc Dân Đảng thành lập chính phủ lưu vong. Kể từ
đó có hai nước Trung Hoa - Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, do Đảng Cộng Sản cai
trị, và Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan. cả hai đều tự nhận mình mới là người đại
diện cho quyền lợi của dân Trung Hoa. Thống chế Tưởng Giới Thạch, nhà độc tài
quân sự của Đài Loan tung ra rất nhiều kế hoạch tuyên truyền, nhồi sọ trẻ nhỏ ở
Đài Loan. Giống như các học sinh nhỏ tuổi khác, Chung đã được dạy phải phỉ nhổ
vào chế độ của Mao Trạch Đông. Nhưng ở sâu trong tâm khảm, chú bé vẫn tự hào
mình là người Trung Hoa, và qúi mến văn hoá Trung quốc.
Khi còn học trung học,
Chung phải theo học những khoá huấn luyện quân sự bắt buộc. Sau này, cậu có
đăng lính vào Lực Lượng Hải Quân của Đài Loan, với mục đích sẽ giải phóng Hoa
Lục thoát khỏi sự cai trị của Mao. Một người anh em của Chung kể lại rằng chính
cha của cậu Chung khuyên con đi học ngành kỹ sư. Do đó, Chung xin học trường
Đại Học Quốc Gia Đài Loan, một đại học danh tiếng. Sau khi ra trường, câu Chung
được bổ đi làm tại một đập ngăn nước ở phía bắc Đài Loan. Tại đây, cậu gặp
người đẹp Lingjia Wang, một hoạ sĩ, đang làm cô giáo dạy trong trường mẫu giáo
gần đó. Ít lâu sau hai người thành hôn.
Chung rất say mê ngành
kỹ sư, cậu là sinh viên giỏi nhất trong lớp. Nhưng triển vọng tương lai nghề
nghiệp của cậu sẽ không đi xa nếu cứ lại Đài Loan. Vì thế, giống như nhiều kỹ
sư đồng lứa, cậu mơ một ngày nào đó sẽ sang được Hoa Kỳ học tiếp lên cao. Trong
lúc làm việc tại dập nước, cậu chịu khó học tiếng Anh do bà vợ ông cố vấn Mỹ dạy.
Năm 1962, cậu xin được
vào học tại trường đại học Minnesota. Cậu lấy bằng cao học về kỹ sư công chánh,
và được tuyển vào làm cho hãng Boeing ởPhiladelphia. Cậu là một chuyên gia thử
nghiệm “stress” trong Vertical Takeoff and Landing Division, phụ trách về sức chịu
của thân máy bay trong giai đoạn cất cánh và hạ cánh. Bà Ling học thêm về Hội
hoạ. Vào thời điểm đó, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, hay Trung Cộng không
cho người dân xuất ngoại. Gia đình họ Chung chỉ có vài người bạn thân là người
Hoa, đa số là dân Đài Loan sang Hoa Kỳ định cư. Thú vui của họ là đi thăm bảo
tàng viện ở New York, đi nghỉ mát ngoài bờ biển tiểu bang Delaware, và bắt cua
về ăn chung với nhau.
Một trong những người
bạn thân từ thuở nhỏ của ông Chung là Thomas Xie. Anh ta lúc đó đang là sinh
viên ở trường New Mexico State University. Anh thường liên lạc với Chung qua
thư từ. Có lần anh cho biết anh được nhận vào trường University of Chicago,
nhưng thiếu tiền ghi danh. Hai vợ chồng Chung gửi cho anh Xie hai ngàn đô la, không
thắc mắc gì cả. Anh Xie nói với tôi về ông Chung như sau: “Greg lúc nào cũng tử
tế, sẵn lòng giúp đỡ người khác.”
Bà Ling thì thuộc loại
người quảng giao, ưa xã giao hơn ông Chung. Bà muốn có nhiều bạn bè thân quen
để giao tiếp. Hai vợ chồng cùng gia nhập Hiệp Hội Người Đài Loan ở điạ phương.
Trong những lần họp mặt với nhau, hai vợ chồng Chung ủng hộ ý kiến thống nhất
hai nước Trung Hoa: Đài Loan và Hoa Lục nên kết hợp lại làm một. Họ phản đối ý
kiến phân chia ranh giới giữa hai khu vực. Bà Ling còn nói thêm: “Chúng tôi
nghĩ rằng cả thế giới nên sống hoà hợp với nhau. Mọi cuộc xung đột đều vô nghĩa
đối với chúng tôi.”. Quan điểm của hai vợ chồng ông Chung làm cho một số người
trong Hội Đài Loan không ưa, bởi vì họ nghĩ rằng vợ chồng nhà Chung không còn
trung thành với Đài Loan như xưa.
Năm 1972, ông Chung làm
việc cho công ty Rockwell. Công ty vừa nhận được hợp đồng chế tạo phi thuyền
con thoi đầu tiên cho cơ quan NASA. Ông Chung dọn sang sống ở miền Nam
California. Khi đó, ông Chung và bà Ling đã trở thành công dân Mỹ. Con đường
công danh, nghề nghiệp của ông Chung thăng tiến rất mau. Trong khi đó bà Ling cũng
khá thành công về mặt xã hội, và hội hoạ. Hai vợ chồng dự tính sẽ mãi mãi sinh
sống tại Hoa Kỳ. Giống như nhiều người di dân khác, họ cảm thấy thoải mái, hài
lòng với ba dạng tịch khác nhau: Người Hoa, người Đài Loan và người Mỹ.
TRONG SUỐT THỜI GIAN
CUỐI THẬP NIÊN 1970’s, nước Trung Hoa Cộng Sản trải qua nhiều cuộc cải cách to
lớn về chính trị, và kinh tế. Thái độ thù nghịch chế độ cộng sản của hai ông bà
Chung giảm bớt đi rất nhiều. Bà Ling nói với tôi: “Bỗng dưng, cánh cửa mở ra
cho chúng ta có dịp giao tiếp với Trung quốc. Chúng tôi nao nức, tò mò, muốn tìm
hiểu về cội nguồn của mình.”. Họ nhận thấy rằng chế độ Trung Hoa Dân Quốc cũng
chẳng lấy gì gọi là dân chủ hơn chế độ cộng sản. Ông Ching Wang, bạn thân của
ông Chung từ hồi trung học, hiện là giáo sư Hoá học của đại học UC San Francisco,
nói với chúng tôi rằng có sự chuyển hướng trong nếp suy nghĩ của người Đài
Loan. Điều này cũng dễ hiểu đối với những người đã định cư từ lâu ở nước ngoài,
và không có nghĩa là chúng tôi không còn trung thành với Đài Loan. Ông Wang
phân tích: “Chúng tôi bắt đầu có những tư tưởng nổi loạn. Chúng tôi không còn
tin vào những điều đã được tuyên truyền nhồi sọ vào đầu óc chúng tôi trước
đây.”. Truyền thông Đài Loan lúc nào cũng mô tả Trung Cộng như một xã hội chậm tiến,
mọi rợ. Nhưng khi xem truyền hình tổng thống Richard Nixon đi thăm Bắc Kinh,
chúng tôi thấy thành phố này cũng khá sạch sẽ, và thịnh vượng.
Thấm nhuần triết lý Phật
Giáo, chủ trương “buông xả” giúp ông Chung dễ dàng tha thứ cho những điều xấu
xa mà chế độ của Mao Trạch Đông từng gây ra. Một người em của ông Chung nói:
“Trong bà con của chúng tôi có người đã bị Cộng Sản giết. Nhưng nghĩ cho cùng
thì đó là thế hệ cũ. Chúng ta không thể tiếp tục giữ mãi mối hận thù trong đầu.
Anh Greg của chúng tôi cũng cảm thấy như vậy.”.
Khi họ đến tuổi gần bốn
mươi, họ cảm thấy cần phải truy nguyên về nguồn gốc Trung Hoa trong máu huyết
của họ. Bà Ling mạnh dạn nói: “Phải trở về nguồn mới được. Nếu không chúng ta
sẽ giống như trái bí rợ. Cái đít thì to mà trong lòng chẳng còn trái tim.”
Năm 1976, sau khi đi xem
hai nhạc sĩ Trung Hoa đến biểu diễn ở Los Angeles, ông Chung bèn đi tìm mua một
đàn bầu hai giây của Trung Hoa đem về nhà tập gẩy đàn. Ông Chung và bà Ling bắt
đầu sưu tầm những truyền đơn, tài liệu của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Kể cả
những tài liệu về Cách Mạng Văn Hoá, và những bài viết tiếc thương Mao Trạch
Đông sau khi Mao chết. Ông Chung đọc rất kỹ, ghi chép bên lề từng bài viết. Kể
từ thập niên 1950’s, đa số người Hoa ở Hoa Lục đều viết Hoa Văn theo kiểu giản
đơn của Mao Trạch Đông. Phần lớn người Hoa ở Đài Loan vẫn còn viết Hoa văn theo
lối cũ. Ông Chung và bà Ling sẵn sàng tiếp thu lối viết kiểu mới.
Năm 1976, sau khi Mao
chết, đó cũng là thời điểm kết thúc Cuộc Cách Mạng Văn Hoá, và khởi đầu giai
đoạn canh tân của Đặng Tiểu Bình. Trung quốc gửi rất nhiều phái đoàn khoa học
gia và kỹ sư sang các nước Tây phương. Trí thức Trung Hoa luôn luôn tâm niệm
phải “phải dùng khoa học để cứu Trung Quốc.”. Ông Chung theo dõi mọi tiến bộ về
khoa học của Trung quốc với niềm tự hào, hãnh diện. Ông cắt dán, lưu trữ những
bài báo, hình ảnh liên quan đến việc Trung quốc phóng vệ tinh. Và ông cũng bắt
đầu đi dự những buổi nói chuyện của các nhóm học giả, nhà ngoại giao Trung quốc
khi họ sang thăm Hoa Kỳ. Trong một buổi hội thảo năm 1979, ông Chung gặp Chen
Len Ku, Giáo sư công nghệ của Viện Kỹ Thuật Harbin. Ông Chen này đang đi tìm
những tài liệu giảng dạy về “stress analysis”, phân tích sức chịu đựng của vật
liệu. Đề tài này là phạm vi chuyên môn của ông Chung. Ông Chung về nhà làm
photocopy những bản ghi chép hồi còn học ở University of Minnesota, gửi sang
cho ông Chen theo đường biển.
Khi gửi những tài liệu
này đi, ông Chung còn viết một lá thư rất cảm động như sau: “Tôi không biết
mình có thể đóng góp được gì cho tổ quốc. Tôi lấy làm hãnh diện về những thành
quả nhân dân ta đã làm được cho Quê Mẹ. Tôi lấy làm ân hận mình đã không đóng
góp được gì nhiều.”.
GIÁO SƯ CHEN ĐEM LÁ THƯ
VỀ khoe với đồng nghiệp ở Harbin. Hẳn là các quan chức cao cấp Trung cộng cũng
nghe nói đến chuyện này. Qua năm sau, ông Chung được mời đến họp tại một khách
sạn ở Los Angeles. Diễn giả chính trong buổi họp này là Gu Wei Hao, quan chức của
Công Ty Kỹ Nghệ Hàng Không Trung quốc. Đây là một công ty quốc doanh thành lập
từ thời thập niên 1950’s với sự trợ giúp của Nga Xô Viết. Công ty này gần như
biến mất khi quan hệ Trung Xô bị gẫy đổ, bây giờ người ta đang định canh tân
lại công ty. Gu Wei Hao khẳng định Trung quốc cương quyết sẽ học hỏi tìm tòi
những kỹ thuật tân tiến, nhất là trong lãnh vực không gian. Sau khi nghe bài
diễn thuyết, ông Chung nói chuyện khá lâu với Gu. Trung quốc cần phải cải tiến
việc thiết kế khung máy bay, phi thuyền, và đó là lãnh vực chuyên môn mà ông
Chung là chuyên gia, biết rất rõ. Sau buổi họp này, ông Chung cũng gặp Chi
Mak.Tay này đã bắt đầu sưu tầm tài liệu kỹ thuật cho Trung quốc từ lâu, thế mà
ông Chung không hay biết.
Vào thập niên 1950’s,
Đảng Cộng Sản Trung quốc đưa ra chiến lược qui mô thu thập tin tức. Viện Khoa
Học Thông Tin Kỹ Thuật, thành lập năm 1958, lấy được hàng ngàn tài liệu nước
ngoài, đem về dịch sang tiếng Hoa. Các quan chức cao cấp, học giả Trung Hoa đi
Âu Châu và Hoa Kỳ dự hội nghị khoa học chịu khó ghi chép rất kỹ, nghe ngóng,
nghe lén, và thỉnh thoảng còn ăn cắp cả những tài liệu chưa được xuất bản. Vào
khoảng giữa thập niên 1960’s, chính phủ có khoảng 11,000 tạp chí ngoại quốc,
năm triệu bằng khoán trí tuệ, và vài trăm ngàn phúc trình nghiên cứu kỹ thuật,
kể cả biên bản hội nghị, hay những đề tài trình luận án tiến sĩ.
Chính quyền của Mao
Trạch Đông chú trọng vào việc sưu tầm những tin tức có thể ứng dụng cho lãnh
vực quân sự. Sau khi Mao chết, Trung quốc mở rộng phạm vi sưu tầm. Đến tháng ba
năm 1986, Đặng Tiểu Bình thành lập Chương Trình Nghiên Cứu & Phát Minh Kỹ Thuật
Cao Cấp, lấy bí số là 863. Chương trình này đặt ra chỉ tiêu làm việc từng năm,
từng tháng, và nhấn mạnh những điạ hạt phải chú trọng gồm có: không gian, sinh
học, kỹ thuật laser, kỹ thuật tin học, năng lượng, và nguyên vật liệu mới.
Chính phủ đỡ đầu cho các hoạt động nghiên cứu, và lập ra những công ty quốc
doanh để chế tạo, hay nhập cảng những kỹ thuật cần thiết.
Khi nào có thể làm được,
những công ty này phải cố tìm ra sản phẩm của công ty Tây phương bằng cách mua
lại tài sản trí tuệ, hay đánh tráo, ăn cắp cho bằng được. Sau khi tất cả những
thủ đoạn này làm không xong, chính phủ sẽ đứng ra yểm trợ cho hoạt động gián điệp.
Bộ An Ninh Nhà nước và cơ quan tình báo quân sự sẽ huấn luyện điệp viên để gửi
sang Hoa Kỳ và các nước Âu châu. Họ cũng tuyển mộ những khoa học gia, kỹ sư, và
chuyên gia sinh đẻ ở Trung quốc hiện đang sống ở hải ngoại, nhất là những người
có lý lịch an ninh trong sạch được làm trong những cơ sở bí mật. Có khi những
khoa học gia này được yêu cầu phải lấy cắp một loại tin tức bí mật nào đó. Song
cũng có khi chính quyền Trung quốc áp dụng chiến thuật “thu thập hàng ngàn hạt
cát” ráp chúng lại thành sản phẩm mong muốn.
Lấy ví dụ trường hợp ông
Wang. Ông là giáo sư danh dự về ngành hoá học dược phẩm. Ông phụ trách nghiên
cứu cho công ty dược phẩm Merck hồi thập niên 1970. Sau khi nghiên cứu về
microbes có ở trong đất nhiều năm, ông Wang và các đồng nghiệp phát minh loại
thuốc chống ký sinh trùng lấy tên là ivermectin. Chỉ ít lâu sau, tin tức về sự thành
công của ông Wang được đăng tải, ông nhận được điện thoại của nhân viên làm cho
công ty dược phẩm quốc doanh ở Mãn Châu mời ông Wang đi sang thăm Trung Hoa,
dặn ông đem theo mẫu microbe dùng để chế ra dược phẩm. Ông Wang nói rằng có lẽ
người gọi điện thoại mời ông đi Trung quốc không hiểu việc họ làm là một điều
hỗn láo, rất xấu. Thậm chí họ còn khinh thường ông bằng cách yếu cầu ông bỏ
tiền túi ra mua vé máy bay mà đi. Ông Wang giận lắm, cúp điện thoại, không thèm
trả lời.
Ông Chung thì ngược lại,
có thái độ khác hẳn với ông Wang. Ông Chung hăm hở muốn giúp đỡ Trung quốc. Nói
về phương tiện tài chánh, vợ chồng ông Chung tương đối rất khá giả. Họ có chung
cư cho thuê ở thành phố Alhambra, và một xưởng sửa xe hơi khá phát đạt ở Long Beach.
Đấy là chưa kể hai vợ chống sống rất tằn tiện. Họ cắt tóc cho nhau để đỡ tốn
tiềm. Năm 1984, khi Thế Vận Hội Muà Hè tổ chức ở Los Angles đang diễn ta, vợ
chồng ông Chung là một trong những Hoa Kiều hải ngoại được mời dự yến tiệc cùng
với các lực sĩ Trung quốc. Có đôi lần, theo l72i yêu cầu của Lạnh Sự Quán Trung
quốc ở San Francisco, vợ chồng ông Chung nhận lời bảo trợ, đỡ đầu cho người Hoa
mới đến định cư ở California. Ông bà dẫn họ đi mua sắm những món đồ cần thiết
cho cuộc sống, và chở họ đi chợ trong vài tháng đầu mới định cư.
Tháng Hai năm1985, ông
Chung nhận được thư của quan chức tên là Chen Qi-Nan mời ông đi Trung quốc dự
hội nghị “trao đổi kỹ thuật”. Ông Chen đề nghị ông Chung soạn sẵn tài liệu liên
quan đến những vấn đề kỹ thuật. Trong đó có việc thử sức chịu đựng của khung
máy bay sau khi sử dụng nhiều lần.
Ông Chung trả lời thư
mời rằng đến tháng Bảy sắp tới là thời gian thuận tiện để ông đi Trung quốc
nhân dịp nghỉ hè vài tuần, để ông có dịp chính mắt mính đi thăm phong cảnh của
Quê Mẹ. Ông xin công ty Rockwell cho ông nghỉ phép bảy tuần lễ để đi chơi.
Ông Chung vẫn còn giữ lá
thư mời, cũng như bản nháp thư trả lời của ông. Đọc cả hai lá thư, không biết
là Trung quốc mang ơn ông, hay là ông mang ơn Trung quốc. Trong một lá thư gửi
cho bạn đồng lieu của Chen Qi Nan, ông Chung viết: “Thật là một vinh hạnh lớn cho
tôi, và tôi lấy làm phấn khởi khi có dịp đóng góp vào kế hoạch canh tân Quê
Mẹ.”. Động lực đầu tiên xúi ông tiếp tay cho Trung quốc là “nghĩa vụ của một
con dân”. Bà Ling phải thú nhận: “Nhà tôi rất trung thành với tổ quốc. Ông ấy
có một tấm lòng yêu nước rất lớn.”
Chen và Chung tiếp tục
trao đổi thư từ với nhau nhiều lần. Chen hỏi ông Chung về các loại máy bay, và
cách thiết kế trực thăng, và có lẽ ông Chung muốn khoe khoang kiến thức của
mình, lại bàn luôn sang chương trình phi thuyền con thoi. Chen phải nhắc nhở
ông Chung: “Tôi vẫn mong được ông chỉ trình bầy về các loại máy bay qui ước thôi.”.
Sau đó để tránh khiến ông Chung bị giảm bớt lòng hăng say, Chen hứa việc trình
bầy về phi thuyền con thoi cũng sẽ được đưa vào nghị trình.
CUỐI THÁNG SÁU NẮM 1985,
ông Chung, bà Ling bay đi Trung quốc cùng với hai cậu con trai ở tuổi teenager.
Trong lúc cậu Shane và Jeffrey theo học lớp dạy Hoa Văn ở Bắc Kinh, ông Chung
và bà Ling đi thăm khoảng hơn một chục thành phố khác nhau cùng với các đoàn du
lịch. Họ ghé thăm nhiều nơí chế tạo máy bay ở tỉnh Nanchang, Chengdu và Xi’an.
Bộ hàng không sắp xếp, và trả hết phi cho những chuyến đi này. Ông Chung còn là
diễn giả trình bầy những vấn đề kỹ thuật cho mọi người nghe. Chương trình diễn
thuyết của ông được các đại học lớn, và cơ xưởng kỹ nghệ đài thọ. Ông Chung
dùng phim ảnh, tài liệu mang từ Mỹ sang để trình bầy về cách thiết kế phi
thuyền của Cơ Quan Không Gian Hoa Kỳ (NASA), làm cách nào để đưa phi thuyền con
thoi trở về trái đất an toàn. Ông Chung nhận thấy những kỷ thuật ở Bắc Kinh quá
lỗi thời, có từ thập niên 1950’s và chưa được canh tân, cập nhật.
Chuyến đi thăm Trung
quốc lần này là chuyến đi đầu tiên trong đời ông Chung ở tuổi chững chạc. Nó để
lại trong tâm khảm ông rất nhiều dư âm quan trọng cả về mặt chuyên môn, cũng
như tình cảm cá nhân. Xen vào giữa những buổi diễn thuyết ở các xí nghiệp, ông
Chung còn được Bộ Hàng Không sắp xếp cho đi thăm nhiều thắng cảnh đẹp của đát nước
Trung Hoa. Đó là những nơi khi còn nhỏ, cậu bé Chung hằng ước mơ được đi thăm.
Ví dụ như Tượng Phật vĩ đại xây trên núi Leshan, và Chuà Dyan ở thành phố
Xi’an. Trong lúc lái xe đi qua nhiều làng mạc, ông Chung trông thấy dân quê
Trung quốc hái sen từ vũng sình lầy. Bà Ling kể lại cho tôi rằng khi ông Chung
ngồi toạ thiền, ông đã hồi tưởng và thấy được cuộc đời của ông ở kiếp trước, đó
là cuộc đời của một nhà sư trong ngôi chùa Trung Hoa.
Vào cuối mùa hè, ông
Chung đem về Mỹ những món quà lưu niệm nhỏ: chiếc kim cài lên cà vạt do hãng
chế tạo máy bay tặng, một vật trang sức cho cà vạt khác do Trung quốc Học Viện
Công Nghệ làm riêng cho ông, kèm theo một bảng vấn lục dài tám trang. Đó là
danh sách những điểm kỹ thuật mà các kỹ sư hàng không ở Nanchang muốn tìm hiểu.
Ông Chung để ra vài tháng nghiên cứu sách vở để trả lời những câu hỏi mà các kỹ
sư yêu cầu. Đến tháng 12, đích thân ông Chung lái xe lên Lãnh sự quán Trung
quốc ở San Francisco để gửi tài liệu đi Nanchang qua thể thức gửi hàng của giới
noại giao. Những thứ ông Chung gửi đi, nếu giới chức Hoa Kỳ biết được chắc hẳn
họ phải kinh hoàng. Toàn là những tài liệu mật có giá trị dầy khoảng bảy cuốn
sách cẩm nang về kỹ thuật từ tài liệu công nghệ của công ty Rockwell cho đến
cách thiết kế oanh tạc cơ B-1.
Ông Moberly nói với tôi:
“Tài liệu ông Chung gửi đi chính là Toa Thuốc Thánh giúp cho công ty sản xuất
máy bay Trung quốc có thể làm được những gì Hoa Kỳ đang làm.”. Ông Chung đã đem
cho đi những kiến thức kỹ thuật mà công ty Rockwell phải mất hàng chục triệu đô
la, và nhiều năm mới sáng chế ra được kỹ thuật đó. Bà Ling thì cho rằng chẳng
có gì đáng kể, bạn bè giúp nhau là chuyện thường. Bà nói với tôi: “Toàn bộ quan
hệ này chỉ mang tính chất hữu nghị. Ở Trung quốc, mọi người đều sẵn lòng giúp
đỡ nhau. Nếu bạn là kỹ sư, thì bạn nên làm những gì bạn có thể làm được để giúp
cho tổ quốc của bạn.”
Trong khoảng thời gian
một năm rưỡi sau, gia đình họ Chung mua thêm nhiều tài sản điạ ốc. Tháng 10 năm
1986, họ mua một căn nhà ở vùng Cypress,California. Năm tháng sau, họ trả bằng
tiền mặt khoảng 600,000 để mua một căn nhà rộng một mẫu đất ở Orange, và còn có
dư tiền để xây lại căn nhà từ đầu. Đặc biệt là gia đình này không thích xe xua,
đi xe đắt tiền hay áo quần sang trọng. Vì thế hàng xóm không ai để ý đến sự
giầu có của gia đình này.
Gu Wei Hao thỉnh thoảng
ghé thăm gia đình, và hai vợ chồng ông Chung đưa quan chức này đi chơi nhiều
nơi, như Disneyland, hay ra biển hóng mát. Phụ cấp công tác ngoại giao của Gu
bèo lắm, chỉ được có $4 đô la một ngày. Vì thế phần lớn vợ chồng ông Chung trả
hết chi phí đi chơi cho Gu. Nếu không hẳn là Gu phải có một qũi đen nào đó để
cho y tiêu dùng.
Gia đình ông Chung dọn
về căn nhà mới vào năm 1989. Chiều tối, nôg Chung có cái thú tiêu khiển lấy ống
viễn vọng kính nghiên cứu vì sao trên trời. Ông thích nghiên cứu bản đồ thiên
văn học của Trung Hoa ngày xưa, xác định các chùm sao tinh tú trên trời. Bà
Ling là người ưa thích mỹ thuật, hội hoạ. Bà lấy thêm văn bằng cao học mỹ thuật
của trường California State University, Long Beach. Bà biến cái garage nhà bà
thành một studio cho bà vẽ tranh. Bà cũng nhận dạy hội hoạ cho trường đại học
cộng đồng ở điạ phương. Bà thích dạy về trường phái tân ấn tượng, trừu tượng,
và tĩnh vật thịnh hành ở Hoa Kỳ và Âu châu vào cuối thập niên1970’s. Một đồng
nghiệp trong trường nói với chúng tôi: “Bà có một số môn đệ rất thích theo học
với bà, họ mê say lối dạy của bà.”.
Vào năm 1998, tức là hai
năm sau khi hãng Boeing mua lại hãng Rockwell, ban quản trị mới quyết định rời
văn phòng đi nơi khác. Nhân viên được chỉ thị phải chuẩn bị thu dọn đồ đạc.
Những tài liệu tham khảo cần giữ được tập trung vào các thùng để sẵn, và công
ty vận chuyển sẽ đem đi. Những thứ nào cần vứt đi, cứ bỏ vào bao rác, sẽ có người
đến đem đi đốt bỏ. Trong vòng vài tuần lễ sau đó, ông Chung đem về nhà hàng
chục thùng tài liệu. Ông dấu những thùng tài liệu này trên những kệ sách trong
căn hầm sau nhà. Những người quen ông ở Trung quốc nhờ ông thu thập bất cứ tài
liệu kỹ thuật nào hữu ích. Bây giờ thì ông có thể có đủ tài liệu để cung cấp
cho họ trong nhiều năm chưa hết.
Năm 2002, khi ông Chung
sắp đến tuổi về hưu. Ông vào sở liên tục in rất nhiều tài liệu gốc của công ty
Boeing ra. Trên mỗi bản in ra, ông ta phải mừng chất keo mầu trắng để xoá lời
cảnh cáo, cấm không được chia sẻ tin tức trong tài liệu với người ngoài công
ty. Ông cũng cẩn thận ghi lại ngày tháng sao chụp, và xoá bỏ tên nhân viên chụp
bản sao. Ông làm photocopy những tài liệu này, bản chính do ông giữ, bản chụp
hình ông gửi sang Trung quốc. Khối lượng tài liệu in và sao chụp rất lớn, ông
Moberly nói với tôi: “Ông Chung chắc phải dùng hàng trăm bình nước tẩy xoá máu
trắng.”
NĂM 2007, TRONG PHIÊN
TOÀ LIÊN BANG KÉO DÀI 6 TUẦN LỄ, tại Santa Ana, California, công tố viên trình
bầy lý luận truy tố Chi Mak là một tên gián điệp làm việc cho chính quyền Trung
quốc. Họ tố cáo những tài liệu do Chi Mak thu thập đã giúp Trung quốc làm được
hệ thống radar Aegis. Hệ thống đó giúp bảo vệ các tầu chiến Trung quốc. Bồi
thẩm đoàn quyết định kết án Mak về tội làm gián điệp cho chính phủ nước ngoài,
và hắn bị tuyên án 24 năm tù, trong nhà tù liên bang. Đây là một bản án nặng
nhất dành cho một tên gián điệp cho Trung cộng làm việc tại Hoa Kỳ.
Một người em trai của
Mak, cùng bà vợ của y, bị cảnh sát phi trường quốc tếLos Angeles bắt giữ cùng
với một cuốn CD chứa đựng số tài liệu mật. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông
Chung, các điều tra viên gặp phải điểm khó khăn khi truy tố. Trong nhiều tháng,
thám tử của FBI nghiên cứu hơn ba trăm ngàn trang giấy tịch thu ở nhà ông
Chung, nhưng không có một tài liệu nào được gọi là tài liệu mật. Ông Chung
không thể bị kết án là đã tiết lộ bí mật quốc gia cho nước ngoài. Khi biện lý
cuộc chứng minh ông Chung đã chia sẻ tài liệu mật với viên chức cao cấp Trung
quốc vào thập niên 1980, đến nay đã quá hạn kỳ truy tố 5 năm, nên những vi nếu
có xảy ra cũng không còn đầy đủ hiệu lực dùng để kết án. Ông Moberly nói: “Rõ
rệt là ông Chung đã làm điều sai quấy. Nhưng chúng tôi phải tìm ra luật lệ nào
mà ông Chung đã vi phạm, để truy tố ông ta.”
Trong lúc xem xét qua
những luật lệ liên bang, ông Moberly bắt gặp một đoạn văn mang tựa đề:
“Economic Espionage” (Làm Gián Điệp Kinh Tế) đã được Quốc Hội thông qua và làm
thành luật Economic Espionage Act năm 1996. Ông Moberly nhớ là mình đã học qua
lớp học dài khoảng 30 phút trong chương trình huấn luyện phản gián. Lớp học
ngắn quá, và ít có ai bị truy tố về tội làm gián điệp kinh tế, nên không ai để
ý đến đạo luật này.
Nội dung của đạo luật
nói rằng kẻ làm gián điệp kinh tế là người đã “lấy đi, mang theo, cất dấu” hay
“sử dụng không đúng cách” những bí mật mậu dịch với chủ đích trợ giúp chính
quyền nước ngoài. Đối với trường hợp của ông Chung, công tố viên không cần phải
chứng minh ông Chung chuyển giao tài liệu sang Trung Hoa trong năm năm qua. Chỉ
riêng việc ông cất dấu bí mật mậu dịch trong căn hầm đủ để kết tội ông.
Năm 2009, vụ án liên
quan đến ông Chung được đem ra xét xử. Chánh án kỳ này cũng chính là thẩm phán
Cormac J. Carney, người từng xử Chi Mak trước đây. Trong phần lấy lời khai,
chuyên viên tình báo FBI, Ronald Guerin, trình bầy kỹ thuật ngành tình báo
Trung quốc tuyển người làm gián điệp cho họ. Ông Guerin phân tích: “Tình báo Trung
quốc cố tình khai thác khía cạnh Trung Hoa nơi người làm mật báo viên. Họ dụ dỗ
những người này bảo rằng họ cứ chịu khó làm gián điệp cho Trung quốc đi, nó
chẳng hại gì Hoa Kỳ cả, chỉ giúp cho Trung quốc thôi.”., “Bạn chỉ cần vỗ vai
người Hoa, và bảo anh ta rằng anh cần giúp đỡ cho Quê Mẹ, cho đất nước của
anh.. Và sau đó, anh cho người mật báo bằng khen, bằng tưởng lục…, hay cho
người ấy một số tiền.”. Trong trường hợp của ông Chung, rõ rệt là ngành tình
báo Trung quốc đã dùng nghệ thuật ngon ngọt nói nịnh ông Chung, và đem lại hiệu
quả tốt. Việc truy tố ông Chung không hề có bằng cớ về số tiền trao đổi để lấy
tin tức.
Phe bào chữa cho ông
Chung lý luận rằng quả thực ông Chung đã làm một số việc “ngu dại trong quá
khứ”, nhưng từ chối không nhận tội chia sẻ tin tức mật. Ông ta chỉ là một kẻ
tàng trữ tin tức vào hàng tép riu. Ngay lập tức, ông Greg Staples, công tố viên
trưởng, phản bác liền: “Hắn không phải là loại tép riu. Hắn là tên tàng trữ tin
tức khổng lồ, ghê gớm, và đáng sợ.”
Ông Chung trở thành
người Mỹ đầu tiên bị kết tội làm gián điệp kinh tế. Ông bị kết án 15 năm 9
tháng tù. Từ sau vụ này, còn có bốn người khác bị công tố viên liên bang truy
tố về tội làm gián điệp kinh tế. Tổng cộng có năm người bị kết án với tội danh
này.
Sau này, ông Moberley kể
cho biết trong thời gian vụ xử tiếp diễn, có lần ông Chung xác nhận ông trao
tài liệu mật, và được nhận tiền thưởng. Để bảo vệ bí mật cho cơ quan FBI, ông
Chung không dám công khai nói trước toà về trường hợp ông được trả tiền. Những lời
cáo buộc trùng hợp với nội dung lá thư mà Gu Wei Hao viết cho ông Chung, hứa sẽ
trả bằng tiền mặt cho ông Chung. Ngoài ra, trương mục ngân hàng của ông Chung
tương đối không có nhiều tiền, và đồng lương của ông ở Rockwell không quá lớn,
khoảng $60,000 một năm. Vậy mà không hiểu nhờ đâu mà ông Chung có thể làm chủ
một garage sửa xe, một chung cư ba căn apartment cho thuê, và làm chủ hai căn
nhà cùng một lúc. Ông Moberly vẫn nói với tôi rằng: “Tôi không bao giờ tin ông
Chung làm chuyện này để lấy tiền.”. Rất có thể chính quyền Trung quốc cho ông
Chung vài chục ngàn như là một số tiền tưởng thưởng, khích lệ mà thôi.
ÔNG CHUNG KHÔNG BAO GIỜ
CHO PHÉP TÔI VÀO THĂM ÔNG TRONG NHÀ TÙ, nhưng bà Ling thì miễn cưỡng trả lời
điện thoại của tôi. Bà không bị truy tố về tội hình. Một buổi chiều, tôi đậu xe
ở cuối đường Grovewood Lane, đi bộ lại căn nhà ông bà Chung có cổng sắt. Chuông
bấm ở cổng đầy máng nhện bám, ám chỉ rất hiếm khi họ có khách đến nhà. Sân cỏ
trước nhà mọc đầy cỏ dại, cái xe cút kít để hốt lá cây khô, nằm chỏng gọng ở
một góc, không có ai dùng đến nó từ nhiều năm nay.
Khi tôi bấm chuông cửa,
bà Ling Chung bước ra, dơ tay vẫy từ bực thềm trước nhà. Bà mặc bộ quần áo ở
nhà mầu xanh lá cây, tóc bà bơ phờ, không trang điểm. Bà mời tôi ngồi ở ghế sa
lông mầu trắng trong phòng khách. Nắng chiều lọt vào khe cửa làm loé lên vài đường
nắng sáng trên nền thảm.
Bà Ling rót ra một ly
nước, mời tôi, và ngồi đối diện với tôi. Với nụ cười chán nản trên môi, bà kể
cho tôi kỷ niệm hồi hai vợ chồng bà xin vào quốc tịch Mỹ. Trong mục câu hỏi
“Liệu ông có sẵn sàng cầm súng bảo vệ Hoa Kỳ hay không?”. Ông Chung bỏ trống,
không trả lời. Người phỏng vấn hỏi ông Chung: “Ông có sẵn sàng chiến đấu chống
lại Trung quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh hay không?”. Bà Ling nhớ rõ
câu trả lời của ông Chung là: “Nếu việc này xảy ra, tôi sẽ lấy khẩu súng tự bắn
vào mình trước.”.
Chúng tôi bước bên nhau,
đi từ phòng khách sang xưởng vẽ của bà. Phòng vẽ tranh trông ra sân trước. Một
bức tranh trừu tượng khổ lớn đang để trên nền nhà, tưạ vào tường. Bà Ling nói
với tôi rằng từ nhiều năm nay, bà tiếp tục vẽ tranh. Bà chỉ tay về phía một bức
tranh trông như thập tự giá mầu violet, trên một chân trời tím. Bà nói tựa đề
bức tranh này là “45436-112”. Đó là con số tù của chồng bà đang đeo khi thụ án
tại một nhà tù liên bang, không bị kiểm soát chặt chẽ. Nhà tù này ở thành phố
Butner, tiểu bang North Carolina. Vài tháng bà đi thăm ông một lần.
Nước mắt ứa trên khoé
mắt của bà. Bà tâm sự với tôi: “Ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau, là chúng tôi
quyết định sẽ lấy nhau. Vợ chồng chúng tôi sống rất hoà thuận, hạnh phúc. Ngay
cả khi chúng tôi trên 60, bạn bè thường nói chúng tôi trông như cặp tình nhân ở
thuở sinh viên.”. Khi ông Chung còn làm cho hãng Boeing, thỉnh thoảng ông ngủ
trưa trong hãng, ông choàng tỉnh dậy vì nằm mơ thấy bà Ling đứng cạnh hát cho
ông nghe. Ông hay cằn nhằn: “Tôi đã nói với bà nhiều lần, đừng đứng cạnh tôi mà
hát, tôi ngủ không được.”. Trong đầu ông lúc nào cũng nghĩ rằng tôi đang hát.
Tôi hỏi bà Ling liệu ông
Chung có thuỷ chung với nước Trung Hoa nhiều như ông chung thủy với bà? Phải
chăng các quan chức Trung quốc đã lợi dụng tấm lòng chung thủy của ông Chung?
Bà lặng thinh, không trả lời. Tôi hỏi thêm theo bà nghĩ ông Chung có vô tội không?.
Bà nói: “Tôi không thể trả lời câu hỏi này được.”
Bà cho rằng các công tố
viên đã suy nghĩ nông cạn, khi tìm hiểu động lực nào đã khiến ông Chung làm
chuyện này. Theo bà: “Những công tố viên này chỉ nghĩ một cách phiến diện, lướt
qua trên bề mặt của vấn đề.”. Sau đó, bà phân tích kỹ hơn cho tôi nghe: Chủ
đích của ông Chung là giúp Trung quốc, và không có ý định làm hại Hoa Kỳ. Bà nói
thêm: “Khi ông kết bạn với một người, người ấy nhờ ông giúp đỡ, nếu ông là kỹ
sư, hay hoạ sĩ. Ông biết gì thì giúp bạn ông trong khả năng của mình. Chỉ có
thế thôi.”
Trước khi ra về, bà Ling
cho tôi xem một tấm giấy dài, dán trên tường, ngay cửa bước vào phòng vẽ tranh.
Trên tấm giấy viết những hàng chữa Tầu rất đẹp: Đó là một số điều người Phật Tử
nên làm. Chính ông Chung đã chép tay những điều này cho bà Ling. Tôi thắc mắc
không hiểu những điều Đức Phật dạy có giúp gì cho ông Chung trong việc giải
quyết xung đột giữa hai chọn lựa ông nên trung thành với Hoa Kỳ hay với Trung
quốc. Tôi hỏi bà Ling xem bà có thể cùng một lúc duy trì thái độ của hai con
người, với hai quốc tịch. Mắt bà sáng hẳn lên, bà nói: “Tôi là một người Hoa,
Tôi cũng là một người Mỹ. Điều này thật là đẹp. Việc gì cứ phải biến nó thành
hai thực thể kình chống nhau?”.
Bài phóng sự điều tra
của Yudhijist Bhattacharjee trên The New Yorker 5/5/14
Nguyễn
Minh Tâm dịch
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching