X

Thursday, May 1, 2014

Biển Đông và Hoa Đông trong chiến lược châu Á của Mỹ


Biển Đông và Hoa Đông trong chiến lược châu Á của Mỹ


Tổng thống Mỹ Barack Obama (T), Nhật Hoàng Akihito (G) vào Hoàng
 hậu Michiko dự lễ nghênh đón tại Hoàng cung Tokyo ngày 24/04/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (T), Nhật Hoàng Akihito (G) vào Hoàng hậu Michiko dự lễ nghênh đón tại Hoàng cung Tokyo ngày 24/04/2014.
REUTERS/Ma Ping
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Nhật Bản từ ngày 23/04/2014, bắt đầu vòng công du 4 nước châu Á, sẽ lần lượt đưa ông qua Hàn Quốc, Malaysia rồi Philippines. Chương trình chuyến thăm được phân đều cho hai khu vực địa dư là Đông Bắc Á và Đông Nam Á, được cho là có tầm quan trong tương đương với nhau trong chính sách châu Á mới của Mỹ.
Diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn lướt các láng giềng đang tranh chấp chủ quyền với họ, trên cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, với một loạt các động thái quyết đoán đe dọa sự ổn định của khu vực, chuyến công du của Tổng thống Mỹ được cho là nhằm mục tiêu trấn an đồng minh và đối tác, khẳng định trở lại quyết tâm của Washington trong việc tiến hành chính sách xoay trục qua châu Á, được xem là có tác dụng kềm hãm các hành động thái quá của Trung Quốc.
Đối tượng cần trấn an trước hết là các đồng minh của Mỹ đang ở tuyến đầu kháng lại Trung Quốc là Nhật Bản và Philippines, nhưng rộng lớn hơn là toàn thể khu vực, với các nước khác như Việt Nam, Malaysia, Brunei, thậm chí Indonesia, Hàn Quốc cũng đều không ít thì nhiều nằm trong số đối tượng bị Bắc Kinh chèn ép.
Về hình thức, chương trình chuyến thăm của ông Obama như đã được suy tính cẩn thận, được phân đều cho hai khu vực địa dư là Đông Bắc Á và Đông Nam Á, và tại mỗi khu vực đều có một chuyến thăm cấp Nhà nước giành cho đồng minh thân thiết nhất là Nhật Bản ở phía bắc, và Philippines ở phía nam.

Câu hỏi có thể đặt ra nhân chuyến công du lần này của Tổng thống Obama là trong chính sách xoay trục của Mỹ, khối quốc gia nào được coi trọng hơn, Đông Bắc Á hay là Đông Nam Á, kèm theo là tầm quan trọng của Biển Đông so với Biển Hoa Đông ? Một câu hỏi khác là các nước châu Á, đặc biệt là 4 quốc gia được Tổng thống Mỹ đến thăm chờ đợi gì nơi người đứng đầu cường quốc số một thế giới hiện nay ?
Để trả lời cho hai câu hỏi trên đây, RFI đã phỏng vấn Giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại học George Mason, tiểu bang Virginia Hoa Kỳ, một chuyên gia theo dõi vấn đề bang giao Mỹ và châu Á.

Gs Nguyễn Mạnh Hùng : Châu Á mong đợi Hoa Kỳ bớt trung lập
Đối với Giáo sư Hùng, trước hết, cần phải xác định rằng vòng công du lần này của Tổng thống Obama là nhằm mục tiêu trấn an các đồng minh và đối tác Mỹ trong vùng châu Á về quyết tâm xoay trục của Washington.
Do vậy, các nước trong khu vực đang bị Trung Quốc chèn ép, không mong đợi một quyết định cụ thể nào từ phía Mỹ, mà chỉ chờ đợi là chính Tổng thống Obama nêu bật một số lập trường cứng rắn từng được các cộng sự viên của ông phát biểu trong thời gian gần đây.

Về hình thức là như vậy, còn về nội dung, các nước đều mong muốn là Hoa Kỳ bớt trung lập hơn trong cuộc tranh chấp biển đảo đang diễn ra giữa các nước Đông Á và Đông Nam Á với Trung Quốc, qua đó ủng hộ các nước nhỏ đang bị Bắc Kinh dùng sức mạnh lấn lướt.

Về tầm quan trọng của hai ‘khối’ Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong chính sách châu Á hiện nay của Mỹ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cả hai khối đều được Mỹ coi trọng như nhau.
Vấn đề là nếu Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho các quốc gia Đông Bắc Á một cách dễ dàng hơn, thì điều này khó khăn hơn trong trường hợp Đông Nam Á, với các thành viên vừa « đồng sàng dị mộng », vừa sợ Trung Quốc. Tuy nhiên, dù khó khăn, Mỹ vẫn phải cố gắng vì Biển Đông có một vai trí chiến lược đối với Washington.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng - Đại học George Mason - Hoa Kỳ

24/04/2014
by Trọng Nghĩa

More


Đông Bắc Á được coi trọng hơn vì có 2 đồng minh số một của Mỹ
Cả hai đều quan trọng, nhưng Đông Bắc Á quan trọng hơn vì ở đó có Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 đồng minh cốt lõi của Mỹ ở Á châu, và đều là những nước mạnh, giàu và dân chủ.
Đông Nam Á có tiềm năng lớn góp phần kềm chế sự lấn lướt của Trung Quốc trong một vùng biển rất quan trọng đối với Mỹ, nhưng lại là khối đồng sàng dị mộng mà lại sợ Trung Quốc cho nên (Hoa Kỳ) khó giúp.
Ở vùng Biển Hoa Đông, Trung Quốc khó có khả năng tung hoành vì Nhật là nước mạnh. Việc giúp Nhật dễ dàng hơn và cũng chính đáng hơn vì 2 nước có hiệp ước gắn bó nhau.

Ở Biển Hoa Nam (tức Biển Đông), vị thế Trung Quốc mạnh hơn và những nước tranh chấp với Trung Quốc là nước yếu. Và trừ Philippines ra, Mỹ không có hiệp ước nào buộc họ phải hỗ trợ với tư cách là đồng minh quân sự.
Nếu Trung Quốc thực hiện kiểm soát trong vùng lưỡi bò chiếm 80% biển Hoa Nam thì quyền tự do lưu thông trên biển của Mỹ sẽ bị hạn chế, Hải quân Mỹ sẽ mất đi hẳn địa vị thống soái có trong nhiều năm qua.
Vì ASEAN không đoàn kết, lập trường không nhất trí. Cho nên sự chọn lựa giúp hay không giúp, trong trường hợp này tương đối khó khăn hơn...

Châu Á (trừ Trung Quốc) muốn thấy Obama trực tiếp nói lên một số quan điểm mạnh dạn
Đây có thể gọi là một chuyến đi trấn an, cần phải đặt trong bối cảnh là hồi tháng 11 năm ngoái, ông Obama đã phải bỏ một cuộc viếng thăm đã dự định vì cuộc tranh chấp lưỡng đảng, khiến cho chính quyền Mỹ phải đóng cửa, cộng thêm với việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, rồi những cuộc khủng hoảng Ukaraina, Syria, Israel-Palestine khiến Mỹ phải bận tâm.

Các yếu tố nói trên khiến các nước Á châu – ngoài Trung Quốc - nghi ngờ về quyết tâm, cũng như khả năng của Mỹ trong việc thi hành chính sách xoay trục về Á châu.
Nói chung, các nước Á châu đều muốn Tổng thống Obama có những cam kết và hành động cụ thể, để trấn an họ. Họ muốn Mỹ bớt cứng rắn trong chính sách trung lập với các tranh chấp và ủng hộ hơn lập trường các nước nhỏ trên căn bản công bằng và luật pháp quốc tế.
Thí dụ ông có thể có tuyên bố nào đó về đường lưỡi bò và vùng nhận diện phòng không, nhất là trong viễn tưởng Trung Quốc có thể lập lại điều ấy tại vùng biển Hoa Nam (Biển Đông). Các viên chức Mỹ cũng đã nói rồi, khi bị Quốc hội bắt phải tường trình. Nhưng điều này nếu được một Tổng thống nhắc lại, thì có trọng lượng hơn nhiều...

Nhật muốn Tổng thống Mỹ nói rõ hậu thuẫn trong vụ Senkaku
Nhật muốn Obama khẳng định rõ rệt cam kết của Mỹ ủng hộ lập trường của họ trong tranh chấp Senkaku. Họ muốn có những lời nói cụ thể.
Nhật cũng muốn gắn bó nhiều hơn với Mỹ hơn bằng cách gia nhập hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương với điều kiện Mỹ phải có những tương nhượng như giảm thuế nhập cảng xe hơi cho Nhật, đồng thời giảm sức ép bắt Nhật mở toang thị trường nông phẩm.
Họ muốn có cam kết là Tổng thống Obama có khả năng thuyết phục được Quốc hội Mỹ để cho ông quyền, trong luật gọi là Trade Promotion Authority, tức là quyền cho ông được tự do điều đình.về những hiệp ước thương mại. Thì đó là điều Nhật muốn.
Trước khi gặp thủ tướng Nhật, ông Obama đã tuyên bố với một tờ báo Nhật rằng là Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò một tác nhân tích cực... nhưng không vì thế mà Mỹ sẽ hy sinh các quyền lợi của Nhật và của các đồng minh khác. Tôi nhắc là ông dùng chữ đồng minh. Nhưng mà người ta kỳ vọng đều đó sẽ được nói ra trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật hay ít ra thể hiện trong thông cáo chung, như vậy người Nhật họ vui lòng hơn, yên chí hơn.

Hàn Quốc muốn Obama cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên
Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình bằng việc mang đến nước này một số chiến đấu cơ tàng hình F22. Chính phủ hiện nay tại Hàn Quốc có một chính sách cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên, và muốn Mỹ làm áp lực để tháo gỡ chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc cũng xó căng thẳng với Nhật, và muốn Mỹ dùng ảnh hưởng của mình khuyến cáo Tokyo nên bớt có những hành động tìm cách thay đổi lịch sử để giảm nhiệt căng thẳng giữa hai nước.
Mỹ cũng có quyền lợi và cũng đã cố gắng khuyến khích 2 đồng minh ấy cộng tác với nhau hơn, nhất là trong lãnh vực trao đổi thông tin tình báo để đảm bảo khả năng phòng thủ của họ.

Philippines muốn được ủng hộ trong tranh chấp Trường Sa với Trung Quốc
Philippines muốn Mỹ đua ra một lời tuyên bố rõ rệt ủng hộ mình trong tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Spratley (Trường Sa) và đặc biệt là quyền tiếp tế cho bãi Second Thomas Shoal (nơi có một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines đồn trú).
Hiện nay Mỹ Phi đang thảo luận về một hiệp ước để cho Mỹ có quyền sử dụng căn cứ quân sự tại Philippines khi cần thiết, như là trường hợp đối với Úc và Singapore, và hơn thế nữa, có thể tăng cường sự hiện diện hải quân thường xuyên của Mỹ ở vùng này, chứ không phải là chỉ khi cần cứu trợ thì mới mang hải quân đến.

Malaysia muốn Mỹ phát huy vai trò trung gian trong tranh chấp với Trung Quốc

Malaysia lại ở trong trường hợp đặc biệt khác. Đối với Mỹ, đây là một nước Hồi giáo ôn hòa tại Đông Nam Á và Mỹ dĩ nhiên muốn tăng cường quan hệ...
Chính quyền Malaysia cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, vì thế họ muốn Mỹ đóng vai trò trung gian, tiếp tục can dự ở vùng này. Thế nhưng, họ lại không muốn chịu sức nóng của một cuộc xung đột Mỹ Trung.
Tóm lại mỗi nước đều có điều cụ thể chờ đợi nơi Mỹ, nơi Tổng thống Mỹ, nhưng nói chung, các nước Á châu muốn được yên tâm khi được (Tổng thống) Mỹ, bằng lời nói và hành động, tái cam kết rằng chính sách xoay trục về Á châu là có thật..."


Obama qua châu Á : Khôi phục động lực xoay trục


Barack Obama công du châu Á từ 23/04 đến 29/04/2014 - Reuters
Barack Obama công du châu Á từ 23/04 đến 29/04/2014 - Reuters
Sau khi bị lỡ hẹn vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ trở lại viếng thăm bốn nước châu Á trong khoảng một tuần lễ, từ ngày 23/04 đến ngày 29/04/2014. Các chặng ngừng bao gồm hai nước Đông Bắc Á – Nhật Bản và Hàn Quốc – cùng với hai quốc gia Đông Nam Á – Malaysia và Philippines.

Theo giới phân tích, mục tiêu chủ yếu của vòng công du lần này của ông Obama là nhằm khôi phục động lực của chiến lược xoay trục qua vùng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã được ông khởi xướng mà sự thực hiện đang vấp phải thái độ hoài nghi của các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Hôm thứ Sáu 18/04/2014, khi loan báo chương trình viếng thăm chính thức của Tổng thống Mỹ lần này, Nhà Trắng đã nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để Hoa Kỳ nêu bật quyết tâm duy trì các cam kết của mình đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ.

Thăm trực tiếp chứ không phải là "ăn theo" các hội nghị quốc tế
Biểu tượng rõ nhất của quyết tâm này đã được Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice, nêu lên khi bà xác định với các nhà báo tính chất đặc biệt của vòng công du lần này của ông Obama : « Không giống như nhiều chuyến công du ngoại quốc khác của Tổng thống (Obama), đặc biệt là khi qua châu Á, lần này không có một hội nghị thượng đỉnh lớn nào (mà Tổng thống Mỹ) phải tham gia ».
Do vậy, theo bà Susan Rice : « Chương trình nghị sự tại mỗi quốc gia đều có thể tập trung mạnh mẽ vào việc tăng cường sinh lực cho mối quan hệ song phương, và thúc đẩy các yếu tố khác nhau trong chiến lược châu Á của Hoa Kỳ. »

Sở dĩ Phủ Tổng thống Mỹ phải cố gắng nhấn mạnh trên quyết tâm này, đó là vì ông Obama, vào mùa thu năm 2013, do cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước, đã bỏ lỡ cơ hội đến Châu Á để thúc đẩy thêm chính sách tái cân bằng lực lượng Mỹ qua châu Á - Thái Bình Dương. Trong bốn nước mà Tổng thống Mỹ ghé thăm lần này, có hai quốc gia là Malaysia và Philippines mà ông Obama đã lỡ dịp ghé thăm vào năm ngoái.
Trong vòng công du lần này, Tổng thống Mỹ sẽ thực hiện hai chuyến thăm cấp Nhà nước - ở Nhật Bản và ở Philippines. Hai sự kiện bên lề đáng chú ý là chuyến tham quan Đền thờ Hồi giáo Quốc gia tại Kuala Lumpur, và cuộc giao lưu với các « nhà lãnh đạo trẻ » đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á.

Nhìn chung, giới phân tích đều thống nhất với nhau rằng vòng công du châu Á lần này của Tổng thống Obama – như Nhà Trắng từng nhắc đi nhắc lại - là nhằm thúc đẩy thêm chính sách xoay trục đã được Mỹ chính thức loan báo vào năm 2011.
Tuy nhiên, điều không được nói nhiều một cách công khai, chính là mục tiêu trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực đang rất hoài nghi cả về quyết tâm lẫn năng lực can dự của Mỹ.

Nhận định chung về các mục tiêu của Tổng thống Obama lần này, trả lời RFI qua thư điện tử, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc phân tích :
« Mục đích chính của Tổng thống Barack Obama là để trấn an đồng minh của Mỹ rằng Hoa Kỳ đang dấn thân và quyết tâm ở lại trong khu vực, sát cánh bên cạnh đồng minh. Ông Obama sẽ tìm cách chứng minh rằng Trung Quốc không thể phân cách Mỹ và Nhật Bản.

Obama sẽ khẳng định trở lại chính sách tái cân bằng lực lượng Mỹ qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông sẽ nhấn mạnh không chỉ khía cạnh quân sự trong chiến lược xoay trục mà cả các khía cạnh kinh tế bằng cách phát huy Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Một mục tiêu tiềm tàng của chuyến công du là cố gắng làm sao để Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với nhau. Ông Obama cũng sẽ gây sức ép để Nhật Bản ít cứng nhắc hơn trong quan hệ với Trung Quốc. »

Theo Giáo sư Thayer, từ phía Tổng thống Obama trong chuyến công du này, rất có thể sẽ không có thông báo ngoạn mục nào - tương tự như quyết định cử Ngoại trưởng Mỹ Clinton đi thăm Miến Điện nhân Thượng đỉnh Bali năm 2011 chẳng hạn. Hai tuyên bố mà người ta có thể chờ đợi sẽ liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và việc tăng cường hợp tác quân sự với Philippines.
« Tổng thống Obama hy vọng sẽ có thể ở trong tư thế để đưa ra một tuyên bố nêu rõ là hiệp định TPP sẽ sớm được đúc kết. Tại Philippines,Tổng thống Obama sẽ nêu bật thỏa thuận hợp tác quân sự được tăng cường gần đây giữa Washington và Manila, theo đó lực lượng Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện của mình tại Philippines trên cơ sở luân phiên. »
Trong những ngày qua, Nhà Trắng từng bày tỏ hy vọng sẽ có thể loan báo tiến bộ lớn về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang thương thuyết giữa 12 nước. Hiệp định này được chính quyền Obama xem là yếu tố cốt lõi trong chính sách xoay trục qua vùng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, cho đến nay bị coi là chủ yếu tập trung vào vế quân sự mà lơ là hẳn vế kinh tế.

Vấn đề là ở giai đoạn đàm phán chung cuộc, Hiệp định này đang vấp phải sự chống đối của Nhật Bản, vốn vẫn dè dặt trong việc mở cửa hai lãnh vực nông nghiệp và công nghiệp xe hơi. Hai ngày đàm phán khẩn trương tại Washington đã kết thúc không kết quả hôm thứ Sáu 18/04, và sẽ được tiếp nối trong tuần này với mục tiêu đạt được một thành quả cụ thể nào đó khi Tổng thống Mỹ công du Nhật Bản. 

Hoài nghi về quyết tâm dấn thân của Mỹ gia tăng
Theo giới quan sát, trấn an đồng minh và đối tác châu Á về quyết tâm can dự lâu dài của Mỹ vào khu vực đang trở thành thách thức quan trọng nhất đối với Mỹ do thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong số các lãnh đạo châu Á.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Mỹ The Washington Post ngày 20/04/2014, ông Douglas Paal, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) đã nhắc lại sự kiện là Tổng thống Obama từng thiết lập một « lằn ranh đỏ » trên vấn đề Syria, theo đó thì Hoa Kỳ sẽ can thiệp võ trang chống Damas nêu chế độ Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học, nhưng rồi sau đó lại lùi bước, chống lại việc dùng đến biện pháp quân sự mặc dù đã có bằng chứng về việc chính quyền Syria dùng đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo chuyên gia này : « Các lãnh đạo nặng ký (ở châu Á) đã rất quan ngại sau quyết định (của Mỹ) liên quan đến Syria vào mùa hè năm ngoái », trong bối cảnh họ đặt rất nhiều tin tưởng vào việc Mỹ tiếp tục duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Á để làm đối trọng với Trung Quốc đang cố gắng thiết lập quyền kiểm soát lãnh thổ cả trên biển và trên không, cả trên Biển Hoa Đông – đe dọa Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Đài Loan, lẫn Biển Đông, đe dọa Philippines, Malaysia và hầu hết các nước láng giềng có chung vùng biển này.

Còn theo chuyên gia Andrew Hammond, nguyên cố vấn đặc biệt trong chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair trước đây, hiện là giảng viên tại Trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics), mối lo ngại tại châu Á về sự thiếu quyết tâm can dự của Mỹ lại càng gia tăng trong thời gian gần đây sau vụ Nga thôn tính vùng Crimée của Ukraina.

Trong một bài ý kiến được các báo USA Today của Mỹ, và South China Morning Post của Hồng Kông đăng tải vào hôm nay, ông Andrew Hammond nhận định :
« Chuyến thăm (châu Á) diễn ra vào thời điểm chính sách đối ngoại của Mỹ bị phân tán do các diễn biến ở Ukraina. Nhiều nước Á châu đang xem ông Obama phản ứng thế nào trước hành động xâm lược Ukraina để lấy đó làm chỉ dấu về khả năng Washington đối phó ra sao trước các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc trong tương lai ».
Bên cạnh hai yếu tố thời sự nêu trên, thái độ hoài nghi của các đồng minh và đối tác châu Á của Mỹ còn bắt nguồn từ sự kiện về mặt quân sự, ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ đã bị cắt giảm đáng kể, đe dọa việc triển khai đầy đủ thành tố quân sự của chiến lược xoay trục.
Ngoài ra, Quốc hội Mỹ - trong giai đoạn tiền bầu cử giữa nhiệm kỳ - lại không mặn mà với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, xương sống của thành tố kinh tế trong chính sách tái cân bằng lực lượng qua châu Á.
Đó là chưa kể đến quan điểm dè dặt trước Hiệp định này trong dư luận các nước như Malaysia, Nhật Bản, có khả năng làm công việc đúc kết hiệp định bị khựng lại.

Thông điệp gởi Trung Quốc : Không được dùng võ lực
Một trong những điểm rất được giới quan sát lưu ý trong chuyến công du lần này của ông Obama là quyết định đi thăm Philippines và nhất là Malaysia, hai nước đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ tại Philippines được coi như đã rõ, với việc Washington và Manila sẽ chính thức hóa việc tăng cường trở lại quan hệ quân sự và ký kết hiệp định hợp tác mới vừa được đàm phán xong. Trên vấn đề này, giáo sư Thayer phân tích :
« Tổng thống Mỹ sẽ nhắc lại chính sách đã có từ lâu dài rằng Hoa Kỳ không bênh vực bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng phản đối các hành động đe dọa, ép buộc và sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.  Ông cũng sẽ khẳng định lập trường hỗ trợ cho các nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc. »

Lân đầu tiên từ 50 năm nay, một Tổng thống Mỹ thăm Malaysia
Nếu việc Tổng thống Mỹ Obama chọn Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines làm mục tiêu chuyến đi lần này rất dễ hiểu - đây là ba nước đều có hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ - việc Tổng thống Mỹ nhất quyết ghé thăm Malaysia có phần kỳ lạ.

Trên vấn đề này, Giáo sư Thayer cho rằng Washington đang muốn thúc đẩy một mối quan hệ hai bên đều có lợi, với Trung Quốc ở trong tầm nhắm. Ông nhận định :
« Tổng thống Obama đang tìm cách bù đắp khoảng cách chậm trễ sau khi bị Trung Quốc qua mặt. Vào năm ngoái, khi ông Obama phải hủy bỏ chuyến công du Đông Nam Á, trong đó có chuyến thăm Malaysia. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lúc đó cũng đến Đông Nam Á, và ông Tập Cận Bình đã lợi dụng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ để chiếm vị trí trung tâm.

Malaysia là một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ và đang đẩy mạnh sự liên kết quân sự với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Liên minh này chủ yếu được thực hiện một cách kín đáo, lặng lẽ. Tàu sân bay Mỹ đã nhiều lần ghé thăm cảng Malaysia trong những năm gần đây ».
Phải nói rằng chuyến thăm Malaysia của ông Obama là một sự kiện rất quan trong đối với nước Đông Nam Á này, đặc biệt là sau một thời kỳ dài có quan hệ xung khắc dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir. Chuyên gia Anh Andrew Hammond nhận xét :
« Tại Malaysia, ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm nước này trong năm thập kỷ gần đây . Ông có khả năng nhận được một sự chào đón nồng nhiệt, nhất là trong bối cảnh quan hệ Kuala Lumpur-Bắc Kinh bị xấu đi sau vụ chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích » .
Đó là chưa kể đến các hành động khiêu khích công khai của Hải quân Trung Quốc đối với Malaysia, khi tàu chiến của Bắc Kinh hai lần xuống tận khu vực bãi James Shoal trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia để tuyên bố chủ quyền Trung Quốc.
Về phần Hoa Kỳ, việc củng cố thêm quan hệ với một quốc gia Hồi giáo có trọng lượng là một điều rất quan trọng. Sự kiện Tổng thống Obama sẽ tham quan Đền thờ Hồi giáo Quốc gia tại Kuala Lumpur là một hành động mang ý nghĩa biểu tượng cao, cũng như cuộc giao lưu với các nhà « lãnh đạo trẻ » của toàn khối ASEAN sẽ diễn ra ở trường Đại học Malaya tại thủ đô Malaysia.

Bao giờ thăm Việt Nam ?
Với Malaysia và Philippines lần này, ông Obama đã đến thăm hầu hết các nước ASEAN, vì trước đó, Tổng thống Mỹ đã từng ghé Singapore, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, và Indonesia.
Một nước quan trọng trong ASEAN là Việt Nam tuy nhiên vẫn vắng mặt trong danh sách này, dù trong thời gian qua được cho là đã nỗ lực vận động hành lang. Chính quyền Obama từng nêu bật vấn đề cải thiện nhân quyền thành một trong những điều kiện cho việc nâng cao hơn nữa bang giao song phương.

Đối với Giáo sư Thayer, nếu Việt Nam tiếp tục chiều hướng tích cực đang được ghi nhận trong thời gian gần đây, ông Obama hoàn toàn có thể thực hiện cam kết đi thăm Việt Nam nhân hai hội nghị thượng đỉnh sắp tới đây trong khu vực.
« Khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Washington vào năm ngoái và gặp Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng, ông Obama cam kết sẽ ghé thăm Việt Nam trước khi ông mãn nhiệm kỳ.
Hoa Kỳ đã nêu bật sự tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền thành điểm chuẩn cho việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt. Việt Nam đang dần đáp ứng các điều kiện đó : Ký Công ước chống Tra tấn; mở cửa đón Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền; cho phép các chuyến ghé thăm của hai tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch; cho thêm giáo hội Tin lành ở vùng Tây Nguyên được đăng ký; và hiện đang trả tự do cho một số nhà ly khai nổi tiếng.
Việt Nam đang thúc đẩy việc ký kết hiệp định TPP và mong muốn Quốc hội Mỹ thông qua Thỏa thuận 123 về việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân hòa bình.
Nếu xu hướng tích cực về nhân quyền tiếp tục, ông Obama có thể lồng một chuyến ghé thăm Việt Nam trong các chuyến công du tới đây để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Trung Quốc hay các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á tại Miến Điện ».


Ký hiệp định quốc phòng với Philippines, Mỹ khẳng định chính sách xoay trục sang Châu Á

Tầu ngầm Mỹ USS Olympia tại cảng Subic Freeport,
 một cảng cũ của hải quân Hoa Kỳ, cách Manila 112.6 km về phía tây, 08/10/2012. Reuters
Tầu ngầm Mỹ USS Olympia tại cảng Subic Freeport, một cảng cũ của hải quân Hoa Kỳ, cách Manila 112.6 km về phía tây, 08/10/2012. Reuters

Đức Tâm

Sự kiện có tính biểu tượng cao trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang Châu Á -Thái Bình Dương là việc Hoa Kỳ và Philippines ký kết Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, cho phép gia tăng sự hiện diện của lính Mỹ trên quần đảo này.
 

Thỏa thuận này được đàm phán từ mùa hè năm 2013, có hiệu lực trong vòng 10 năm, bổ sung cho hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước đã ký từ năm 1951, trong trường hợp bị tấn công.
Trong nhiều thập niên của thế kỷ trước, Hoa Kỳ có nhiều căn cứ quân sự thường trực tại Philippines. Do bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực thay đổi và những bất đồng trong việc định giá thuê, các căn cứ này đã bị đóng cửa từ năm 1992. Thỏa thuận ký kết hôm nay sẽ cho phép binh sĩ, máy bay, tàu chiến Mỹ đồn trú tạm thời, luân phiên, tại Philippines. Một nguồn tin quân sự Philippines cho Reuters biết cụ thể hơn : Binh lính, tàu chiến, máy bay Mỹ có thể hiện diện tối đa là hai tuần, thời gian để quân đội hai nước tiến hành các cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính trong thời gian tới sẽ từng bước đưa tàu chiến, một phi đội F18s hoặc F16s cũng như các máy bay tuần tra biển tới Philippines.
Thỏa thuận cũng cho phép quân đội Mỹ lưu giữ tại Philippines các thiết bị, để phục vụ cho việc triển khai nhanh khi cần, nhất là trong trường hợp xẩy ra các thiên tai. Tuy nhiên, văn bản không cho phép Hoa Kỳ đưa vào Philippines các vũ khí nguyên tử hoặc thiết lập các căn cứ quân sự thường trực.
Trong khuôn khổ chiến lược xoay trục, tái cân bằng lực lượng ở Châu Á-Thái Bình Dương, từ giữa năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào lúc đó, ông Leon Panetta, đã cho biết, Hoa Kỳ có kế hoạch chuyển 60% lực lượng hải quân sang Châu Á-Thái Bình Dương, trước năm 2020. Cùng trong thời gian đó, hải quân Mỹ điều động ngay 4 tàu cận chiến duyên hải LCS đến hoạt động tại Singapore.
Năm ngoái, hải quân Mỹ đã thực hiện 149 cuộc thăm viếng Philipines, thay vì 68 chuyến trong năm 2012. Với hiệp định vừa ký, các cuộc thăm viếng sẽ còn tăng mạnh, trong thời gian tới.
Philippines có khoảng 100 triệu dân và là một trong những quốc gia yếu kém về quân sự tại Châu Á. Một trong những mục tiêu chính của vòng công du Châu Á của Tổng thống Barack Obama là muốn khẳng định quyết tâm của Washington đứng bên cạnh các đồng minh trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và có thái độ hung hăng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo.
Mặc dù đang phải bận tâm với nhiều hồ sơ như cuộc khủng hoảng Ukraina, chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan, tìm cách thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng Tổng thống Obama cho biết, Hoa Kỳ sẽ không giảm cam kết tại Châu Á. Hôm qua, tại Kuala Lumpur, Malaysia, nguyên thủ Mỹ khẳng định : « Hoa Kỳ có trách nhiệm trên toàn thế giới và chúng tôi vui mừng đảm nhận trách nhiệm này. Chúng tôi tiếp tục tái cân bằng chính sách ngoại giao hướng tới khu vực này của thế giới ». Ông Obama nhấn mạnh : « Hoa Kỳ luôn đứng bên cạnh các đồng minh, trong những thời điểm tốt đẹp cũng như trong những lúc khó khăn ».
Theo giáo sư Hugh White, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc, ở Canberra, được hãng tin Blomberg trích dẫn, việc ký kết hiệp định quốc phòng mới với Philippines « rất phù hợp với cam kết của Obama tăng cường sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại Châu Á, để đối phó với cường quốc Trung Quốc đang trỗi dậy ». Thỏa thuận này sẽ càng làm cho Bắc Kinh nghĩ rằng « sự xoay trục của Mỹ sang Châu Á-Thái Bình Dương là nhằm kiềm tỏa Trung Quốc ».
Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Philippines, ngày hôm nay, tại Manila, Tổng thống Mỹ nhắc lại : « Mục đích của chúng tôi không phải là chống lại Trung Quốc ».

Hiệp ước Mỹ-Philippines sẽ thay đổi cục diện tranh chấp Biển Đông?


Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Hoa Kỳ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn với các căn cứ quân sự, các hải cảng và sân bay của Philippines.
  • Tin liên hệ
  • Tổng thống Obama tới Philippines sau thỏa thuận quân sự mới
  • TQ thúc đẩy giải pháp song phương cho các vụ tranh chấp chủ quyền
  • Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản
  • Tổng thống Obama đến Châu Á trấn an các nước đồng minh
  • TQ phản đối tuyên bố của TT Obama về tranh chấp biển đảo với Nhật
  • Việt Nam chính thức ra mắt Lực lượng Kiểm Ngư

Ðường dẫn

CỠ CHỮ 
28.04.2014
Washington và Manila vừa ký một hiệp ước quốc phòng cho phép quân đội Mỹ có sự hiện diện lớn hơn trên lãnh thổ của quốc gia Ðông Nam Á này trong lúc các tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đang tăng cao.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila Philip Goldberg ký hiệp ước quốc phòng 10 năm vào sáng thứ Hai, 28 tháng 4, vài giờ trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Manila trong chặng dừng cuối của chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ.

Các nhà quan sát nói rằng có phần chắc các giới chức Trung Quốc sẽ lên án hiệp ước quốc phòng này vì họ đã nói rõ là Bắc Kinh phản đối sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Nhưng thỏa thuận mới này sẽ phần nào giúp trấn an các nước đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, mà gay gắt nhất là giữa Hà Nội và Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Philippines từng hối thúc Việt Nam phải kiên quyết hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, nhưng Hà Nội không có được một đồng minh mạnh mẽ hỗ trợ như Philippines, mà các nhà quan sát gọi là một đồng minh quan trọng nằm ngoài khối NATO của Hoa Kỳ.

Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn với các căn cứ quân sự, các hải cảng và sân bay của Philippines. Binh sĩ Mỹ sẽ luân chuyển qua những căn cứ này và tham gia vào các hoạt động huấn luyện chung.

Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gọi đây là 'cột mốc trong lịch sử chung giữa hai nước với tư cách là đồng minh có hiệp ước bền vững'.

Trước khi đến Manila, Tổng thống Obama đã nói với kênh truyền hình ABS-CBN của Philippines rằng tranh chấp chủ quyền ở khu vực nên được giải quyết thông qua đối thoại.

Tổng thống Obama phát biểu: “Tôi đã nói rất rõ và nhất quán rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải hỗ trợ các nỗ lực của các bên tranh chấp nhằm kiểm soát và giải quyết các vấn đề lãnh hải và lãnh thổ một cách hòa bình bằng con đường đối thoại chứ không phải bắt nạt, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông.”

Nguồn: Xinhua, Washington Post.

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts