X

Thursday, January 8, 2015

Những câu trả lời nào cho năm 2015 và tiếp theo?

 

Những câu trả lời nào cho năm 2015 và tiếp theo?

Nguyễn Trung

Thành một thói quen của lo toan và hy vọng, trước khi bước vào năm 2015 đã có không ít ý kiến nhìn lại năm 2014 và đưa ra các dự báo, các mong mỏi cho đất nước ta năm 2015, cả những điều hoài nghi, trăn trở nữa, một số dự báo… Có thể đọc được những điều này trên rất nhiều trang báo chí các loại ở cả hai bên “lề” tráiphải, trên giấy cũng như trên mạng, trong và ngoài nước, của người nước ngoài không tính…


Từ những gì đọc được, tôi chia sẻ với nhiều tiếng nói của hy vọng, không phải để tự trấn an, mà để cùng với mọi người cố tìm ra những câu trả lời nghiêm túc cần thiết cho những bước đi tiếp của đất nước. Đơn giản vì tôi cũng phải giải đáp những lo lắng của chính mình, trước khi nghĩ tiếp.

Ngoảnh lại, trong bài “Ngã ba 2007[1] tôi đã đi đến kết luận dứt khoát:
“Sống hay là chết!… Đất nước phải dấn lên bước vào một thời kỳ phát triển mới!… Hoặc là năm 2007 sẽ đánh dấu sự mở đầu bước vào một thời kỳ mới với sự lựa chọn dứt khoát chuyển sang sự phát triển năng động và bền vững để đi lên, hoặc là để cho thời cơ tuột tay và mọi yếu kém hiện có lấn át – với tất cả hệ lụy trước sau sẽ dẫn tới một bước ngoặt khác…”. 

Trong bài này, từ điểm lại những vấn đề “nóng” hoặc “rất nóng” của kinh tế và hệ thống chính trị đất nước, tôi đã nói lên nỗi lo của mình về những nguy cơ mới rất nghiêm trọng. Thực ra đất nước lúc ấy đã chớm bước vào một cuộc khủng hoảng lớn, bắt đầu từ khu vực tài chính tiền tệ.

Thật đau buồn, sau 2007 là những năm tháng đất nước rơi sâu vào một cuộc khủng hoảng lớn kéo dài, trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… mà nguyên nhân gốc là sự tha hóa và bất cập của hệ thống chính trị quốc gia đã ngăn cản hoàn toàn việc chuyển đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới, giữa lúc đất nước đã hoàn tất toàn bộ quá trình hội nhập quốc tế và đứng trước vận hội mới. Cuộc khủng hoảng này ở nước ta lại bị cuộc khủng hoảng của kinh tế thế giới nổ ra sau đó khoảng một năm làm cho quyết liệt thêm.

Không thể xem cuộc khủng hoảng này của nước ta chỉ là lỗi đơn thuần của những cá nhân, mà trước hết đấy là lỗi của hệ thống, khiến cho luật pháp, các chính sách và kỉ cương của đất nước mất hiệu lực trầm trọng, khiến cho cái giả dối và tham nhũng lên ngôi và ra sức lũng đoạn sự phát triển của đất nước. Trong khi đó những khó khăn mang tính lỗi hệ thống trong bộ máy chính trị và những lỗi về đường lối và cấu trúc kinh tế ngày càng trầm trọng. Toàn bộ thực trạng này làm cho các hiện tượng tha hóa và tham nhũng trở thành những tệ nạn mang tính xã hội hầu như bất khả kháng, vì những hiện tượng này gắn với bản chất chế độ chính trị.

Có thể nói đây là thời kỳ tính tiền phong chiến đấu và phẩm chất chính trị của Đảng thấp nhất trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên của đất nước: Học tập chính trị nhiều nhất, có nhiều nhất các biện pháp chỉnh đốn và xây dựng đảng, song đây lại là thời kỳ đảng có nhiều nhất các đảng viên, nhất là số đảng viên cao cấp, sa ngã và phạm các trọng tội; Đảng có quá nhiều bất cập nhất trước những vấn đề hệ trọng của quốc gia trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng… 

Đơn giản vì những biện pháp chữa cháy đã thực hiện này không hề đụng chạm đến những nguyên nhân cơ bản của đường lối và của hệ thống chính trị. Đây cũng là thời kỳ nội bộ đảng mất dân chủ trầm trọng nhất, tất yếu làm cho phẩm chất chính trị, kỷ cương và kỷ luật của đảng tê liệt. 

Tình hình đến nỗi một trong những biểu hiện nhức nhối lòng dân không kém những hiện tượng tiêu cực khác là từ những người có chức vụ cao lúc này lúc khác xuất hiện những ngôn ngữ, những câu nói hay cách nói thiếu tôn nghiêm không thể được phép tồn tại trong một đảng chính trị độc nhất lãnh đạo một quốc gia 90 triệu dân. Sự thiếu tôn nghiêm ấy nói lên nhiều điều đau lòng về các giá trị và kỷ cương của đất nước, về sự tôn trọng nhân dân.

Hệ quả chung là kể từ sau 30-04-1975, đất nước trong những năm sau 2007 rơi vào thời kỳ suy yếu và đang bị uy hiếp nghiêm trọng nhất, Đảng cũng lâm vào tình trạng sa sút nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không dưới một lần thừa nhận tham nhũng và tha hóa đã trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, lòng tin của nhân dân vào Đảng giảm sút. Con đường phát triển của đất nước bế tắc, Tổng bí thư thừa nhận đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không. Có bộ trưởng, thứ trưởng nói thẳng thắn làm gì có định hướng xã hội chủ nghĩa mà tìm, đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, thì bao giờ đến…

Tất cả nói lên Đảng chỉ còn lại là một lực lượng chính trị mạnh nhất cai trị quốc gia bằng quyền lực.

Để cho đất nước và Đảng lâm vào tình trạng nói trên không một đảng viên nào vô can (kể cả tôi). Tôi đã trình bày như thế trong Đảng và với cả nước nhiều lần năm này qua năm khác, bằng những phát biểu, các bài viết, và cả bằng các thư của mình gửi lãnh đạo…, đặt ra đòi hỏi quyết liệt phải đổi mới Đảng và cứu nguy đất nước.
Thú thực, tuy đã bước sang 2015 rồi, song những trăn trở lo âu trong tôi của những năm tháng sau cái ngã ba 2007 vẫn còn nhức nhối trong lòng. 

Chưa kịp hoàn hồn về những nỗi lo nào là nguy cơ sụp đổ của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia với các hiện tượng đô-la hóa, vàng hóa, nào là hàng loạt xí nghiệp nhỏ và vừa phá sản, nào là nông dân vật vã khốn khổ với “cái xiềng 3 sào” truyền kiếp và thiên tai…, lại đến những ngao ngán về tệ nạn tham nhũng – nhất là tham nhũng tiêu cực về đất đai có nơi trắng trợn đến mức nhân dân gọi là “cướp ngày” và có nơi súng đã nổ, về những tệ nạn “học giả”, bằng giả…, về chạy chức chạy quyền và chạy tội… Và nhất là về thực trạng sự dối trá hầu như ngày càng nắm vai trò ngự trị đất nước. Giữa lúc cả nước đã có hơn 30 triệu người sử dụng internet mà đất nước vẫn bị bưng bít đủ điều…

Sống trong “4 tốt và 16 chữ” mà đất nước những năm tháng sau cái ngã ba 2007 hầu như không lúc nào hết những chuyện căng thẳng gần như đứt dây đàn, không trên biển thì trên bộ, không trong chính trị thì lại trong kinh tế, bây giờ đang lây lan sang cả lĩnh vực văn hóa nữa. Rồi đến 60 ngày chiến tranh có thể nổ tung với cái giàn khoan HD 981, gắn với hiện tượng gần 800 xí nghiệp từ Bắc vào Nam bị đồng loạt cướp phá trong hai ngày 13 và 14-05-2014, do quyền lực mềm kích hoạt… 

Cay đắng hơn nữa, vì phải chăm lo giữ “đại cục” với một hệ thống chính trị trong hiện trạng đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, nên hầu như bộ máy chính quyền của đất nước trong những năm tháng này chỉ có duy nhất quyết sách trấn áp các phản ứng của nhân dân đối với những bước lấn tới của chính sách bá quyền Trung Quốc trên Biển Đông, đến mức tướng Nguyễn Trọng Vĩnh phải lên tiếng: Đừng biến nước ta thành nhà nước cảnh sát!

Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác sau cái ngã ba 2007, nhân dân khắc khoải hỏi nhau, các học giả kinh tế đau đầu hỏi nhau khủng hoảng của đất nước đã tới đáy chưa? Đã đi ngang chưa?...

Rồi đến những con số, những hiện tượng của năm 2014, đúng ra là của 18 tháng gần đây, lóe lên niềm hy vọng về tình hình đất nước, dù vẫn còn là rất yếu ớt. Khai mạc hội nghị Trung ương 10 khóa XI Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định về năm 2014: “…Nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực hơn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế tăng trưởng cao hơn năm 2013; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra. Xử lý đúng đắn, kịp thời những diễn biến mới, phức tạp liên quan tới Biển Đông và quan hệ Việt Nam – 

Trung Quốc…”
Nhìn sâu thêm một chút vào những việc đã làm được, nổi lên hai nguyên nhân cơ bản. Đó là sự nỗ lực vô bờ bến tự cứu mình và cứu nước của nhân dân, một số thay đổi quyết liệt đã thực hiện được trong hệ điều hành kinh tế liên quan đến thể chế. Có thể nêu lên nhiều ví dụ liên quan đến hai phương diện này.

Viết đến đây, nếu có quyền, tôi sẽ phong cho nông dân ta và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa danh hiệu anh hùng thời đất nước chìm nổi trong những khó khăn của khủng hoảng.

Giữa lúc kinh tế đất nước nguy khốn nhất, nông nghiệp với những gì đã làm được thực sự là bệ đỡ cho cả nền kinh tế. Với cả nghĩa đen là không đói thì cả nước còn sống và làm việc tiếp được. Với cả nghĩa rộng là những thành tựu nông nghiệp thời gian này đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. 

Xin thử hình dung tình hình sẽ ra sao nếu đói kém xảy ra và hàng chục triệu nông dân không tự cứu được mình và cứu đất nước? Những công nhân, những người lao động trong hàng trăm nghìn xí nghiệp nhỏ và vừa phá sản thời gian này đi về đâu nếu không có nơi nương náu là quê hương nông nghiệp của họ?

Tôi xót xa bao nhiêu về các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản thời gian này, thì cũng bái phục bấy nhiêu về những nỗ lực tạo dựng lại những doanh nghiệp mới, cố tìm ra sản phẩm mới. Bạn hãy thử đặt mình vào địa vị chủ một doanh nghiệp phá sản phải tìm đường dựng ra một doanh nghiệp mới, hoặc là nhà kinh doanh lần đầu tiên đứng ra lập một xí nghiệp mới giữa lúc hàng chục nghìn xí nghiệp khác chết hàng loạt, bạn sẽ hiểu ra được nhiều điều… 

Tất cả những người chủ này đều thuộc khu vực dân doanh, chịu đựng đầy đủ mọi chèn ép của khu vực quốc doanh, của các con cá lớn thuộc các thành phần kinh tế khác – kể cả FDI, và được thăm hỏi tới số của toàn bộ hệ thống chính quyền của chế độ chính trị này. Chính khu vực dân doanh này đang tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất và đóng góp tỷ trọng quan trọng vào GDP cả nước, song cũng được hưởng ít nhất ân huệ từ bàn tay bà đỡ của nhà nước do mình đóng thuế nuôi.

Sự chấn chỉnh bước đầu của hệ thống tài chính tiền tệ đã góp phần quan trọng vào tia hy vọng lóe lên đang được nói tới ở đây. Việc cơ cấu lại khu vực quốc doanh đang được tiến hành với hai mục tiêu chính là (a) đẩy mạnh xã hội hóa (trên thực tế là thực hiện tư nhân hóa thông qua hình thức cổ phần hóa) và (b) cố gắng thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế theo tinh thần cái gì khu vực kinh tế tư nhân làm được thì khu vực nhà nước không làm. Việc đẩy mạnh mọi nỗ lực khuyến khích khu vực kinh tư nhân phát triển sản xuất kinh doanh mọi lĩnh vực luật pháp không cấm đã bắt đầu kích thích cạnh tranh lành mạnh và tăng thêm tính năng động cho nền kinh tế. Vân vân…

Tất cả những kết quả đạt được này dù còn khiêm tốn như thế nào, đều là những nổ lực liên quan đến đổi mới thể chế, tự nó đặt ra đòi hỏi mới rất gay gắt phải đổi mới thể chế… Thắng lợi vừa qua trong đấu tranh với sự có mặt phi pháp của giàn khoan HD 981 cắm sâu trong vùng biển nước ta càng đặt ra đòi hỏi phải mau chóng tiến hành cải cách thể chế chính trị để Việt Nam sớm trở thành một đất nước giàu mạnh, của tự do và nhân phẩm, vừa có thế và vừa có lực bảo vệ vững chãi độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, thiết lập được quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đúng nghĩa với Trung Quốc, dấn thân cho hòa bình, hợp tác và cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới…

Tia hy vọng lóe lên được nói tới ở đây dù còn khiêm tốn như thế nào, hiển nhiên đang gợi ý nhiều điều, đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn, nhìn về bất kỳ phương diện nào của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
*
Trước hết, phải chăng toàn bộ những kết quả làm nên tia hy vọng tuy mới chỉ le lói và còn yếu ớt, nhưng đã nói lên rất rõ: Tất cả những việc đã làm được của 18 tháng vừa qua đều có một cái tên chung là công việc phục hồi? Thậm chí sự hồi phục hiện nay đạt được còn rất mong manh, của một nền kinh tế có cấu trúc và hệ điều hành đã làm xong vai trò giai đoạn phát triển ban đầu – dù là đã kéo dài một cách quá đáng: giai đọan phát triển theo chiều rộng. Làm xong vai trò cần được hiểu là cái đã làm được bây giờ trở nên lỗi thời, không có lý do tiếp tục tồn tại, mặc dù giai đoạn phát triển này là căn bản cho các bước phát triển tiếp theo của đất nước. Đơn giản là đất nước không thể phát triển tiếp bằng cách nâng lên gấp đôi, gấp ba sản xuất lúa gạo, vì thị trường thế giới đã bão hòa, khả năng sản xuất lúa gạo của ta đã tới cái ngưỡng của tự nhiên và của con người không thể vượt qua. Cây cao su cũng thế.

 Cây cà phê cũng thế. Nhiều sản phẩm hiện có của nền kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ cũng thế… Hiển nhiên đất nước đòi hỏi phải làm ra được những sản phẩm mới. Nói khái quát là kinh tế phải mở ra được một giai đoạn phát triển mới của nhiều hàm lượng trí tuệ sáng tạo và khoa học công nghệ, của phương thức và quy mô kinh doanh/cạnh tranh hoàn toàn khác trước. 

Có phải như vậy không? Bằng thể chế chính trị hiện hành có làm được không? Trong khi đó tất cả những cái “nóng”, những cái “rất nóng” tồn tại trong đời sống mọi mặt của đất nước đã được nêu trong bài “Ngã ba 2007” hầu như hiện nay vẫn còn nguyên vẹn.
Hơn thế nữa, giai đoạn phát triển mới này của đất nước đứng trước vấn đề nan giải là không thể hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa vào năm 2020. Thêm vào đó là tư duy về công nghiệp hóa của nước ta – cụ thể ở đây là đường lối phát triển đất nước của Đảng, sẽ chỉ có khả năng dẫn dắt đất nước đi tới cái bẫy của nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp), như nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học đã chỉ ra. Cũng những báo cáo này chứng minh một thể chế chính trị lạc hậu không có khả năng tạo ra và điều hành được một nước công nghiệp. Vậy làm thế nào bây giờ? Các khái niệm về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… ngày nay phải thay đổi sâu sắc, phải suy nghĩ khác. Ngay sát nước ta Thái Lan là một ví dụ điển hình cho những bất cập này để suy ngẫm.

Nước ta chỉ có một đảng duy nhất nắm giữ vai trò lãnh đạo, song hệ thống chính trị của đất nước lại là 3 trong 1 (Đảng, nhà nước, mặt trận), phục vụ tuyệt đối quyền lực của Đảng. Dẫn tới nước ta có một hệ thống chính trị và chính quyền nhào trộn vào nhau với biết bao nhiêu vùng chồng lấn nhau, và những khoảng trống quyền lực không lường hết được. Đội ngũ biên chế của toàn bộ hệ thống này tính tỷ lệ theo cơ số 1 biên chế trên 100.000 dân của nước ta thường đông gấp 5 – 6 lần so với nhiều nước trên thế giới – kể cả so với Mỹ và những nước phát triển khác, ngân sách còm cõi của một nước còn nghèo sao gánh chịu nổi? 

Hiện tượng này vô cùng lý tưởng cho quan liêu, tham nhũng và tiêu cực hoành hành. Hệ thống chính trị này đẻ ra một nền kinh tế của bóc ngắn cắn dài, của cải đổ ra cho kinh tế rất nhiều, sử dụng tài nguyên và môi trường đến mức cạn kiệt, nhưng đất nước phát triển còn thấp mà đã nợ nần rất cao, với sự phân phối được thực hiện dưới tác động nghiêm trọng của sự giành giật hay chia chác giữa các nhóm lợi ích có thế lực. Nhiều quyền của dân đã ghi trong hiến pháp bị xâm phạm. Có thể trở thành một nước công nghiệp, văn minh, hiện đại với một hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền như thế? Thay đổi hiện trạng này như thế nào?…

Đặc thù của giai đoạn mới bắt buộc phải đưa con người vào vị trí trung tâm của sự nghiệp phát triển. Không biết bao nhiêu nghị quyết và văn kiện của Đảng cũng đặt con người vào vị trí như vậy, tại sao 40 năm thực hiện trong thể chế chính trị của quốc gia độc lập mà những điều đã nói đúng, đã viết đúng ra được này không làm sao thực hiện được? Nhìn vào nền giáo dục hiện có của nước nhà, câu hỏi này càng nhức nhối. Tại sao như vậy? Làm gì và làm thế nào bây giờ? Có thể có được một đất nước phát triển, tự do, dân chủ và hạnh phúc bằng chính sách ngu dân và những con người không có tự do?

Thế rồi lại có ý kiến phê phán, đều là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em, ăn đời ở kiếp với nhau, sao lại dám nói quan hệ Việt – Trung là 6 chữ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”? Nói thế có sái không? Vậy thay bằng chữ nghĩa nào bây giờ? Chẳng lẽ thay bằng “giữ đại cục, thôi đấu tranh”? Hay là cứ đành giữ nguyên xi “4 tốt và 16 chữ” như một phần tư thế kỷ vừa qua – vì không thể đào đất đổ đi được? Những câu hỏi này còn đời đời kiếp kiếp giằn vặt đất nước và dân tộc ta. Chữ nghĩa nào thì đối sách ấy và thân phận ấy, chọn cái gì bây giờ? Chọn bằng cách nào? 

Cứ trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì làm sao thoát được bị Trung Quốc bắt làm tù binh? Một Trung Hoa nước giàu quân mạnh, phải đánh thắng mọi cuộc chiến tranh cục bộ, vì giấc mộng Trung Hoa, đột phá khẩu đầu tiên là Biển Đông với tính chất là địa bàn thuộc về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (Tập Cận Bình) đang đặt ra cho nước ta những vấn đề sống còn nào? 

Một Việt Nam như hiện nay sát nách một Trung Quốc như hiện nay liệu sẽ được yên thân nếu cam chịu một bề xin hòa hiếu và mọi việc răm rắp theo Trung Quốc? Hỏi thế thì cũng phải hỏi ngay liệu dân tộc Việt Nam sẽ chấp nhận phương án này và người lựa chọn nó? Giữ “đại cục” thì cứ để đảng và nhà nước lo liệu tất cả, nhân dân chỉ cần nhất quán làm theo, sơn hà xã tắc sẽ được nguyên vẹn? Rồi mọi mâu thuẫn gia đình cũng sẽ êm dịu?

Vân vân… và vân vân… Còn nhiều câu hỏi rất nghiêm trọng phải đặt ra lắm.
*
Nhìn lại đất nước 40 năm qua, nhìn lại cuộc khủng hoảng nước ta rơi vào từ cái ngã ba 2007, nhìn vào những tín hiệu hy vọng le lói 18 tháng qua được nói tới ở đây, tôi thấy có không biết bao nhiêu gợi ý do cuộc sống nêu lên cần quan tâm, có biết bao nhiêu câu hỏi mới chờ đợi cả nước câu trả lời. Rồi lại nghĩ đến những việc đất nước ta phải lựa chọn, phải thực hiện cho năm 2015, cho những năm tiếp theo… Tất cả lại một lần nữa dồn cục vào cái ý nghĩ, cái câu hỏi đeo đẳng tôi hàng chục năm trời không buông tha, chí ít là từ cái ngày có bức thư 08-09-1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Bộ Chính trị.

Bước vào năm 2015, trước thềm Đại hội XII, hôm nay câu hỏi ấy lại vang lên trong tôi:

Nếu Đảng thực tâm muốn giữ vai trò lãnh đạo đất nước với tư cách là đảng cầm quyền của một nước Việt Nam độc lập bây giờ là với 90 triệu dân, Đảng có dám bắt đầu từ việc nhìn nhận lại chính mình và tất cả, để viết lại cương lĩnh và huy động trí tuệ của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam ta với tư cách là người chủ đất nước viết lại hiến pháp hay không?

Tôi xin tự đặt ra câu hỏi như vậy với toàn Đảng và chia sẻ câu hỏi này với cả nước.

Những gì tôi thấy được đang diễn ra ở Lybie là sau cách mạng mùa xuân Ả – Rập tình trạng rối loạn hiện đưa đất nước đến bên bờ nội chiến, ở Ukraina là mất Crimea và miền Đông đang đòi ly khai bằng đối đầu quân sự có Nga hậu thuẫn, và ở Myanmar là đang gian khổ theo đuổi con đường cải cách hòa bình từ trên xuống và từ trong hệ thống quyền lực ra và đã đi được một số bước đầu tiên đầy khích lệ, dù rằng toàn bộ con đường gian truân vẫn đang ở phía trước… Tất cả những hiện tượng này càng thôi thúc tôi nêu ra câu hỏi trên với toàn Đảng và chia sẻ với cả nước. 

Mặc dù tôi biết đến nay tất cả các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước Liên Xô – Đông Âu cũ đều tự sụp đổ hoặc bị đánh đổ (như ở Rumanie), chưa có một đảng nào tự nguyện cải cách hòa bình. Song chưa có, không có nghĩa là nhất thiết hay vĩnh viễn không thể có, ngoại trừ quyền lực dứt khoát cự tuyệt với cải cách. Vả lại dù đất nước sẽ phải trải qua con đường nào, cải cách để phát triển là con đường tất yếu nước ta trước sau phải kinh qua không thể ăn bớt.

Từ 2015, nước ta bắt đầu đi vào thực hiện 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác chiến lược, trong đó có FTA với cộng đồng Châu Âu (EU), Nhật, Hàn Quốc, Khối thương mại tự do EFTA (bao gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan)… Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán với Mỹ tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP), cùng với ASEAN đàm phán FTA với 6 nước trong vùng – trong đó có Trung Quốc – đã được khởi động ở Brunei… 

Cũng từ 2015 Việt Nam là thành viên chính thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… Phải nói đấy là những cam kết và vận hội để Việt Nam mang hết ý chí và nghị lực đưa quốc gia mình vào một thời kỳ phát triển mới, phải lấy các chuẩn mực quốc tế làm tiêu chí cho sự vận động và phát triển của quốc gia mình. Thực tế này đang thu hút mạnh mẽ FDI từ cả thế giới vào VN và cũng khai thông con đường cho Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào mọi thị trường quan trọng nhất trên thế giới. 

Liệu cam kết và vận hội này sẽ được tận dụng cho khát vọng đổi đời đất nước? Hay là sẽ lại bị vứt bỏ như đã từng vứt bỏ con đường phát triển mới lẽ ra phải lựa chọn khi đất nước đứng ở ngã ba 2007 , và rồi lại vứt bỏ tiếp khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 2013? Tận dụng cam kết và vận hội này bằng thể chế chính trị hiện tại? Hay là rồi càng nhiều FDI, đất nước sẽ là cái bãi thải công nghiệp ngày càng lớn cho người khác, càng là đất nước cho thuê, nhân dân ta càng trở thành những người đi làm thuê… như đã diễn ra từ hàng chục năm nay?

Vân vân…

Vâng, cả nước và toàn Đảng đang đứng trước những câu trả lời quan trọng và nghiêm trọng ở mức “to be or not to be?” phải có cho 2015 và những năm tiếp theo.
Hà Nội, 07-01-2015
N.T.
Tác giả gửi BVN

[1] Nguyễn Trung – “Ngã ba 2007”, http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_NgaBa2007.htm, viết vào cuối năm 2007.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts