Giải mã ngân sách quốc phòng ‘chống Trung Quốc’ của Nhật Bản
Ảnh chụp tại nghi thức duyệt binh thường niên
của quân đội Nhật tại căn cứ Asaka , gần Tokyon, ngày 27/10/2013.Reuters/Issei
Kato
Tokyo vào hôm qua 14/01/2015 đã loan báo một ngân sách quốc
phòng mới cho tài khóa 2015-2016 - khoảng 42 tỷ đô la - được đánh giá là lớn
nhất trong lịch sử Nhật Bản từ trước đến nay. Ngân sách đó cũng được cho là
nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Trung Quốc, đặc biệt là ý
muốn chiếm lấy quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Tokyo quản lý, nhưng bị Bắc
Kinh đòi chủ quyền.
Tính theo giá trị tuyệt đối, ngân sách quốc phòng mới của Nhật
Bản tuy lớn, nhưng thấp hơn nhiều so với khoản tiền mà đối thủ Trung Quốc dành
cho các chi tiêu quân sự, đã vượt mức 112 tỷ đô la trong năm 2014, và chẳng
thấm vào đâu so với đồng minh Mỹ, mà ngân sách quốc phòng đã đạt hơn 600 tỷ
trong năm 2013.
Có lẽ chính vì không dồi dào cho lắm mà trong cách thức sử dụng
ngân sách quốc phòng mới của mình, Tokyo đã đặc biệt ưu tiên cho việc tăng
cường và hiện đại hóa các phương tiện cũng như lực lượng có nhiệm vụ giám sát
vùng biển đảo xa đang bị Bắc Kinh nhòm ngó, theo dõi hành tung của quân đội
Trung Quốc, và sẵn sàng đẩy lùi đối phương khi cần thiết.
Một cách cụ thể, theo các dự án trang bị vũ khí đã từng được
tiết lộ, ngân sách quốc phòng mới của Nhật Bản sẽ được dùng vào việc mua thêm
20 máy bay trinh sát hàng hải loại P-1 do chính Nhật Bản chế tạo, có tính năng
vượt trội loại P-3C của Mỹ, 5 máy bay V-22 Osprey hiện đại, có khả năng lên
thẳng tương tự như trực thăng, một phi đội máy bay không người lái Global Hawk,
và một máy bay cảnh báo sớm E-2D có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo ở miền Nam Nhật
Bản.
Không quân Nhật Bản sẽ có thêm một loạt phi cơ và máy bay trực
thăng, trong đó có 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35A cực kỳ tối tân. Hải quân sẽ
được trang bị thêm hai khu trục hạm Aegis, trong lúc một hệ thống lá chắn chống
tên lửa được phát triển chung với Mỹ.
Ngay từ cuối năm 2013, chính phủ Abe đã quyết định dành khoảng
24.700 tỷ yen trong vòng 5 năm để mua vũ khí, thiết bị quốc phòng, từ máy bay
không người lái, chiến đấu cơ, cho đến tàu ngầm, xe lội nước tấn công nhằm phục
vụ mục tiêu chuyển hướng chiến lược về phía nam và phía tây.
Một trong những quyết định đầy ý nghĩa là việc dùng ngân sách
năm nay, mua đất tại chuỗi đảo Amami để có thể triển khai quân đội, cũng như
việc chuẩn bị đặt một đơn vị giám sát duyên hải trên đảo Yonaguni, không xa
quần đảo Senkaku.
Bộ Quốc phòng cũng có kế hoạch mua thêm 30 xe lội nước tấn công
để trang bị cho Thủy quân lục chiến Nhật, đang được thành lập theo mô hình lực
lượng Marines của Mỹ. Đây là đơn vị chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo xa
xôi hẻo lánh, có nguy cơ bị Trung Quốc đánh chiếm. Như để dự phòng tình huống
xấu này, trong thời gian gần đây, quân đội Nhật đã thường xuyên rèn luyện năng
lực tấn công tái chiếm hải đảo.
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản được tăng cường còn nhằm nhiều mục
tiêu khác, nhưng rõ ràng là việc đối phó với Trung Quốc là một ưu tiên hàng
đầu.
Jun Okumura, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu
Meiji tại Tokyo, nhận định : "Hành vi ngày càng quyết đoán của
Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, trên không phận, và dĩ nhiên là cộng thêm với những
hành động hiếu chiến công khai nhắm vào Philippines và Việt Nam, chắc chắn đã
có tác động mạnh, thúc đẩy Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự, điều chỉnh học
thuyết quân sự và cách tiếp cận các liên minh an ninh của mình".
Còn theo ông Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại
Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, căng thẳng Nhật-Trung Quốc sẽ tiếp tục ngày nào
mà Bắc Kinh còn từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế.
Theo chuyên gia này : "Trung
Quốc không công nhận quyền tự do hàng hải và hàng không dành cho quân đội nước
ngoài, nhưng cùng lúc lại đe dọa lãnh hải và không phận của các nước khác...
Trừ phi Trung Quốc tôn trọng luật lệ quốc tế, các cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục."
Chiến hạm Trung Quốc lần đầu áp sát lãnh hải Senkaku
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nguồn gốc căng thẳng
hoảng ngoại giao Trung Nhật.Ảnh:REUTERS/YOMIURI SHIMBUN
Vụ khiêu khích xẩy ra hồi giữa tháng, nhưng đến hôm qua,
30/12/2014 mới được tiết lộ. Theo báo chí Nhật Bản, lần đầu tiên từ năm 2012,
khi nổ ra căng thẳng Trung-Nhật do tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu
Ngư, hai chiến hạm Trung Quốc đã tiến vào khu vực chỉ cách quần đảo Senkaku 70
km, một vị trí gần nhất từ trước đến nay.
Theo nhật báo Ashahi Shimbun, Hải quân Nhật Bản thẩm định là
việc tàu chiến của Hải quân Trung Quốc áp sát hơn vùng hải phận Nhật Bản là một
hành vi phô trương và khiêu khích. Hải quân Nhật đã lập tức phái tàu của mình
đến tận nơi để giám sát.
Vùng biển mà chiến hạm Trung Quốc tiến vào vẫn thuộc phạm vi hải
phận quốc tế, do đó hoàn toàn hợp pháp. Có điều là khu vực đó chỉ cách vùng
tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản 27 km. Trong vùng tiếp giáp lãnh hải này, chính
quyền Nhật hoàn toàn có quyền đòi tàu nước ngoài thực hiện các thủ tục hành
chính, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm soát nhập cư.
Động thái tiến gần đến vùng lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
của chiến hạm Trung Quốc còn làm dấy lên mối lo ngại rằng xung đột võ trang
bùng lên. Theo phía Nhật Bản, hai chiếc tàu Trung Quốc thuộc Hạm đội Đông
Hải, một chiếc là khu trục hạm lớp Sovremennyy-class có lượng giãn nước 7.940
tấn và một hộ tống hạm nhỏ hơn lớp Giang vệ (Jiangwei), lượng giãn nước 2.392
tấn.
Căng thẳng trong khu vực biển Hoa Đông đã tăng hẳn lên sau khi
chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo Senkaku vào tháng
Chín năm 2012. Kể từ đó, các tàu phi quân sự của Trung Quốc thuộc lực lượng hải
giám, sau đó đổi tên thành hải cảnh, vẫn liên tục thâm nhập vào bên trong vùng
lãnh hải 12 km chung quanh quần đảo.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã gửi chiến hạm của Hải quân tới
khu vực xung quanh quần đảo Senkaku, các chiếc tàu chiến này không bao giờ đến
gần các hòn đảo. Hai chiến hạm Trung Quốc kể trên hiện diện thường trực ở
phía bắc Senkaku/Điếu Ngư, nhưng cách đấy khoảng 200 km.
Năm 2015 Biển Đông
sẽ tiếp tục bị Trung Quốc khuấy động
Tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun nước
tấn công tàu Việt Nam tại Biển Đông trong vụ giàn khoan HD-981.DR
Trong các dự đoán về tình hình châu Á năm 2015 vừa bắt đầu, bi
quan nhất vẫn là các nhận định về Biển Đông, được cho là sẽ tiếp tục bị các
tranh chấp giữa Trung Quốc và các láng giềng, đặc biệt là với Philippines và
Việt Nam, khuấy động. Theo ghi nhận của hầu hết các nhà phân tích, tương tự như
trong năm 2014, Trung Quốc sẽ tiếp tục vai trò kẻ gây rối tại Biển Đông.
Trong bài viết trên báo mạng Nhật Bản The Diplomat công bố hôm
qua, 31/12/2014, Biển Đông tiếp tục được xếp vào trong số 10 diễn biến tại Đông
Nam Á cần phải theo dõi trong năm 2015, nhất là trong bối cảnh một nước trực
tiếp can dự vào tranh chấp Biển Đông là Malaysia lên làm chủ tịch luân phiên
ASEAN, đồng thời bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an
Liên Hiệp Quốc.
The Diplomat : Một năm đầy sóng gió ở Biển Đông
Theo tác giả Prashanth Parameswaran, năm 2015 rất có thể sẽ tiếp
tục là một năm đầy sóng gió, nếu căn cứ vào xu thế hiện nay : « Với những gì đã xảy ra trong vài
năm qua, thì chớ dại bỏ Biển Đông ra khỏi danh sách (những sự kiện cần chú ý),
mặc dù rất khó dự đoán chính xác sự việc sẽ diễn biến ra sao ».
Đối với chuyên gia này, trong số hai vấn đề cần đặc biệt theo
dõi, trước hết phải xem các nước Đông Nam Á trong khối ASEAN - cả các nước có
tranh chấp lẫn không có tranh chấp - điều chỉnh phản ứng của họ ra sao trước
chiến lược càng lúc càng rõ ràng của Trung Quốc, vừa bành trướng trên biển bằng
cách dần dần thay đổi nguyên trạng Biển Đông, vừa gắn chặt mình vào khu vực
Đông Nam Á trên bình diện kinh tế.
Một diễn biến thứ hai cần chú ý là phán quyết của Tòa án Trọng
tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung
Quốc, sớm nhất là sau ngày 16/06/2015 là thời hạn chót mà Tòa án đã dành cho
Bắc Kinh để trả lời luận chứng bổ sung mà Tòa đã yêu cầu Manila phải nộp trước
ngày 15/03/2015.
Phán quyết của cơ chế trọng tài của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
có thể ảnh hưởng đến các diễn biến trên hiện trường, đặc biệt là đến việc các
bên sử dụng công cụ pháp lý để tìm giải pháp cho các tranh chấp đang diễn ra.
Trung tâm nghiên cứu Mỹ CSIS : Biển Đông vẫn là điểm nóng
Dự đoán của The Diplomat cũng không khác gì so với nhận xét của
một loạt chuyên gia Mỹ về Biển Đông. Trong tạp chí của nhóm Sáng kiến Minh bạch
Hàng hải Á châu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại
Washington, số ra ngày 23/12/2014, rất nhiều chuyên gia phân tích tên tuổi về
Biển Đông đều không một chút nghi ngờ là Biển Đông sẽ tiếp tục là một điểm nóng
trong năm 2015.
Bà Bonnie Glaser cho rằng bãi Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal),
ở vùng quần đảo Trường Sa đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan,
Philippines và Trung Quốc nhưng hiện do Philippines kiểm soát rất có thể trở
thành điểm nóng.
Trên bãi cạn này có xác một chiếc tàu cũ do Hải quân Philippines
cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để làm chỗ đóng quân cho một toán lính Thủy
quân lục chiến làm nhiệm vụ canh gác. Trong năm 2014, lực lượng Trung Quốc đã
thành công trong việc ngăn không cho Philippines mang vật liệu xây dựng đến nơi
để gia cố chiếc tàu.
Trong tình hình đó, chuyên gia Glaser thẩm định rằng, trong
trường hợp mà chiếc tàu bị rệu rã và tuột khỏi bãi cạn này, lực lượng Trung
Quốc có thể thừa dịp tiến chiếm luôn bãi cạn này, và vấp phải sự chống đối của
hải quân Philippines.
Vùng Biển Đông cũng có nguy cơ bị khuấy động do việc Trung Quốc
đưa giàn khoan trở lại. Theo giáo sư Chu Phong (Zhu Feng), vụ Trung Quốc đưa
giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng biển gần Việt Nam vào năm 2014 đã
tạo ra căng thẳng cùng cực giữa Bắc Kinh và Hà Nội, trước khi tình hình tạm
lắng dịu.
Tuy nhiên trong năm 2015, theo ông Chu Phong, «
Trung Quốc có khả năng di chuyển giàn khoan dầu trở lại vùng biển tranh chấp,
chắc chắn Việt Nam sẽ lại quấy rối hoạt động giàn khoan dầu của Trung Quốc ». Chu
kỳ trả đũa lẫn nhau đó sẽ chỉ có thể chấm dứt khi hai bên đạt được thỏa thuận
chính trị về việc cùng khai thác dầu trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Có điều là, theo giáo sư Chu Phong, trước mắt chưa thấy được một
thỏa thuận như vậy ở chân trời.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching