Tìm Con Đường Mới Để Cứu Nước: Giai
Đoạn Đầu Tiên
Đoàn
Viết Hoạt
June 28, 20140 Bình Luận
June 28, 20140 Bình Luận
Vào đầu thế kỷ 20,
trong khi toàn bộ Việt Nam đã hoàn toàn nằm dưới sự đô hộ của người Pháp, phong trào đấu tranh giành độc lập
chuyển hướng, từ bỏ những phương pháp thuần túy quân sự của Phan Đình Phùng, Đề
Thám. Những biến chuyển tại Nhật bản và Trung Hoa đã tác động đến sự suy nghĩ
của nhiều trí thức yêu nước trong việc tìm kiếm con đường mới để cứu nước giành
độc lập.
Cũng vào đầu thế kỷ
20 Nhật Bản đã trở thành một quốc gia phát triển, chứng tỏ qua 2 trận chiến
thắng, với Trung Hoa (1894-1895) và với Nga (1904-1905). Trung Hoa
cũng đã thực hiện những cải tổ trong văn hóa, giáo dục, bãi bỏ các kỳ thi quan
trường cũ, thiết lập hệ thống giáo dục và chương trình giáo dục mới, gửi sinh
viên du học Nhật Bản và Âu Mỹ, mở đại học theo mô hình của đại học Tokyo
–trường đại học này, đến đầu thế kỷ 20, đã hoạt động được hơn 3 thập niên, với
5 ngành học, luật, khoa học, văn học, y khoa và sư phạm. Đến 1900 tại Nhật bản
đã có 2 viện đại học hoàng gia và hơn 10 trường đại học tư trên toàn quốc.
Tại Trung Hoa cũng
đã xuất hiện những cuộc vận động chính trị và cách mạng theo hai đường hướng,
cải cách chế độ quân chủ thành chế độ quân chủ lập hiến, và cách mạng triệt để
nhằm lật độ chế độ quân chủ để xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa. Đến năm 1911,
với cuộc cách mạng Tân Hợi, con đường thứ hai đã thành công.
Những biến chuyển
quan trọng đó về văn hóa, giáo dục và chính trị tại Nhật Bản và Trung Hoa đã
gây phấn chấn cho giới trí thức yêu nước Việt Nam trên đường tìm phương thức
đấu tranh mới chống lại sự đô hộ của người Pháp. Các sĩ phu-trí thức yêu nước
đều đồng ý là không thể tiếp tục cuộc đấu tranh thuần vũ trang chống Pháp như
Phan Đình Phùng, Đề Thám. Họ đều thấy cần phải tìm một con đường mới thích hợp
hơn, con đường vừa giúp canh tân đất nước vừa tạo được sức mạnh mới để giành
độc lập cho dân tộc.
Người đi tiên phong
trong cuộc vận động văn hóa chính trị mới này là Phan Bội Châu. Ông ra đời năm
1867, đúng vào lúc 1/3 đất nước bị người Pháp chiếm đóng. Bẩy tuổi học hết Luận
ngữ của Khổng Tử, ông tự mình biên soạn “Phan Bội Châu Luận Ngữ” tỏ rõ thiên tư
và ý chí sáng tạo của mình. Năm 17 tuổi ông đã viết truyền đơn chống Pháp, tham
gia vào các phong trào cần vương và văn thân do triều đình và các sĩ phu yêu
nước phát động. Như Khang Hữu Vi bên Trung quốc, Phan Bội Châu hiểu rằng để có
uy tín trong cuộc vận động chính trị ông cần đậu cao trong các kỳ thi Hán học
lúc đó hãy còn vị trí quan trọng trong giới sĩ phu Bắc kỳ và Trung kỳ. Sau
nhiều năm trắc trở do các nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn, năm 1900 ông đậu
nhất trong kỳ thi đình nhưng không ra làm quan mà chu du khắp nơi để tìm người
đồng chí hướng gây dựng công cuộc kháng Pháp.
Ông dùng văn thơ
chữ Hán kêu gọi tinh thần yêu nước của sĩ phu. Trong giai đoạn đầu của cuộc vận
động chính trị, ông đưa ra 3 mục tiêu: soi sáng nhân tâm, tăng cường tinh thần
và phát triển khả năng của người dân. Năm 1904 ông cùng khoảng 20 người đồng
chí hướng thành lập Duy Tân Hội để thực hiện cuộc vận động văn hóa chính trị
này.
Về chính trị, Phan
Bội Châu chịu ảnh hưởng của Khang Hữu Vi, chủ trương thiết lập chế độ quân chủ
lập hiến như ở Nhật Bản.
Ông tìm gặp Cường
Để, cháu đích tôn đời thứ 6 của vua Gia Long, người có thể duy trì tính chính
thống lịch sử cho chế độ quân chủ lập hiến khi cuộc vận động của ông thành
công. Ông cũng gặp Phan Chu Trinh nhưng quan điểm của hai người khác nhau. Phan
Chu Trinh không chấp nhận trở lại chế độ quân chủ, dù là quân chủ lập hiến. Ông
chủ trương tập trung canh tân xứ sở trước, đòi hỏi chính quyền thực dân tiến
hành các cải cách văn hóa, giáo dục, kể cả chính trị, để mở mang dân trí. Và từ
đó thiết lập nền dân chủ và đòi hỏi độc lập.
Trong số những
người mà Phan Bội Châu gặp, có lẽ người có ảnh hưởng quyết định nhất cho cuộc
vận động của ông trong giai đoạn đầu là Tăng Bạt Hổ, đã từng tham gia phong
trào cần vương. Khi các phong trào này thất bại, để tránh không bị Pháp bắt,
Tăng Bạt Hổ phải chạy ra nước ngoài và cuối cùng đến Nhật. Ông học nói tiếng
Nhật và gia nhập hải quân Nhật. Ông được chính giới Nhật biết đến vì nổi tiếng
can trường trong trận chiến Nga-Nhật, do đó thường được mời dự các yến tiệc
hoàng gia.
Ông thường xuyên yêu cầu chính giới Nhật giúp cho phong trào yêu
nước của Việt Nam và đã nhận được lời hứa giúp sinh viên du học tại Nhật. Năm
1904, với lời hứa đó, ông trở về Việt Nam và gặp được Phan Bội Châu. Năm 1905
chính Phan Bội Châu đi Nhật, trực tiếp tiếp xúc với các chính khách Nhật và
chính thức nhận được sự ủng hộ cho chương trình gửi thanh niên du học Nhật bản.
Ông trở về Việt Nam và Phong trào Đông Du ra đời. Ngay trong tháng 7 năm 1905
ông trỏ lại Nhật đem theo 3 thanh niên, trong đó có 1 người sau này tiếp tục du
học tại Đức. Cũng năm đó thêm 6 thanh niên nữa được gửi đến Nhật du học. Đến
năm 1908 đã có 200 du học sinh Việt Nam tại Nhật.
Thời gian đầu của
cuộc vận động, Phan Bộ Châu còn chủ trương và tập trung vào việc vũ trang lật
đổ chính quyền thực dân Pháp. Khi còn hoạt động ở Nghệ An, ông đã cho người
tàng trữ vũ khí để chuẩn bị nổi dậy vũ trang. Ngay khi đã ở Nhật, ông còn viết Hải ngoại huyết thư gửi về nước
kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Nhưng rồi ông gặp Lương Khải Siêu, thảo
luận về tình hình Trung quốc và Việt Nam, rồi được đọc một số tác phẩm Tây
phương, tiếp thu một số quan điểm đấu tranh của Tây phương, trong đó có chủ
trương của Giuseppe Mazzini (1805 – 1872), một chính khách nổi tiếng của Ý, về
việc phải tiến hành giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng cứu nước đồng
thời với việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.
Từ đó, Phan Bội
Châu tập trung vào việc đưa thanh niên sang Nhật học. Ông viết Khuyến Quốc Dân Du Học
Thư gửi về nước để vận động tài chánh cho chương trình Đông Du. Thư vận
động nêu rõ mục đích của phong trào Đông Du là nhằm đào tạo nhân tài cho
cuộc đấu tranh giành lại độc lập từ tay người Pháp. Dù chưa nói rõ sẽ giành lại
độc lập bằng cách nào nhưng ông tin rằng chỉ trong thời gian chưa đầy 10 năm,
với một lực lượng nhân lực mạnh hơn và hiểu biết hơn, cuộc vận động chắc chắn
sẽ có diều kiện để thành công. Như vậy, đối với Phan Bội Châu, và chắc chắn
cũng là quan điểm chung của các sĩ phu yêu nước lúc đó, giáo dục là chìa khóa
mở ra cánh cửa độc lập và tự cường, là điều kiện cần có cho cuộc đấu tranh
giành độc lập dân tộc. Mở mang dân trí là chủ trương chung của giới sĩ phu-trí
thức yêu nước đầu thế kỷ 20. Con đường đấu tranh mới bắt đầu từ đó.
Trong thời gian ở
Nhật Phan Bội Châu tiếp xúc với những chính khách và học giả nổi tiếng của
Nhật, kể cả Thủ tướng đương nhiệm là ông Inukai Tsuyoshi thuộc đảng Tiến Bộ.
Những người này đều khuyến khích ông gửi du học sinh sang Nhật. Ông cũng có dịp
nghiên cứu các tác phẩm chính trị, xã hội của Tây phương đã được dịch sang chữ
Hán.
Vốn là người sớm có tư tưởng tiến bộ, ông đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm
tập họp nhiều thành phần người Việt yêu nước khác nhau. Một trong những chủ
trương tiến bộ này liên quan đến những người công giáo. Người Pháp lúc đó tìm
cách chia rẽ lương-giáo, và nhiều người yêu nước không công giáo vẫn nghi ngờ
người công giáo theo Pháp. Phan Bội Châu đã viết bài đề cao lòng yêu nước của
người theo đạo Da tô, kêu gọi đoàn kết lương giáo, không kỳ thị và mặc cảm
người Da tô giáo là theo Tây. Trong thực tế nhiều người công giáo yêu nước đã
đi theo đường lối của ông và tích cực giúp ông hoạt động.
Song song với phong
trào Đông Du, các sĩ phu yêu nước kêu gọi hoặc tự đứng ra mở các trường tư thục
miễn phí, gọi là nghĩa thục. Đông Kinh nghĩa thục mở ra năm 1907 tại Hà Nội.
Các sĩ phu yêu nước hưởng ứng phong trào nghĩa thục cũng tự động mở các nghĩa
thục tại nhiều địa phương, cả trong các thôn làng, dạy quốc ngữ, chữ Hán, chữ
Pháp, và các kiến thức phổ thông.
Phong trào Duy Tân
phát triển mạnh không phải chỉ trong giáo dục mà trong kinh doanh. Nhiều cửa
hàng buôn bán được mở ra, do các sĩ phu, trước đây chỉ biết đi học và dạy học,
làm quan, nay theo tinh thần duy tân, chủ động tham gia vào công việc kinh
doanh.
Người Pháp lúc đầu
còn cho phép các nghĩa thục hoạt động, nhưng sau thấy phong trào nở rộ, lại do
nhiều nho sĩ nổi tiếng chủ trương, nên tháng 11 năm 1907 đã ra lệnh đóng cửa
Đông Kinh nghĩa thục sau khi nghĩa thục chỉ mới hoạt động được 8 tháng. Chính
quyền thực dân cũng ra lệnh đóng cửa tất cả các nghĩa thục, và cấm mọi hoạt
động diễn thuyết nơi công cộng.
Những hoạt động văn
hóa giáo dục và xã hội theo hướng canh tân do các sĩ phu yêu nước chủ động thực
hiện gần như bị tê liệt tại Bắc và Trung kỳ sau chỉ vài năm tiến hành. Người
Pháp muốn triệt tiêu mọi cơ hội để giới sĩ phu, trí thức và thanh niên yêu nước
và tiến bộ có thể tập họp, triệt phá mọi manh nha hoạt động mà họ biết chắc mục
đích sau cùng là nổi dậy chống lại họ. Chính quyền thực dân muốn chủ động tiến
hành các chương tình văn hóa giáo dục và xã hội nhằm củng cố quyền thống trị
của họ trên nhân dân Việt Nam.
Đoàn Viết Hoạt
26/6/2014
(còn tiếp)
(còn tiếp)
“Thoát Trung”?!
Huỳnh Thục Vy
June 21, 2014One Bình Luận
June 21, 2014One Bình Luận
“Thoát Trung”?!
Gần đây tôi tình cờ đọc “Thoát Trung luận” của Tiến sĩ Giáp Văn Dương.
Tôi khá ngạc nhiên với lời khẳng định “Lịch sử nước ta có thể được diễn giải
tương đối đầy đủ dưới góc nhìn thoát Trung”. Nếu khẳng định này đúng, thì hệ
lụy của các “giá trị Á Đông” Khổng Nho không đến nỗi sâu sắc đến độ trở thành
não trạng của người dân Việt Nam và nặng nề đến nỗi gây cản trở quá trình tiến
về phía thế giới tự do của chúng ta hôm nay. Nói vậy không phải để thất vọng mà
để nhận thức được rằng người Việt chúng ta phải nỗ lực một cách thành thật,
kiên trì và thậm chí là đau đớn để thực sự “thoát Trung”.
“Thoát Trung” giả hiệu hay “tự Hán hóa”
Từ sau một ngàn năm Bắc thuộc, các chế độ quân chủ “nội địa” được
thành lập và nối tiếp nhau cai trị đất nước theo mô hình phương Bắc từ chế độ
khoa cử đến hệ thống quan. Quả thật, việc áp đặt tư tưởng ngoại lai bởi những
kẻ xâm lược luôn khó khăn và gặp phải nhiều kháng cự hơn là bởi chính những
“ông vua nước Nam” đầy tính chính đáng và có cả lực lượng quan lại đông đảo cai
quản đến các vùng xa xôi nhất của đất nước. Thật nghịch lý là không phải 1000
năm Bắc thuộc mà chính là thời kỳ độc lập lại khiến văn hóa Trung Quốc nở rộ ở
nước Nam. Chính cái thời kỳ được gọi độc lập này, tư tưởng Khổng nho chủ đạo
trong nền văn hóa và chính trị Trung Hoa trở thành tư tưởng và văn hóa chủ đạo
của Việt Nam, lấn át tư tưởng Phật giáo đã âm thầm bám rễ vào các làng xã Việt
Nam ngay dưới thời còn bị đô hộ.
Sự kiện toàn bộ máy quân chủ tập quyền ở Việt Nam song hành cùng với
sự thể chế hóa tư tưởng và văn hóa Khổng Nho. Năm 1070, đời Lý Thánh Tông, Văn
miếu Quốc tử Giám được xây dựng, là nơi thờ các vị “Thánh hiền” và là trường
đào tạo các trí thức Nho học để chuẩn bị nhân sự cho hệ thống quan lại. Thời
Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám này còn có điện thờ Chu Cơ Đán – khai quốc công
thần của nhà Chu bên Trung Hoa xa xôi. Thời nhà Nguyễn, quần thể kiến trúc này
còn được xây bổ sung thêm nơi thờ cha mẹ Khổng Tử, không những không liên hệ gì
với dân nước Nam, mà còn là những nhân vật không mấy đáng lưu tâm.
Dù tôn giáo của các vị quân chủ Việt Nam là gì, não trạng và chính
sách cai trị của họ đều mang bản chất Khổng Nho. Sự phụ thuộc về ý thức hệ của
các triều đại quân chủ Việt Nam, về mức độ tuy có khác, nhưng về bản chất không
khác cái cách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản
ngoại lai, theo mô hình Nga Sô rồi đến Trung Cộng, lên đất nước này. Các triều
đại quân chủ Trung Hoa có thể năm lần bảy lượt xâm chiếm Việt Nam và các triều
đại Việt Nam dù phải triều cống Trung Hoa để bày tỏ sự khiêm nhường và hiếu hòa
của một quốc gia nhược tiểu. Nhưng họ không có áp lực đòi nhà nước quân chủ nước
Nam phải bắt chước mô hình chính trị của họ, bắt trí thức khoa bảng nước Nam
phải học tập tư tưởng Khổng Nho và người dân nước Nam phải thực hành tập quán
luân lý và nghi lễ theo cách của người Hán. Thiết nghĩ, đây là một sự tự nguyện
hoàn toàn sự lựa chọn của tầng lớp cai trị và thức giả ngày xưa đã trở thành di
sản nặng nề của chúng ta hôm nay.
Tiến sĩ Dương còn nói thêm: “việc toàn dân đồng loạt chuyển
sang sử dụng chữ quốc ngữ, là minh chứng rõ ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng
kiềm tỏa này”. Thiễn nghĩ, việc chuyển sang sử dung chữ Quốc ngữ do các nhà
truyền giáo phương Tây sáng tạo nên không hẳn là minh chứng cho tinh thần
“thoát Trung” như cách lý giải gượng ép của tiến sĩ Dương; mà chỉ là một sự
thuận tiện vì chữ quốc ngữ dễ học hơn và sẽ giúp cho những người thông thạo nó
tiến nhanh đến các vị trí công quyền của chế độ thực dân Pháp hoặc đó là cách
tốt để tiếp cận kho học thuật phương Tây. Ý thức thoát Trung nếu đã bùng phát
mạnh mẽ từ thời đó thì Việt Nam đã không có diện mạo tri thức và văn hóa như
hôm nay. Cay đắng thay một quá trình “tự Hán hóa” (theo cách gọi của kinh tế
gia Nguyễn Xuân Nghĩa)!
Thoát khỏi tư tưởng
Trung Hoa
Cuộc “thoát Trung” về chính trị, kinh tế có thể được thực hiện bằng
chiến tranh (nếu Việt Nam có đủ sức?) hoặc bằng một sự thay đổi thể chế, khi
một chính quyền bài Hoa, hoặc thân phương Tây được thành lập. Nhưng cuộc “thoát
Trung” về tư tưởng thì khó khăn và dày vò hơn nhiều. “Thoát Trung” này cũng
đồng nghĩa với sự “phương Tây hóa”, nghĩa là sự chắc lọc các giá trị công bằng
– đa nguyên – tự do – dân chủ – nhân quyền. Cuộc “Thoát Trung” ngoạn mục và xứng
đáng trong thời điểm hiện nay không phải là những cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc
mà là sự “tự thắng” trong não trạng của giới trí thức Việt Nam, đặc biệt là
giới trí đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên. Vậy thì may ra cuộc “thoát Trung” của
chúng ta mới bền vững và kể từ đó, lịch sử Việt Nam sẽ chuyển hướng mãi mãi
khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa đến độ chúng ta có thể làm bạn với họ trong hòa
bình và tôn trọng mà không mảy may lo sợ sự gần gũi này trở thành sự phụ thuộc.
Chế độ độc tài hiện nay không liên quan gì đến Khổng Nho, nhưng ít
nhất, sự tồn tại dai dẳng của nó có sự trợ lực của những mầm mống Khổng nho còn
bám sâu trong văn hóa người Việt – não trạng thèm khát nhưng vô cùng sợ hãi
quyền lực. Thật vậy, ngay cả khi tính chính đáng của chế độ này bị thách thức
liên tục qua những biến động của thế giới, qua thành tích Nhân quyền tồi tệ,
qua thất bại trong việc đối phó với nguy cơ xâm lăng của chính quyền… người dân
vẫn không ý thức được mình có quyền tước đi quyền lực từ tay tập đoàn cai trị.
Và đáng thất vọng hơn là cách thể hiện của trí thức Việt Nam.
Sự khúm núm trước mọi thứ quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị
khẳng định cái tàn tích dai dẳng của các “giá trị Á Đông”, mà chính xác hơn là
tinh thần Khổng Nho còn sót lại lại ở vài quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam.
Xu hướng cậy dựa quyền lực, thỏ thẻ van xin mà không dám đối mặt thẳng thắn với
(chứ chưa nói là thách thức) kẻ cầm quyền cũng là một đặc trưng không thể lẫn
lộn của phong cách “kẻ sĩ”. Tư tưởng Không Nho là của Trung Quốc, mô hình cộng
sản biến thái “kinh tế thị trường định hướng XHCN” cũng là của Trung Quốc.
Vậy
thử hỏi khi hai gọng kiềm này vẫn còn kẹp chặt xã hội Việt Nam thì chúng ta làm
sao để “thoát Trung”? Mọi cố gắng “thoát Trung” chỉ là sự vùng vẫy vô vọng của
con cóc bị bỏ vào cái lồng rồi quăng xuống ao cứ cố tìm cách thoát khỏi cái ao
mà không biết mình không thể làm gì được khi còn ở trong lồng. (Đây cách ẩn dụ
từ một thân hữu của người viết). Vậy nên, đoạn tuyệt mối liên hệ về tư tưởng
(cả tư tưởng “truyền thống” và tư tưởng cộng sản hiện đại) mới chính là cuộc
thoát Trung thực chất nhất và cũng cần thiết nhất.
“Thoát Trung” hay
“thoát Cộng”
Có lẽ do đã tuyệt vọng với việc dành lại quyền lực từ tay thiểu số độc
tài đảng trị, người dân Việt Nam và nhất là trí thức cố gắng bù đắp vào khoảng
trống bi đát trong cái tôi không được thỏa mãn của mình bằng cách chuyển hóa
những bức xúc mãnh liệt bị đè nén thành những các biểu hiện mang đầy màu sắc
chủ nghĩa dân tộc. Và có lẽ như thế người ta tìm thấy được vai trò cho sự tồn
tại của mình. Nhà nước độc tài Việt Nam hiểu rõ tâm lý đó. Họ đè bẹp mọi khát
khao tranh giành quyền lực chính trị của người dân, nhưng chân thành cổ vũ cho
thứ chủ nghĩa dân tộc kém tỉnh táo (theo cách gọi của bác sĩ Phạm Hồng Sơn). Họ
còn nhiệt tình thúc đẩy cho sự chuyển hướng này. Nhưng một cách thông minh, họ
chỉ giữ cho những xúc cảm đó ở mức độ đủ để làm nhòa đi thực trạng độc tài và
vi phạm Nhân quyền, chứ không đến nỗi làm mất lòng người đàn anh và vượt ngoài
sự kiểm soát của họ. Sự tràn ngập các thông tin về biển đảo trên truyền thông
Nhà nước và Hội thảo “thoát Trung” trong thời gian qua là một minh họa cho
những lời tôi vừa khẳng định.
Chính quyền độc tại hiện nay cho thấy họ đã kiên định lập trường “16
chữ vàng”. Mấy chục năm nay họ đã thành công trong việc “Hán hóa” chính họ và
cả người dân Việt Nam một cách toàn diện bằng các chính sách chư hầu của mình.
Nhưng dù cho họ có muốn tập hợp người dân để đoàn kết “thoát Trung”, thì cũng
thật ngớ ngẩn nếu chúng ta lại thêm một lần nữa tái diễn sai lầm trong lịch sử
bằng cách xếp hàng sau lưng họ. Tại sao phải tập hợp dưới ngọn cờ đảng cộng sản
(hay bất cứ đảng nào khác) để thoát Trung?
Nhiều người sẽ cho rằng cần sự đoàn
kết để chống ngoại xâm. Bây giờ là thời đại nào rồi? Chiến tranh bằng vũ khí có
tính sát thương cao, nếu không muốn nói là vũ khí nguyên tử đã vô hiệu hóa
triệt để sức người. Nếu không có sức mạnh quân sự thì mọi sự đoàn kết đều không
đáng nói đến. Vấn đề của Việt Nam bây giờ không phải là chiến tranh và tập hợp
dưới ngọn cờ của phe phái nào để chống Trung Quốc; mà là phải dân chủ hóa để từ
đó thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại, để vẫn giữ vững chủ quyền quốc gia
mà không leo thang một cuộc chiến tranh có nguy cơ hủy diệt đất nước.
Trong tình thế quốc gia lâm nguy, với nhiều cảm xúc hơn lý trí, sự
đoàn kết theo tinh thần quốc gia dưới ngọn cờ quyền lực trung ương có lẽ là ưu
tiên đối với nhiều thức giả Việt Nam. Trong mắt các vị ấy, một chế độ độc tài
có vẻ tốt đẹp hơn, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được, nhờ lớp trang điểm
chống xâm lược.
Quả thật, nếu bộ sậu cầm quyền Việt Nam không lún quá sâu vào
hồ sơ bán nước như hiện nay, nếu có một nhóm lãnh đạo nào trong Đảng cộng sản
rút chân được khỏi vũng lầy bán nước để nhảy ra mà vỗ ngực cầm lấy ngọn cờ
chính nghĩa chống ngoại xâm, có lẽ lịch sử sẽ lặp lại, Việt Nam sẽ không sao
thoát nổi kịch bản 1945. Nói như thế để thấy rõ cái tâm thế của “Dân gần trăm
triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.Đất nước và người
dân chờ đợi những kiến giải hữu ích từ giới trí thức Việt Nam khắp thế giới.
Hoặc là chúng ta lại để cho thời thế đưa đẩy và chỉ việc nhắm mắt đưa chân?
Huỳnh Thục Vy Ngày 20 tháng 6 năm 2014
Hiện Đại Hóa Và Dân Chủ
Nguyễn Cao Quyền
June 28, 20140 Bình Luận
June 28, 20140 Bình Luận
Hiện đại hóa là một
thuật ngữ dùng để chỉ một tiến trình chuyển biến từ trạng thái cổ điển sang
trạng thái hiện đại. Thuật
ngữ này được dành cho các xã hội đang ở trong thời kỳ chuyển biến này.
Các sử gia liên hệ hiện tượng hiện đại hóa với các hiện tượng đô thị
hóa, kỹ nghệ hóa và phổ quát hóa giáo dục. Khi hiện tượng hiện đại hóa xuất
hiện trong một xã hội thì cá nhân càng ngày càng trở nên quan trọng và dần dần
thay thế gia đình hay cộng đồng ở vị trí đơn vị chủ thể của xã hội (fundamental
unit of society).
Lý thuyết hiện đại hóa thường được coi như “kim chỉ Nam” cho những
quốc gia đang phát triển như trường hợp của Trung Quốc. Tác giả Gian Chungdan,
trong tập nghiên cứu nhan đề “Chinese studies in history” (2009) viết: “Sự hiện
đại hóa Trung Quốc phải được rút ra từ những kinh nghiệm và bài học của những
quốc gia khác”. Khi tiến trình hiện đại hóa bắt đầu tác động thì các vấn đề tín
ngưỡng và văn hóa dần dần trở thành kém giá trị.
Lý
thuyết hiện đại hóa
Theo thuyết “hiện đại hóa” thì xã hội nào cũng có thể phát triển từ
trạng thái “cổ điển” sang trạng thái “hiện đại” và sự chuyển biến đó thường đi
theo một lộ trình. Quốc gia càng hiện đại bao nhiêu thì càng giàu mạnh bấy
nhiêu, dân tộc được hưởng nhiều tự do hơn và mức sống của dân chúng cũng cao
hơn. Hiện đại hóa có thể coi như một “tiến trình” hoặc một sự “công phá”
(offensive) cũng không sai.
Trong ý nghĩa công phá nó bao gồm những phát triển và cơ hội cho con
người định hình và kiểm soát, hay nói khác, những sự phát triển này có thể điều
chỉnh và phê bình. Hiện đại hóa bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 19 nhưng chỉ trở
thành một đề tài quen thuộc trong học giới kể từ thế kỷ 20. Hiện đại hóa đối
nghịch với truyền thống vì truyền thống cản trở phát triển và tiến bộ.
Những người ủng hộ thuyết hiện đại hóa chia làm hai nhóm: nhóm lạc
quan và nhóm bi quan. Người lạc quan tin rằng những trở ngại đối với tiến trình
hiện đại hóa, nếu có, thì cũng chỉ là tạm thời và sẽ bị vượt qua. Người bi
quan, trái lại, cho rằng những trở ngại đó khó lòng mà vượt thoát.
Hiện
đại hóa trong thực tiễn
Hoa
Kỳ
Vào đầu thế kỷ 20, nhóm cấp tiến tại Hoa Kỳ là những người chủ trương
hiện đại hóa xông xáo nhất. Họ tin rằng khoa học kỹ thuật, chuyên môn và giáo
dục là những giải pháp hữu hiệu cần áp dụng để giải quyết tình trạng yếu kém
của một quốc gia.
Người Mỹ cấp tiến cổ võ quyết liệt sự mở mang và kỹ nghệ hóa đô thị.
Họ tin tưởng vào khả năng của con người có thể cải tiến môi trường và điều kiện
sống, có thể phát triển kinh tế và thăng tiến xã hội, có thể làm tốt hơn trong
lãnh vực chuyên môn và trong lãnh vực cai trị. Hiện tượng hiện đại hóa tại Hoa
Kỳ phát triển và thành công nhanh nhất.
Đức
Quốc
German Sonderweg (con đường phát triển ngoại lệ của Đức) có một lịch
sử sôi động. Các học giả cho rằng con đường đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến
chủ nghĩa Quốc Xã và là thảm họa cho nước Đức vào giữa thế kỷ 20. Con đường đó
bắt đầu từ 1860 đến 1890 khi hiện tượng hiện đại hóa bắt đầu xuất hiện.
Sonderweg không phải là con đường phát triển của Tây Phương. Hoàn cảnh
đặc biệt về lịch sử của nước Đức và những sự kiện được coi như là những tiền đề
đưa đến chủ nghĩa Quốc Xã đã là những trở lực cho vấn đề phát triển kinh tế và
dân chủ và tạo điều kiện thuận lợi cho nạn phát xít lan tràn.
Mẫu hình Sonderweg đã là động lực thúc đẩy ba ngành nghiên cứu về lịch
sử Đức Quốc hiện đại: lịch sử của thế kỷ 19; lịch sử của giai cấp tư sản; sự so
sánh với các nước Tây Phương. Các nghiên cứu này, đến nay, đã được coi như chấm
dứt. Tuy nhiên, người Đức vẫn chưa đưa ra được một giải thích thỏa đáng nào về
hiện tương hiện đại hóa của quốc gia họ.
Pháp
Quốc
Trong tác phẩm “ Sự hiện đại hóa của nước Pháp nông nhiệp 1880-1914”
(The Modernization Of Rural France 1880-1914) (1976) tác giả Eugene Weber đã mô
tả sự hiện đại hóa của nông thôn nước Pháp từ thời kỳ lạc hậu cô lập sang thời
kỳ phát triển với một tinh thần quốc gia rõ rệt vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế
kỷ 20.
Ông nhấn mạnh đến vai trò của đường sắt, của các trường học cộng hòa,
của chế độ động viên quân sự. Weber nhận xét là cho đến thời điểm 1900 thì tinh
thần quốc gia của người Pháp phải được coi như rất yếu ớt tại các tỉnh lỵ. Tinh
thần này chỉ được vực dậy đưới thời đệ tam cộng hòa. Quyển sách được hoan
nghênh rộng rãi nhưng nhiều người cho rằng tinh thần quốc gia Pháp thật sự đã
lan tỏa tới các tỉnh lỵ trước năm 1870.
Á Châu
Vấn đề hiện đại hóa của các nước Á Châu đã được nhiều nhà nghiên cứu
lưu tâm. Sách vở đã nói nhiều về sự hiện đại hóa của Nhật Bản vào thế kỷ 19
dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, của Trung Quốc và Ấn Độ vào thế kỷ 20. Các cuộc
nghiên cứu này đều mô tả sự du nhập các tiến trình phát triển khoa học và kỹ
thuật vay mượn từ Phương Tây.
Trung
Quốc
Trung Quốc bắt đầu đi vào tiến trình hiện đại hóa từ cuộc Cách Mạng
Tân Hợi năm 1911, tức là từ khi nhà Thanh, triều đình cuối cùng của Trung Quốc
chấm dứt. Trước khi triều đình này bị lật đổ, đã có một thời kỳ (1902-1908)
trong đó nhà Thanh tiến hành một số cải cách theo mẩu hình của Tây Phương,
nhưng những cải cách đó không những không thành công mà còn đưa đến hậu qủa là
cuộc Cách Mạng Tân Hợi đã nổ ra.
Tiếp theo là Phong Trào Ngũ Tứ 4-5-1919 (May 4th Movement 1919). Cả
cuộc Cách Mạng Tân Hợi lẫn Phong Trào Ngũ Tứ đều chủ trương hiện đại hóa. Tuy
nhiên từ đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1949 chiến tranh đã liên tục xảy ra (chiến
tranh Trung-Nhật, chiến tranh Quốc-Cộng) nên tiến trình hiện đại hóa đã bị đình
hoãn.
Khi Đảng CSTQ chiếm được chính quyền vào năm 1949, Mao Trạch Đông lấy
Liên Xô làm mẫu hình để hiện đại hóa đất nước. Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại (1958-1961)
bắt chước mẩu hình “kế hoạch ngũ niên của Liên Xô” để phát triển, kỹ nghệ hóa
và tập thể hóa xã hội. Bước Nhảy Vọt thất bại và tiếp theo là cuộc Cách Mạng
Văn Hóa (1966-1976) cũng thất bại theo.
Phải đợi đến khi Đặng Tiểu Bình lên ngôi (1978) và áp dụng chương
trình “bốn hiện đại hóa”: nông nghiệp, kỹ nghệ, quốc phòng, khoa học kỹ thuật,
dựa trên những mẩu hình của Tây Phương, thì công cuộc hiện đại hóa mới thành
công. Đặng đã phi tập thề hóa kinh tế nông thôn, chấp nhận kinh tế tư nhân,
thiết lập các khu kinh tế đặc biệt, kêu gọi đầu tư ngoại quốc và khuyến khích
thị trường tự do.
Sau khi Đặng chết, những thế hệ tiếp theo cũng vẫn đi theo con đường
mà Đặng đã vạch ra. Nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành kinh tế thị trường
nhưng chế độ chính trị thì không có gì thay đổi. Đây là điểm đặc biệt của hiện
tượng hiện đại hóa trên lãnh thổ Trung Hoa.
Sang thế kỷ 21, tiến trình hiện đại hóa này vẫn còn đang tiếp tục và
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới sau Hoa Kỳ. Nền
kinh tế Trung Quốc hiện nay bắt đầu phải đối mặt với một với một số vấn đề nan
giải như nạn tham nhũng lan rộng bất khả trị, hố cách biệt giàu nghèo ngày càng
loãng rộng và ô nhiễm môi trường tác hại trầm trọng.
Đại
Hàn Dân Quốc
Đại Hàn Dân Quốc bắt đầu hiện đại hóa từ thế kỷ 19. Những nhà cải cách
lưỡng lự giữa hai mẫu hình: Hoa Kỳ và Nhật Bản. Phe cải cách được giáo dục bởi
Tây Phương và theo Thiên Chúa Giáo nghiêng về mẫu hình của Hoa Kỳ nhưng họ chỉ
là thiểu số. Đa số còn lại nghiêng về mẫu hình của Nhật Bản.
Nhìn chung thì mẫu hình hiện đại hóa của Nam Triều Tiên mang bốn sắc
thái: hiện đại, thuộc địa, dân tộc và Thiên Chúa Giáo. Trong bốn sắc thái đó,
hai dấu ấn Tây Phương (hiện đại) và Nhật Bản (thuộc địa) hiện lên rõ nét nhất.
Giữa hai dấu ấn này ảnh hưởng của Đông Phương (Nhật Bản) có vẻ sâu đậm hơn nên
tiến trình hiện đại hóa chuyển biến hơi chậm chạp.
Bắt đầu từ 1945, Hoa Kỳ đã có những phát triển tích cực nhằm giúp đỡ
Nam Triều Tiên hiện đại hóa, biến Nam Triều Tiên thành một quốc gia-nhà nước
(nation state) với một nền kinh tế năng động.
Những tác nhân đã đóng góp tích cực vào tiến trình hiện đại hóa Nam
Triều Tiên, đến từ Hoa Kỳ gồm có: quân đội Hoa Kỳ, chương trình hợp tác kinh tế
Hoa Kỳ-Triều Tiên, chương trình tái thiết Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc và một
số tổ chức phi chính phủ mang tên: The Presbyterian Church, The YMCA, Boy
Scouts and The Ford Foundation.
Nhiều người Triều Tiên lưu vong sang California và Hawaii (Hoa Kỳ)
cũng hồi hương và mang theo cung cách làm ăn hiện đại cho thương giới và cho
chính phũ Đại Hàn Dân Quốc.
Thổ
Nhĩ Kỳ (Turkey)
Thổ Nhĩ Kỳ vào thời Mustapha Kemal Ataturk (1920-1930) đã tích cực lao
mình vào một chương trình hiện đại hóa mang tên “Kemalism”. Hàng trăm học giả
và chuyên viên Tây Phương đã tình nguyện sang giúp đỡ. Những người này cùng với
những nhà trí thức Thổ đã triển khai một mẫu hình hiện đại hóa thành công.
Châu
Mỹ La Tinh
Từ ngày thâu hồi độc lập các quốc gia Châu Mỹ La Tinh đã không để mất
thời giờ và lao ngay vào vấn đề hiện đại hóa. Nhiều kế hoạch cụ thể đã được thi
hành ngay từ năm 1964. Mặc dầu không tuyệt đối giống nhau, nhưng nhìn chung thì
kế hoạch nào cũng bao gồm một số nét chính sau đây: đường hướng phát triển, kế
hoạch nhà nước, vai trò của các chuyên gia và biện pháp ổn định chính trị. Tất
cả các kế hoạch hiện đại hóa đều thành công và mang dấu ấn của những cải cách
Tây Phương.
Hy Lạp (Greece)
Hiện tượng hiện đại hóa tại Hy Lạp xuất hiện bắt đầu từ thập kỷ 1960
trên hai lãnh vực nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. Trên lãnh vực nghệ thuật,
nhất là đối với các bộ môn âm nhạc, phim ảnh, ca nhạc, người ta thấy rõ rệt dấu
ấn của ảnh hưởng Hoa Kỳ. Trên lãnh vực văn học cũng vậy, ảnh hưởng của Hoa Kỳ
nổi trội nhất.
Cách mạng kỹ nghệ và sự cấp tiến hóa (radicalization) xã hội đã đóng
một vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển. Nhìn chung tất cả các bộ môn
như: hội họa, thơ văn, kiến trúc, chính trị và tôn giáo .. môn nào cũng tiến
triển nhanh chóng, đồng bộ và trở nên phong phú kể từ khi Thế Chiến II chấm dứt.
Phi Châu (Africa)
Tại Phi Châu tiến trình hiện đại hóa phát triển chậm chạp và ảnh hưởng
của nó không bao trùm mọi quốc gia trong phần đất này của thế giới. Tại một vài
quốc gia, chẳng hạn như Nigeria vấn đề hiện đại hóa không những không làm lợi
cho đất nước mà còn làm tiêu hao rất nhiều tài nguyên của quốc gia.
Tài nguyên dầu hỏa hoàn toàn ở trong tay các công ty ngoại quốc trong
đó hãng SHELL là hãng quan trọng nhất. Nhờ các công ty này mà đất nước Nigeria
được kỹ nghệ hóa một phần rất nhỏ và lợi tức khai thác dầu mỏ thu về chỉ là
1/15 lợi tức các công ty ngoại quốc được hưởng.
Thật ra những chuyển biến tại Phi Châu có nhiều phần là Tây Phương hóa
hơn là hiện đại hóa. Khi thực dân Anh, Pháp sang đô hộ vùng này, họ xóa bỏ các
bộ lạc và tập trung dân bản xứ thành từng quốc gia theo kiểu Tây Phương. Do đó
mà ảnh hưởng của Tây Phương có phần áp đảo.
Các khu vực kinh tế (national park) được thành lập sau khi các bộ lạc
bị giải tán. Vì có sự thay đổi này nên các nền văn hóa bộ lạc bị tiêu tan và
các thế hệ cá nhân sau này hoàn toàn bị ảnh hưởng của Tây Phương. Sinh hoạt bộ
lạc không còn nữa và thay thế vào đó là một lối sống hoàn toàn xa lạ nhập cảng
từ các nước Anh và Pháp.
* * *
Hiện
đại hóa và dân chủ
Các học giả cho rằng dân chủ luôn luôn đi theo hiện đại hóa, chỉ cách
nhau bằng một thời gian hoặc dài hoặc ngắn. Các hiện tượng phát triển kinh tế,
công nghiệp hóa, đô thị hóa, bình dân hóa giáo dục và thịnh vượng gia tăng, đã
quện chặt với nhau và trở thành yếu tố chính yếu thúc đẩy tiến trình dân chủ
hóa đất nước (Seymour Martin Lipset).
Luận thuyết này bị chỉ trích nhiều vào thập kỷ 1960. Các nhà phê bình
cho rằng luận thuyết đó căn cứ quá nhiều vào lịch sử Âu Châu và không quan tâm
gì mấy đến lịch sử của các nước thuộc thế giới thứ ba. Mặc dầu có sự phê bình
này, sự xuất hiện gần đây của hiện tượng dân chủ tại Nam Triều Tiên, Đài Loan,
Nam Phi đã củng cố lại phần nào giá trị của luận thuyết đó.
Tuy nhiên, nếu phân tích lịch sứ của nước Đức thì ta thấy là sau vụ
hiện đại hóa vào thế kỷ 19, dân chủ đã không xuất hiện trong thế kỷ tiếp theo .
Chính vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu khác (Inglehart &Welgel, 2009) ̣ cho
rằng để dân chủ có thể xuất hiện, chỉ riêng yếu tố hiện đại hóa sẽ không đủ mà
còn phải thêm cả hai yếu tố văn hóa và xã hội.
Nhà nghiên cứu Peerenborn (2008) thì thấy rằng phải thêm cả yếu tố
pháp tri (rule of law) thì dân chủ mới chóng thành hình. Đồng thời cũng không
loại bỏ được yếu tố sau cùng là: một mức độ nào đó về phát triển kinh tế.
Philippines, Bangladesh, Thailand, Indonesia chưa thực sự trở thành dân chủ vì
kinh tế chưa đạt được mức độ đòi hỏi. Một số quốc gia khác đang phát triển cũng
ở trong tình trạng này.
Cuộc tranh luận về mối liên hệ giữa hiện đại hóa và dân chủ vẫn chưa
chấm dứt. Hiện đại hóa là một ý niệm dễ gây lẫn lộn với Tây Phương hóa. Thật ra
thì hiện đại hóa thường đòi hỏi phải gỡ bỏ nền văn hóa địa phương hay quốc gia
để thay thế bằng một nền văn hóa mang nặng tính Tây Phương.
Giờ đây một phiên bản mới về hiện đại hóa đã xuất hiện và người ta
đồng thời cũng đã chuyển đề tài tranh luận sang một lãnh vực khác: lãnh vực
nhân quyền, song song với việc lấy trường hợp của Trung Quốc làm đối tượng
nghiên cứu. Vấn đề này sẽ được bàn tới một cách rộng rãi hơn trong bài viết
tiếp theo.
Nguyễn Cao
Quyền
Tháng 6 năm 2014
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching