X

Saturday, July 26, 2014

Mỹ: Vũ khí của Nga chuyển cho quân nổi dậy Ukraine 'sắp diễn ra'

Mỹ: Vũ khí của Nga chuyển cho quân nổi dậy Ukraine 'sắp diễn ra'

Một thành phần nổi dậy thân Nga ngồi trong chiếc xe tăng treo cờ Nga ở một con đường phía đông Donetsk, 21/7/2014.

25.07.2014
Ngũ Giác Ðài cho biết có thông tin về việc các vũ khí của Nga chuyển cho các phần tử ly khai Ukraine “sắp xảy ra.”
Phát ngôn viên Ngũ Giác Ðài Steve Warren đưa ra thông báo hôm thứ Sáu, nói rằng các giới chức cho rằng việc chuyển vũ khí có liên quan đến hệ thống “trọng pháo có khả năng hơn” so với những hệ thống được dùng trước đây. Trong nhiều tuần lễ, Hoa Kỳ nói Nga đang cung cấp cho các phần tử ly khai vũ khí và trang thiết bị.

Ông Warren cho biết Hoa Kỳ đã nhìn thấy những hệ thống này đang di chuyển tới gần biên giới Ukraine hơn. Ông nói việc chuyển vũ ký có thể được thực hiện trong vòng vài giờ tới, mặc dù Ngũ Giác Ðài không biết chính xác thời điểm.

Ông Warren cũng cho biết Nga tiếp tục bắn phi đạn qua biên giới vào Ukraine, nhưng ông nói Hoa Kỳ không thấy bằng chứng Ukraine bắn qua phía Nga như Nga cáo buộc. Ông nói các hệ thống đang được chuyển đi là các hệ thống địa đối địa, không phải các hệ thống địa đối không như chiếc bị nghi ngờ đã bắn rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia vào tuần rồi khiến gần 300 người thiệt mạng.

Ông Warren cho biết những diễn tiến mới này là “mối quan ngại lớn” khi chúng tỏ dấu một sự gia tăng nguy cơ thương vong cho thường dân ở miền đông Ukraine.

Cũng trong ngày thứ Sáu, các đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục họp ở Brussels để bàn về các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng hơn với Nga nếu nuớc này tiếp tục cung cấp vũ khí cho các phần tử ly khai. Các buổi thảo luận dự kiến sẽ tiếp diễn vào tuần tới.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Barrack Obama nói chuyện với Thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan. Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết các lãnh đạo đã đồng ý trong buổi trao đổi tối hôm đó là cần phải áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Nga.

Các ngoại trưởng Hà Lan, Úc và Ukraine đã gặp nhau ở Kyiv hôm thứ Năm để bàn thảo về quá trình thu thập dữ liệu. Họ đã yêu cầu nhóm làm việc quốc tế do Liên Hiệp Quốc lãnh đạo phải bảo vệ hiện trường để những thi thể còn lại có thể được thu gom và việc điều tra được tiến hành mà không có sự can thiệp của các phần tử ly khai.

Cảng Đại Liên, biểu tượng cho tham vọng của Hải quân Trung Quốc

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 01/01/2014.
Hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 01/01/2014.
Reuters

Thanh Phương RFI

Không chỉ có một vị trí chiến lược trên Hoàng Hải, Đại Liên còn là nơi đặt các xưởng đóng tàu của Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc để đóng các chiến hạm lớn nhất cho nước này, theo như tường thuật của hãng tin AFP ngày 25/07/2014.

Mục tiêu của Bắc Kinh rất đơn giản: qua mặt Hải quân Nhật và đến một lúc nào đó có thể đọ sức với Hải quân Hoa Kỳ, hiện đang là bá chủ vùng Thái Bình Dương.

Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc sẽ phải xây dựng các đội hàng không mẫu hạm, hoạt động chung quanh các hàng không mẫu hạm, một chương trình tốn kém hàng trăm tỷ đô la, mà theo các chuyên gia, đã bắt đầu được thực hiện.
Tại cảng Đại Liên, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, mang tên Liêu Ninh, hiện đang được bảo trì. Có chiều dài 300 mét, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã được xây tại cảng Đại Liên từ chiếc hàng không mẫu hạm đóng cho Hải quân Liên Xô. Dự án này đã bị đình chỉ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Chiếc Liêu Ninh đã xuất xưởng và ra biển lần đầu tiên vào tháng 8 /2011, trước khi được đưa vào hoạt động kể từ tháng 9/2012.

Nay Bắc Kinh có tham vọng đóng một chiếc hàng không mẫu hạm 100% nội địa. Theo thông báo của bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh vào tháng Giêng vừa qua, công trình này đã bắt đầu được thực hiện ở cảng Đại Liên. Nhưng thông báo của viên bí thư tỉnh này này sau đó đã bị xóa khỏi các trang mạng, vì đây là thông tin mật.

Cho tới nay, quân Trung Quốc vẫn giữ bí mật hoàn toàn về các chương trình vũ khí và tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Theo chuyên gia Rick Fisher, thuộc International Assessment and Stragegy Center, rất có thể là quân đội Trung Quốc đang xây các bộ phận khác nhau của hàng không mẫu hạm trong các nhà kho, để không bị vệ tinh phát hiện.

Hai chuyên gia của tạp chí Jane’s Defence Weekly, James Herdy và Lee Willett cũng xác nhận rằng trong vài năm tới, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc sẽ xuất xưởng từ cảng Đại Liên.

Hai chuyên gia này cho rằng chính sách trung hạn và dài hạn của Trung Quốc là mở rộng sự hiện diện trên đại dương toàn cầu để bảo vệ các lợi ích của họ về mặt tiếp cận các nguồn tài nguyên, về các đường giao thương hàng hải và về các thị trường cho hàng hóa Trung Quốc.

Bản thân chủ tịch Tập Cận Bình đã từng kêu gọi huy động toàn lực để Trung Quốc trở thành cường quốc hải dương lớn. Trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước láng giềng, Bắc Kinh nay không ngần ngại phá vỡ nguyên trạng của các vùng biển bao quanh Trung Quốc.

Cho tới gần đây, khi trang bị hàng không mẫu hạm, Trung Quốc vẫn sợ mất đi hình ảnh một quốc gia phát triển vũ khí chỉ để tự vệ. Nhưng bây giờ, Bắc Kinh không ngại chứng tỏ họ có thể tung lực lượng xa lãnh thổ Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc hiện đã có đủ khả năng tấn công, với các tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, máy bay tiêm kích, oanh tạc cơ, xe thiết giáp hạng nặng, tàu đổ bộ, khu trục hạm, chứ không chỉ còn là một lực lượng mang tính phòng thủ.

Vấn đề đặt ra bay giờ là Trung Quốc dự tính sẽ xây đến bao nhiêu hàng không mẫu hạm. Hiện giờ, Hoa Kỳ đang có 10 hàng không mẫu hạm, cộng thêm chiếc USS Geral Ford, sắp tới đây sẽ đi vào hoạt động, là 11.

Chuyên gia Rick Fisher cho biết, theo đa số các thẩm định, Trung Quốc sẽ xây thêm 1 hoặc 2 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng thường, trước khi chuyển sang đóng các hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có tầm hoạt động xa gần như vô giới hạn, có thể là khoảng từ đầu đến giữa thập niên 2020. Ông dự báo từ đây đến năm 2030 Trung Quốc sẽ có từ 4 đến 5 hàng không mẫu hạm và từ 6 đến 10 chiếc trong thập niên kế tiếp.


No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts