X

Friday, July 4, 2014

Mỹ điều chiến đấu cơ tàng hình đến Đông Nam Á thị uy

Mỹ điều chiến đấu cơ tàng hình đến Đông Nam Á thị uy 

Một chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ đang theo sau hai chiếc BAE Hawk của Malaysia trên phi đạo nhân cuộc tập trận Cope Taufan 2014. Ảnh chụp tại căn cứ không quân Butterworth, Malaysia ngày 11/06/2014. 

Pacific Air Forces
Trọng Nghĩa RFI

Malaysia phải chăng cũng là một thành tố quan trọng trong chiến lược xoay trục qua châu Á của Mỹ ? Trung tuần tháng Sáu 2014, Lầu Năm Góc đã gởi 6 chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor, thuộc loại hàng đầu của Mỹ hiện nay, đến tham gia một cuộc tập trận chung với Malaysia. Theo nhật báo Mỹ Washington Times, số ghi ngày 03/07/2014, động thái này là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ gởi đến Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên F-22 được sử dụng trong các cuộc tập trận định kỳ Mỹ-Malaysia hai năm một lần, mang tên là Cope Taufan 2014. Malaysia là một quốc gia trọng tâm trong nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm tăng cường và củng cố liên minh cũng như quan hệ với Đông Nam Á.

Tầm quan trọng của Malaysia còn thể hiện qua việc đây là lần đầu tiên mà Không quân Mỹ đưa loại phi cơ này đến vùng Đông Nam Á. Cho đến nay, F-22 chỉ mới xuất hiện ở vùng Đông Bắc Á mà thôi. 

Cách nay không lâu, Hải quân Malaysia cũng đã được Mỹ chọn làm đối tác tập luyện cho loại tàu chiến cận duyên hiện đại mới được triển khai trong khu vực tại Singapore.

Kuala Lumpur là một trong những đối tác kín đáo nhất của Mỹ trong khu vực, muốn dựa vào Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc, và trong những cuộc tiếp xúc riêng, đã lên tiếng cảnh báo về hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông trong các tranh chấp hàng hải với hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Theo Washington Times, căn cứ và phản ứng ồn ào của truyền thông nhà nước Trung Quốc, thông điệp nhờ chiến đấu cơ F-22 gởi đi đã được Bắc Kinh đón nhận đầy đủ.

Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc, đã xem việc Mỹ đưa F-22 đến Malaysia là một cơ may để tìm hiểu rõ hơn khả năng tác chiến của chiến đấu cơ Su-30 do Nga sản xuất đã được không quân Malaysia mua, tương tự như loại Su-30 do Trung Quốc chế tạo. Điều này sẽ có ích cho Bắc Kinh nếu chẳng may tới đây, Trung Quốc phải đối phó với phi cơ Malaysia trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Trung Quốc cũng tin rằng các bài tập cho phép Không quân Mỹ đưa F-22 đến hoạt động tại các địa điểm chiến lược gần bờ biển của Trung Quốc. Cho đến nay, F-22 đặt căn cứ tạm thời ở Đông Bắc Á nhưng việc triển khai ở vùng Đông Nam Á hoàn toàn mới.

Báo chí Trung Quốc cũng tố cáo rằng các máy bay F-22 tại Malaysia - hoạt động từ căn cứ không quân Hoàng gia Malaysia ở Butterworth cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 218 dặm về phía bắc – sẽ cải thiện năng lực sẵn sàng chiến đấu của Mỹ trong một cuộc tấn công Trung Quốc trong tương lai.

Trong quá khứ F-22 từng được triển khai từ bản doanh tại Hawaii qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam.

Nhật Bản dỡ bỏ một phần cấm vận Bắc Triều Tiên 

Áp Phích về những người Bắc Triều Tiên bắt cóc trong chiến dich thông tin ở Tokyo ngày 3/07/2014. 
REUTERS/Yuya Shino
Thụy My 

Hôm nay 03/07/2014 Nhật Bản quyết định dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhờ Bình Nhưỡng đã chứng tỏ thiện chí mở lại điều tra về số phận những người Nhật bị tình báo nước này bắt cóc trong thập niên 70 và 80. Sự kiện này đánh dấu việc cải thiện rõ nét quan hệ với Bắc Triều Tiên, đất nước đang bị thế giới tẩy chay.

Tin trên được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe loan báo sau một hội nghị song phương tại Bắc Kinh hôm thứ Ba 1/7. Hồi cuối tháng Năm, Bình Nhưỡng đã chấp nhận mở lại hồ sơ người Nhật mất tích, để đổi lấy việc được Tokyo dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt.

Ông Shinzo Abe không cho biết cụ thể, nhưng theo báo chí Nhật, đó là việc bỏ các biện pháp hạn chế người Bắc Triều Tiên nhập cảnh vào Nhật Bản, cũng như không còn buộc phải khai báo nếu mang theo trên 100.000 yen (720 euro). Các tàu mang cờ Bắc Triều Tiên không còn bị cấm vào các cảng của Nhật trong trường hợp bất khả kháng.

Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nói thêm, « kể từ thứ Sáu » 4/7 Bắc Triều Tiên sẽ thành lập ủy ban điều tra như đã hứa với Tokyo hồi tháng Năm khi thương lượng tại Thụy Điển.

Theo nhật báo kinh tế Nikkei, hôm thứ Ba Bình Nhưỡng đã trao cho phái đoàn Nhật một danh sách « hai con số » tên những người Nhật nghi là đã bị bắt cóc. Tờ báo cũng cho biết chi tiết về ủy ban điều tra đặc biệt. Theo một viên chức Nhật, chủ tịch ủy ban này sẽ là một cố vấn thân cận với Kim Jong Un.

Tokyo chưa bao giờ muốn xếp lại hồ sơ người Nhật bị bắt cóc, và từ nhiều năm qua coi đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ. Nhưng Bình Nhưỡng luôn nói rằng vấn đề này đã giải quyết xong. Theo Bắc Triều Tiên, chỉ có 13 người bị bắt cóc trong đó đã trả về cho Nhật 5 người, 8 người còn lại đã chết. Còn theo Nhật Bản thì có ít nhất 17 công dân Nhật bị bắt, và các giải thích của Bình Nhưỡng là không có căn cứ.
Sự tan băng một cách tương đối trong quan hệ Tokyo-Bình Nhưỡng đặt ra một số câu hỏi trong khu vực, đặc biệt vào thời điểm Bắc Kinh tỏ ra lạnh nhạt với chế độ Bắc Triều Tiên, trước những hành động khiêu khích như bắn hỏa tiễn và rốc-kết vừa rồi.

Chuyến viếng thăm Hàn Quốc hai ngày bắt đầu từ hôm nay của Tập Cận Bình mang tính biểu tượng cao độ, vì từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012 ông ta chưa bao giờ gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên cũng như chưa hề đến Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc, nơi trực tiếp bị nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng đe dọa nhìn cuộc đối thoại Nhật Bản – Bắc Triều Tiên với cặp mắt nghi ngại. Tuyên bố thông cảm với tính chất nhạy cảm và nhân đạo của hồ sơ người Nhật mất tích đối với Tokyo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vẫn cảnh báo nguy cơ đi ngược lại nỗ lực quốc tế buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng nguyên tử.

Chánh văn phòng nội các Nhật trấn an rằng quan điểm của Tokyo về vấn đề tên lửa hạt nhân không thay đổi, và sẽ phối hợp với Seoul và nhất là với Washington – vốn đã làm mọi cách để cô lập Bình Nhưỡng trên trường quốc tế.

Theo một số nhà phân tích, việc đánh cược của chính quyền Nhật có nhiều rủi ro và không chắc mang lại được kết quả. Satoru Miyamoto, chuyên gia về Bắc Triều Tiên cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe « đã đặt cược, và nay phải có những quyết định chính trị khó khăn ». Được biết từ nhiều năm qua ông Abe rất được một bộ phận dân chúng ủng hộ nhờ tích cực vận động cho những gia đình có thân nhân bị bắt cóc.

Nhật muốn Đông Nam Á thoát tay Trung Quốc? 
Việt-Long - RFA
2014-07-03 

Tàu tuần duyên Bizan của Nhật, sẽ cung cấp cho Việt Nam 
Courtesy of pdff.styles.net 
Chính sách "tự vệ tập thể"

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa công bố chính sách mới về quốc phòng, xóa bỏ những hạn chế do hiến pháp sau thế chiến thứ hai áp đặt cho hoạt động quốc phòng của nước Nhật. Từ nay quân đội Nhật Bản được phép hành động quân sự để bảo vệ đồng mình và các nước bạn nào bị tấn công, dù chiến trường diễn ra ở nước ngoài, không nhất thiết phải là chiến tranh trên lãnh thổ lãnh hải nước Nhật. Chính sách quốc phòng mới của Nhật có ý nghĩa gì?

Trước khi nói về ý nghĩa, người ta có thể thấy chính Trung Quốc đã tiếp tay cho thủ tướng Nhật thành công trong việc vận động diễn giải hiến pháp Nhật theo cách mới, cho phép quân đội Nhật ngoài quyền bảo vệ đất nước còn được phép yểm trợ nước đồng minh chống lại kẻ gây phương hại cho nước đồng minh đó. Cụ thể là Tokyo từ nay có quyền đưa lực lượng quân sự tham chiến ở nước ngoài trong trường hợp đồng minh của Nhật bị tấn công.

Có thể nói chính việc Trung Quốc gây hấn và có những hành động khiêu khích với Nhật đã khiến hầu hết dân chúng Nhật, tuy vẫn còn bị ám ảnh với hai quả bom nguyên tử, đều ý thức được rằng nếu Nhật không có biện pháp ngay từ bây giờ thì khi chiến tranh xảy ra Trung Quốc sẽ nắm phần chủ động trên mọi mặt.

Trung Quốc ầm ĩ chống đối, cho là Nhật muốn trở lại thời quân phiệt, nhưng Mỹ lại tán thành, tuy rằng chính Hoa Kỳ, với tư cách "Tư lệnh tối cao đồng minh" quản lý nước Nhật thất trận sau năm 1945, đã là tác giả bản hiến pháp Nhật hậu chiến, tước bỏ mọi quyền hoạt động quân sự của Nhật.

Ý nghĩa của việc này còn ở chỗ từ trước tới nay TQ vẫn luôn tin rằng Nhật không thể sửa đổi hiến pháp và Bắc Kinh muốn làm gì thì làm tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. 
Nhưng Trung Quốc không ngờ Nhật thay đổi được sự diễn giải hiến pháp, nên nếu Tokyo muốn hợp tác với Philippines như một đồng minh giống như Mỹ, việc đó sẽ không bị trở ngại như trước.

Còn một ý nghĩa quan trọng đối với VN: nếu Việt Nam muốn tránh tiếng theo chân Mỹ, ai cấm VN tự bảo vệ mình bằng cách bắt tay một đối tác chiến lược toàn diện như nước Nhật?

Nói đến tính cách đối tác chiến lược toàn diện giữa Nhật với Việt Nam hay Philippines, người ta nhớ tại Hội nghị đối thoại quốc phòng Shangri-La hôm 1 tháng 6 thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh của Việt Nam ngỏ ý với báo chí, hy vọng sẽ được Nhật cung cấp nhiều tàu tuần duyên vào đầu năm 2015. 


Con số các tàu này có thể lên đến 10 chiếc loại Bizan, dài 40 mét, là tàu tuần cỡ nhỏ, trang bị 1 khẩu pháo 20 ly 6 nòng JM-61, bắn 6 ngàn viên đạn trong một phút, tốc độ khá nhanh khoảng 65 km/giờ.

Tại đối thoại Shangri-La Thủ tướng Abe còn xác định là sẽ ủng hộ tối đa nỗ lực bảo vệ vùng biển và vùng trời của những nước ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Ông cũng nói Nhật Bản sẽ nắm lấy vai trò lớn hơn về an ninh quốc tế, và nhấn mạnh với tất cả các nước dự hội nghị, trong đó có Trung Quốc, về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Thủ tướng Nhật nói như vậy ngụ ý chỉ trích chính sách độc đoán của Trung Quốc. Nay khi Tokyo được áp dụng chính sách quốc phòng mở rộng gọi là "quyền tự vệ tập thể" như vậy, liệu Nhật có lập liên minh quân sự với Philippines hay Việt Nam và có thể can thiệp quân sự đối đầu với Trung Quốc một khi Bắc Kinh xâm lấn một trong hai nước này hay không?

Trước hết, từ lúc còn vận động để thay đổi cách diễn giải hiến pháp, Thủ tướng Nhật đã xác định chính sách quốc phòng mới không có nghĩa là Nhật Bản sẽ lập tức đưa quân ra chiến trường. Nhưng chính sách mới nói về quyền tự vệ tập thể, tức quyền phòng thủ chung với các nước ngoài, cho phép Nhật Bản hành động quân sự để giúp một nước có hiệp ước đồng minh quân sự với Nhật, và đó chính là hành động mở rộng phạm vi quốc phòng với quyền tự vệ tập thể.

Mục tiêu: Hoa Đông- Đông Nam Á?

Một số quan chức cao cấp của Nhật, ngoài Thủ tướng Abe, có đề cập đến triển vọng Nhật có thể sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể với các nước khác ngoài Mỹ, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, Tuy nhiên quân đội Nhật chỉ được phép thực hiện quyền tự vệ tập thể với một quốc gia đồng minh mà Nhật có hiệp ước liên minh quân sự.

 Philippines thì chắc chắn sẵn sàng ký kết với Nhật, nhưng với Việt Nam người ta cần cân nhắc một câu hỏi như điều kiện tiên quyết, là liệu Việt Nam có sẵn lòng ký kết hiệp ước liên minh quân sự với Nhật hay không.

Xét chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, khi nóng khi lạnh, có lúc nguội lúc ấm, người ta thấy Việt Nam còn nhiều phân vân lưỡng lự e dè trong việc tiến đến một chính sách dứt khoát và rõ ràng với Trung Quốc, dù theo chiều hướng nào, thì có thể tin là Việt Nam sẽ không ký kết liên minh quân sự với một ai, như chính Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố.

Người ta cũng không dự kiến Trung Quốc sẽ có hành động quân sự đối với Philippines hay Việt Nam ở biển Đông. Mục đích của Trung Quốc rõ ràng là xâm lấn chiếm lãnh hải, nhưng chiến thuật là một chiến thuật mềm hơn là gây chiến.

 Họ cứ giả bộ thăm dò, nghiên cứu để đem các giàn khoan đi cắm trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của nước khác, kéo lê đi hết chỗ này đến chỗ kia, từ xa đến gần, rồi lại vừa đi vừa dặm quanh lãnh hải của người ta, như đang làm với bốn giàn khoan khác bên cạnh Hải Dương 981. Nhưng khi Trung Quốc không gây chiến bằng quân sự, Nhật hay Việt Nam cũng không có lý do gì để phản ứng bằng biện pháp quân sự.

Ở biển Hoa Đông thì Trung Quốc đe dọa bằng quân sự nặng nề hơn, Đây chính là điều quan tâm của Nhật khi mở rộng sự hiện diện quân sự và hoạt động quân sự ra các nước ngoài.

Trong khi đó thì Tokyo lại hòa  hoãn với Bắc Hàn, là xứ hiếu chiến lúc nào cũng đe dọa diệt Nhật.  Vậy chính sách quốc phòng "tự vệ tập thể" nhắm mục tiêu ở đâu, vào ai?

Thủ tướng Nhật từ trước đến trong và sau hội nghị Đối thoại Shangri-La đã nhấn mạnh nhiều lần vào tình hình tranh chấp ở biển Đông với sự hiếu chiến và chính sách gây hấn của Trung Quốc. Nhật còn lập tức thỏa mãn yêu cầu của Việt Nam, Philippines bằng cách cung cấp những tàu tuần duyên đủ sức đương đầu với lực lượng hải cảnh, hải giám của Bắc Kinh. 

 Vì thế dù Việt Nam chưa sẵn sàng ký kết hiệp ước liên minh quân sự vì cái bóng đen Trung Quốc, Nhật Bản vẫn mở ngỏ cả cổng lẫn cửa để cho Việt Nam tự quyền chọn bên, chẳng khác nào "mời bác mua hàng của tôi, hàng Nhật đấy, hàng Nhật chính gốc Tokyo do Thủ tướng Nhật bán chứ không phải hàng dỏm Trung quốc, lại bán giá rẻ mà cho trả góp nè! Bác mua hàng rồi cùng với tôi giữ lấy cho tôi con đường vận chuyển dầu khi an toàn thôi, chả mất gì đâu!"

Việt Nam quả rất dễ chọn lựa, tùy theo cách Việt Nam cân đo lợi hại trong chính sách ngoại giao.

Ai cũng hiểu Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam. Vì thế chỉ có người Việt Nam đang như cá trên thớt mới có quyền quyết định cho tương lai của mình. Người ở bên ngoài chỉ hy vọng giới lãnh đạo cầm quyền trong nước đồng tâm quyết định chín chắn và sáng suốt cho dân cho nước.



No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts