NÓI THẬT CHO NHAU NGHE (Kỳ 2)
http://khoahoc-kythuat.blogspot.com.au/2014/06/noi-that-cho-nhau-nghe-ky-2.html
16/06/2014
NÓI THẬT CHO NHAU NGHE (Kỳ 3)
Huyền Oanh
6- Câu chuyện thứ 6: Văn hóa Việt sẽ đi về đâu?
(hay: Thay đổi thể chế và chống giặc ngoại xâm dưới góc nhìn văn hóa)
Đây là nội dung một buổi đàm luận thường kỳ hàng tháng của nhóm "Diễn đàn Xã hội dân sự tự phát" mà anh
chị em biên tập Chuyện thường ngày chúng tôi mới bắt quen gần đây (tên nhóm do
Huyền Oanh tự đặt).
Qua tâm sự bước đầu, chúng tôi được biết các thành viên của nhóm này vốn là cán bộ nghiên cứu cấp bộ và cấp tỉnh đã về hưu, do ở gần nhau và có nhu cầu về trí tuệ giống nhau nên đã tìm
đến nhau để kết thân. Mấy anh em bọn họ, tuy trước không cùng đơn vị công tác, nhưng mà sao họ giống nhau đến thế. Hồi xưa họ đều từng được cấp trên cho theo học các lớp cao cấp chính trị ở trường Nguyễn Ái Quốc.
Nhưng khác với mấy ông cán bộ chính trị đúng
"mác", họ nghe các thầy giảng bài mà nhiều lúc cứ thấy chôi chối, gò ép, không thể bị thuyết phục. Khi đang làm việc ở cơ quan cũng như khi học ở trường Đảng, họ thường hay tranh luận với thầy, hay cãi lý với lãnh đạo và với đồng nghiệp.
Họ nói vui rằng, không biết có phải vì thế mà họ thường bị ghét nhiều hơn là được thương, bị "cảnh giác" nhiều hơn là được ưu ái. Trong khi những ông bạn cán bộ chính trị cùng học được đánh giá là học tốt, tiếp thu bài nhanh, kết quả xếp loại ưu.
Đa số các ông bạn chính
"mác" này khi trở lại công tác đều tiến rất nhanh, vì được cho là biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, đạt nhiều thành tích khả quan, từ đó mà chức tước cứ lên vù vù, có nhiều vị đã leo lên được tới trung ương. Trong khi anh
em trong nhóm này vẫn chỉ là mấy anh chuyên viên, vẫn "cạo giấy" và "bấm chuột". Nhưng họ lại vẫn luôn đóng góp cho đất nước và địa phương những phản biện xã hội có giá trị, mà hầu như chỉ sau đó rất lâu hoặc khi họ đã về hưu mới được thừa nhận, vì ngay lúc ấy các phản biện của họ rất nghịch nhĩ với lãnh đạo đương quyền.
Họ không hề buồn, vẫn sống vô tư, vẫn rất vui, vì vẫn luôn được suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, luôn được làm việc với phong cách nghiên cứu khoa học (tôn trọng quy luật khách quan và
tôn trọng sự thật).
Vẫn cách nhìn ấy, vẫn tấm lòng ấy, bây giờ họ lại được trở về sống ngay trong lòng
của thực tiễn kinh tế - xã hội (KT-XH), nên muốn hay không muốn họ vẫn cứ phải nhận thức thực tiễn, vẫn cứ phải đánh giá thực tiễn, cứ như là một phản ứng tâm lý rất tự nhiên, rất thường trực trong mỗi con người của bọn họ.
Bây giờ, xin mời bạn đọc hãy cùng lắng nghe câu chuyện của họ, mà tôi được vinh dự làm nghiệp vụ ghi chép và biên
tập lại.
*
- Này các cậu, không hiểu sao, dù không cố ý, mà lần nào chúng ta bàn
chuyện thế sự, rồi cũng phải đụng đến vấn đề Văn hóa và môi trường văn hóa? Hôm nay chúng ta sẽ trao đổi kỹ hơn về chuyện này, cùng nhìn
nhận lại xem có phải hiện nay ở nước ta Văn hóa cũng
đang là vấn đề nóng trong đời sống KT-XH, nó cũng
đang khủng hoảng như là KT-XH?
- Là điều tự nhiên thôi, vì đó
là lô gích tất yếu của sự phát triển KT-XH trong thực tiễn. Ngay lý luận mà chúng ta học ở trường Đảng hồi xưa cũng đã nói như thế mà. Và lý thuyết mới nhất về Sự phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đề xướng mới đây cũng nói như vậy, và còn nói rõ hơn, mạnh hơn.
- Đúng là chúng ta cần bàn về chủ đề này, rất cần. Tôi thấy thật sự bức xúc!
- Có lẽ trước hết chúng ta nên thống nhất cách hiểu nội hàm của khái niệm văn hoá. Nên chăng, đó là cách hiểu phổ thông mà người dân nào cũng đã tiếp cận và có thể nắm được.
- Ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã từng có rất nhiều định nghĩa về khái niệm văn hoá, tùy theo các góc độ tiếp cận khác nhau.
- Tôi đề nghị chúng ta hiểu theo cách phổ quát nhất như sau: văn hoá là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử phát triển KT-XH.
- Có thể tham khảo thêm định nghĩa của UNESCO đưa ra năm 1970: văn
hoá là tất cả những gì làm cho dân
tộc này khác với dân tộc kia, từ những sản phẩm tinh vi nhất, hiện đại nhất, cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống, phương thức lao động...
- Để hiểu đúng và đủ nội hàm của khái niệm văn hoá ở mức độ phổ thông nhất, không bị ngộ nhận, không bị hiểu sai lệch, qua các định nghĩa đã được đọc, tôi thấy cần lưu ý mấy khía cạnh sau đây về tính chất và đặc trưng của văn hoá:
Thứ nhất, văn hoá là sản phẩm của Con Người, và chỉ có Con Người mới tạo ra được văn hoá và sở hữu nó, con vật thì không thể. Con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể thụ hưởng các giá trị văn hoá.
Thứ hai, văn hoá được tạo ra trong quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên và xã hội, tức văn hoá luôn đi
cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, khi chưa có xã hội loài người thì chưa thể có văn hoá.
Thứ ba, đến lượt nó thì chính văn
hoá lại góp phần tạo ra Con Người, thông qua giáo dục, chính văn hoá
đã biến con người sinh học thành Con Người xã hội, con người thông minh. Nói
cách khác thì văn hoá là một nhu cầu tự thân của con người, luôn tạo ra một sự biến đổi về chất của con người.
Thứ tư, văn hoá phải có tính ổn định tương đối, bảo đảm được một mức độ bền vững nhất định, phải được kiểm chứng qua thời gian, chứ không thể chỉ là thoảng qua.
Thứ năm, văn hoá có tính xã hội cao, phải được cộng đồng xã hội chấp nhận, tự giác đóng góp,
phát huy và gìn giữ.
Thứ sáu, văn hoá vừa có tính chung,
mang những giá trị phổ quát ở tầm vĩ mô (quốc gia, toàn cầu), lại vừa có tính riêng với từng người và từng cộng đồng xã hội, với từng quốc gia (như định nghĩa của UNESCO).
Bởi vậy, văn hoá chính là trình độ phát triển của mỗi người và của mỗi cộng đồng xã hội, mỗi quốc gia. Và do đó mà bản sắc riêng, Bản sắc dân tộc được coi là một nội hàm của khái niệm văn hoá.
Thứ bảy, văn hoá là kết quả của sự sáng tạo của chính con người trong cộng đồng, chứ không phải là thứ vay mượn, sao chép (khác
với tiếp nhận có chọn lọc) hoặc tước đoạt của người khác, cộng đồng khác. Và đó là
những giá trị luôn được đổi mới, bổ sung, tiến bộ hơn, góp phần làm cho nội dung của văn hoá ngày
càng đầy đặn và phong phú. Đi liền theo đó, văn hoá cũng luôn có tính kế thừa hợp lý, không xơ cứng, bảo thủ.
- Xin được nói thêm vào khía cạnh thứ hai: Vì văn hoá được tạo ra trong quá trình con người tương tác với tự nhiên và xã hội, nên văn hoá thường biểu hiện trong các kiểu và các hình thức tổ chức đời sống con người, trong các giá
trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, chủ yếu là trong 3 môi
trường của thực tiễn sau đây: trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trong giao tiếp và ứng xử cộng đồng, và trong tổ chức, quản lý xã hội.
- Xin được minh họa thêm cho khía cạnh thứ ba: Trong ngôn ngữ các nước thì từ văn hoá của tiếng Việt tương ứng với từ culture (tiếng Pháp, tiếng Anh), kultur
(tiếng Đức), ky/lbtypa (tiếng Nga) đều có nghĩa gốc là gieo trồng. Mà đối với con người thì đó là sự gieo trồng tinh thần, tức là sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người, là sự gieo trồng nhân cách, mà
ngày nay chúng ta đều hiểu đó là văn hoá.
Trong tiếng Hán thì từ văn hoá là tổng xưng của hai từ "văn trị" và "
giáo hóa", cũng có ý
nghĩa tương tự như thế. Như vậy có nghĩa là văn
hoá được lưu truyền qua các thế hệ là nhờ giáo dục (giáo dục hiểu theo nghĩa rộng), không có giáo
dục thì cũng không thể có văn hoá.
- Liền mạch với ý kiến trên, do đó tôi
cho rằng trong định nghĩa nêu trên về văn hoá thì có lẽ nên nhấn mạnh đến các giá trị tinh thần, hơn là các giá trị vật chất. Các giá trị vật chất vẫn được coi là văn hoá, đó là văn hoá vật thể, để phân biệt với văn hoá phi vật thể là các giá trị tinh thần. Và, thật ra, xét cho cùng
thì các giá trị vật chất đều luôn sinh ra từ các giá trị tinh thần, luôn hàm chứa các nội dung đạo đức, triết lý, tri thức khoa học, công nghệ...
- Tôi thấy cần phải nói thêm một khía cạnh rất quan trọng trong nội hàm của khái niệm mà hình như chúng ta chưa thật chú ý, liên quan
đến tính mục đích và tính
tích cực của văn hoá, mà ở trên mới chỉ lướt qua. Trong các định nghĩa về khái niệm VH, tôi thấy hầu như người ta luôn luôn dùng từ giá trị để chỉ ra cái "chất" cốt lõi nhất của văn hoá.
Gọi là giá trị tức là muốn nói đến cái có ích cho con người, có lợi cho cộng đồng, thúc đẩy được sự phát triển tiến bộ của thực tiễn.
Còn những cái có hại cho con người, gây tổn thất cho cộng đồng hoặc cản trở sự tiến bộ của thực tiễn đều là phản giá trị, thì không phải là văn hoá,
không thể tạo ra văn hoá, mà chỉ có thể tạo ra phản văn hoá, tạo nên hiện tượng văn hoá suy
thoái. Do đó, nói đến văn hoá thì phải hiểu đó là nhân tố tiến bộ, tốt đẹp trong đời sống KT-XH.
Đã là
văn hoá thì dứt khoát là tốt, là tích cực, là Chân – Thiện – Mỹ. Trong nghiên cứu phạm trù văn hoá và
liên quan đến văn hoá thì chỉ có khái niệm văn hoá và khái niệm phản văn hoá. Không nên hiểu sai nội hàm này của khái niệm, tức là xem trong văn
hoá luôn có 2 mặt đối lập: phần tốt và phần xấu, như với các hiện tượng tự nhiên hay XH khác.
- Vậy thì văn hoá được cấu thành bởi những nhân tố nào (tức nội dung văn hoá)?
- Chắt lọc ra từ sự lý giải của nhiều nhà nghiên cứu thì có thể nói tóm tắt như sau:
+ Nếu phân ra 2 dạng văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể thì:
* Văn hoá vật thể như là nhà cửa, lăng mộ, trang phục, các phương tiện...
* Văn hoá phi vật thể như là ngôn ngữ, tư tưởng, hệ các giá trị...
+ Nếu kể ra cho rõ hơn, không phân dạng như trên thì văn hoá
có thể bao gồm: sản phẩm lao động, tư tưởng, tri thức khoa học, văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng, đạo đức, pháp luật, phong tục....
+ Có một cách hiểu thông thường khác, cũng rất cô đọng: Văn hoá là cách sống (như cách ứng xử, cách ăn, cách ở, cách mặc...). Có lẽ lại cũng chưa đầy đủ và hơi lệch?
+ Và một cách hiểu khác: Văn hoá
ba
o gồm học thức và lối sống. Cách hiểu này đang được nhiều người đồng thuận, tuy có lẽ cũng chưa thật chuẩn.
+ Rồi một cách tiếp cận khác nữa về nội dung của văn hoá là chỉ ra các giá trị trong từng lĩnh vực hoạt động của thực tiễn, cũng như trong các hành vi
của con người, chủ yếu là các giá trị chuẩn mực về khoa học và đạo đức.
Chẳng hạn như: văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ, văn hoá làng xã,
văn hoá nhà trường, văn hoá bệnh viện, văn hoá công sở, văn hoá đường phố, văn hoá giao tiếp, văn hoá ứng xử, văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý, văn hoá kinh doanh, văn hoá giao thông, văn hoá lễ hội, văn hoá ẩm thực, văn hoá đọc... Lĩnh vực hoạt động nào cũng có văn
hoá tương ứng, nghề nào cũng có văn
hoá nghề đó.
+ Thêm một cách hiểu khác có vẻ triết lý: văn hoá là
chính bản thân Con Người, với lập luận rằng cốt lõi của giá trị văn hoá là Con Người, và cốt lõi của Con Người là nhân cách.
Do
vậy, khi nói về xây dựng và phát triển nền văn hoá thì phải coi khâu trung
tâm là xây dựng Con Người.
- Vậy thì cách hiểu nào về nội dung văn hoá là
đúng hoặc gần đúng, có thể tạm chấp nhận?
- Theo tôi thì tùy thuộc vào cách tiếp cận mà vận dụng cách hiểu thích hợp, và có thể kết hợp nhiều cách hiểu cho đầy đủ hơn.
- Trong các nhân tố cấu thành đó thì
nhân tố nào là cốt lõi nhất, bản chất nhất, nghĩa là nếu thiếu vắng nó thì không thể tạo thành văn hoá?
- Đây là một câu hỏi khó. Theo tôi
thì Nhân tố cốt lõi nhất, tinh hoa nhất trong nội dung của văn hoá chính là hệ các giá trị (chủ yếu là các giá trị tinh thần). Đó là hệ các tiêu chuẩn của sự phát triển văn hoá. Sự xác định này có lẽ là đúng đắn hơn vì tính biện chứng, khác với cách hiểu cũ là các tín điều cứng nhắc về văn hoá trong hệ tư tưởng (tuy tư tưởng cũng là một nhân tố của văn hoá).
- Chúng ta có thể chuyển sang phần tiếp theo của nội dung bàn hôm
nay.
*
Phần tiếp là: văn hoá quan
trọng như thế nào đối với con người, và rộng ra là đối với XH, đất nước (tức vai trò của văn hoá)?
- Đối với mỗi Con Người thì phần con người sinh học chỉ được coi như là phần xác, còn văn hoá
chính là phần hồn, giữ vai trò chi phối, điều khiển toàn bộ cuộc sống vật chất và tinh thần của con người đó.
Không có văn hoá thì không thể thành Người theo đúng nghĩa
(tức con người XH, con người thông minh). Về khía cạnh này thì có lẽ văn hoá rất gần với Nhân cách, tuy rằng nội hàm không hoàn toàn tương đồng.
Còn đối với một đất nước thì người ta thường nêu ra 3 trụ cột của sự phát triển, đó là kinh tế, thể chế chính trị và văn hoá, đặc biệt là hai trụ cột then chốt kinh tế và văn hoá, luôn
khăng khít song hành cùng nhau.
Nếu kinh tế tạo ra nền tảng vật chất, thì văn hoá lại luôn giữ vai trò là nền tảng tinh thần của XH, đất nước. Và hơn thế, văn hoá còn là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, luôn định hướng cho một sự phát triển bền vững, có tác động chi phối đối với cả thể chế chinh trị.
Xã hội hiện đại được xây dựng với nền kinh tế tri thức thì văn hoá lại càng thể hiện rõ hơn các vai trò như nêu trên, ở đó văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực.
- Xin nhớ cho một lưu ý quan trọng: văn hoá là một bộ phận quan yếu của thượng tầng kiến trúc, trong khi
đó kinh tế chính là cái "ruột" của hạ tầng cơ sở.
Nhìn nhận vai trò của văn hoá phải dựa vào quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Theo đó thì kinh tế luôn đóng vai trò
quyết định, nhưng văn hoá vẫn luôn có tác động tích cực trở lại.
- Một lĩnh vực hoạt động nào mà vắng bóng văn hoá
thì dứt khoát yếu kém, trì trệ, thậm chí thất bại. Một đất nước mà văn hoá bị tha hóa (toàn diện hoặc bộ phận), chỉ rặt thấy phản văn hoá, thì đất nước ấy sẽ rệu rã dần rồi suy sụp (toàn diện hoặc từng phần, từ từ hoặc nhanh chóng),
nhân dân sẽ không thể có tự do, hạnh phúc.
Không bao
giờ có chuyện văn hoá suy thoái, dù chỉ ở một bộ phận, mà kinh tế vẫn tăng trưởng bền vững, toàn vẹn, ngoạn mục, kể cả ở Mỹ và các nước gọi là tiên tiến nhất (hiểu theo đúng nghĩa phát triển bền vững mà LHQ từng nêu ra, như trong câu chuyện thứ 5 đã kể).
Ngay tại các nước nói trên, do nền văn hoá vẫn không hoàn thiện nên ở đó vẫn luôn tiềm ẩn những ung nhọt, hoặc lớn hoặc nhỏ, cả về mặt kinh tế và xã hội, tồn tại những bất ổn, những nguy cơ và thách thức khó lường và không dễ nhận ra ngay, và càng
không thể hóa giải kịp thời và tận gốc.
- Thế thì nước Việt ta đã có văn hoá
chưa, trước kia như thế nào và bây giờ ra sao? Văn hoá
Việt hiện nay đang ở nấc thang nào của văn hoá nhân loại, nó còn đáng gọi là văn hoá nữa không, và nó sẽ đi về đâu?
- Đây cũng là một câu hỏi khó, chúng ta chỉ xin góp một tiếng nói khiêm nhường, nhỏ nhoi, vì trình độ có hạn, tuy rằng ta vẫn luôn tâm huyết.
- Nước Việt ta đã từng có một nền văn hoá lâu đời, phong phú và vô
cùng rực rỡ. Việt Nam ta đã có được những giá trị văn hoá, cả vật thể và phi vật thể, ở tầm cỡ thế giới, được nhân loại ngưỡng mộ và tôn vinh.
Người nước ngoài đến Việt Nam, nghiên cứu về Việt Nam đều thấy rõ hiện thực đó và muốn chia sẻ với chúng ta, thậm chí "ghen tức" với sự giàu có đó. Họ ra sức khai thác, tìm
hiểu thấu đáo về văn hoá Việt để rút ra bài học thích hợp cho đất nước mình, cùng những bài học chung cho nhân
loại.
- Về mặt nội dung của văn hoá Việt thì rất phong phú, không
thiếu vắng một nhân tố nào. Còn về trình độ phát triển thì chưa cao, rõ nhất là về khoa học và công nghệ (xưa cũng đã thế, so với thế giới). Nhưng tổng hợp lại thì văn hoá Việt ngay từ xưa đã là một nền văn hoá lành mạnh, rực rỡ sắc màu, vừa nhân bản, vừa trí tuệ, có sức lôi cuốn, kết nối mọi người dân một cách lạ kỳ, được bè bạn đồng cảm, thậm chí thức tỉnh được cả kẻ thù.
- Chính nhờ vậy mà văn hoá Việt đã trở thành nền tảng tinh thần của toàn XH, tạo nên sức mạnh nội sinh vô địch để dựng nước và giữ nước. Rõ nhất là trong nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm liên miên và
lâu dài đối với kẻ thù phương Bắc và phương Tây sừng sỏ, tàn ác, gian
manh và hùng mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Không thể lý giải được nguyên nhân đích thực và chủ yếu của các kỳ tích đó, nếu không nhìn từ văn hoá.
- Vậy thì cái gì, nhân tố nào đã tạo nên cái sức mạnh thần kỳ đó, cái cốt cách Việt, riêng khác đó. Cha ông xưa và chúng ta ngày
nay vẫn gọi đó là bản sắc dân tộc của văn hoá Việt (hay là bản sắc văn hoá Việt)!
- Về bản sắc dân tộc của văn hoá Việt thì cũng đang có
nhiều ý kiến bàn thảo khác nhau. Lát nữa chúng ta sẽ quay lại bàn kỹ hơn vấn đề này.
- Xin chuyển sang một phần tiếp theo, có thể là một trọng điểm của nội dung bàn thảo hôm nay, đó là: Nhưng đến bây giờ, tại thời điểm này, sau gần 70 năm Cách mạng tháng 8 thành
công, và nhất là sau gần 30 năm đổi mới thì thực trạng của văn hoá Việt ra sao rồi?
- Có lẽ là buồn và lo nhiều hơn là vui, và vui
làm sao được khi mà chúng ta luôn phải gặp những khoảng trống vắng hoặc những vùng tối về văn hoá trong mọi ngóc ngách của đời sống KT- XH, trên khắp mọi miền của đất nước.
- Chẳng hạn, trước hết chúng ta thử xem mặt tri thức khoa học, trong tốp đầu của nội dung văn hoá.
Về mặt này chúng ta đang thua xa thế giới: mặt bằng trình độ thấp, rất ít công trình
khoa học, ít nhà khoa học có tầm cỡ, chưa có trường đại học chất lượng cao, chất lượng GD&ĐT ở tất cả các bậc/cấp học còn một khoảng cách khá dài
so với các nước. Nhưng cái điều cốt lõi đáng nói và đáng lo nhất là: toàn hệ thống GD&ĐT – nơi đào tạo ra nguồn nhân lực và sản sinh ra tri thức khoa học và công nghệ đang thực sự khủng hoảng trầm trọng.
Ở đó đang ngự trị một triết lý giáo dục phản văn hoá, nên đã gây ra một sự bế tắc trong định hướng phát triển. Đó là triết lý GD ứng thí, học để thi chứ không phải học để biết, học để biết nặng hơn học để làm, học chữ là chính chứ không phải học làm người, học để kiếm tri thức chứ không phải để hình thành năng
lực...
Bên cạnh đó, xu hướng thương mại hóa nặng nề, bẩn thỉu và nhơ nhớp cũng đang là một định hướng thiển cận và vụ lợi. Một mặt tạo ra các sản phẩm giả, rởm, kém chất lượng, một mặt làm tăng thêm bất công XH trong
lĩnh vực GD&ĐT. Đó thực sự là một xu hướng phát triển phản văn hoá! Vì vậy đã có người nhận xét rằng ở Việt Nam chưa có văn hoá nhà
trường, chưa có văn hoá đào tạo đích thực và chuẩn mực.
- Chính tình trạng yếu kém này về khoa học và công nghệ đã kéo theo sự trì trệ và không ổn định trong tăng trưởng kinh tế. Bởi hệ quả trực tiếp là năng suất lao động không tăng, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm của nền kinh tế rất thấp, hàng hóa khó cạnh tranh, nền kinh tế chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, xuất khẩu sản phẩm thô. Do đó mà cơ cấu và trình độ công nghệ của nền kinh tế vẫn lạc hậu kéo dài so với các nước. Nền kinh tế chưa tạo ra được những sản phẩm, những công trình đáng
gọi là giá trị văn hoá vật thể mang thương hiệuViệt Nam.
- Chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ: cà phê Việt ngon nổi tiếng cả thế giới, nhưng đa phần chỉ xuất sản phẩm thô, với giá khoảng hơn 1 USD/kg. Nước ngoài nhập cà phê Việt, họ gia công chế biến bằng công nghệ tiên tiến, đưa vào đấy một hàm lượng trí tuệ đáng kể, nên khi bán ra
thị trường cho đến bàn uống của khách thì giá đã lên đến 600 USD/kg! Trớ trêu và thẹn cho người Việt là cà phê đó không còn mang nhãn hiệu "made in
Viet Nam" nữa rồi! Đúng là thiệt đơn, thiệt kép!
- Tôi cũng đã nghe chuyện này ở đâu đó rồi thì phải (con số thì có khác), mà
không chỉ với cà phê, rất nhiều sản phẩm hàng hóa Việt khác đều có số phận như thế. Nghĩa là văn hoá Việt chưa tác động được đến lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, rộng ra là trận địa kinh tế! Đó là chưa kể đến các khía cạnh khác nữa, cũng rất quan trọng, của văn hoá kinh
doanh.
- Về một không gian rất lớn khác và cũng rất đặc trưng của văn hoá, đó là đạo đức và lối sống. Và liên quan đến, chi phối trực tiếp đến lối sống lại chính là hệ các giá trị.
- Lối sống thường được hiểu là những biểu hiện trực tiếp và phổ biến của văn hoá. Nói đến lối sống thì ngoài những quan niệm về đạo đức, đạo lý... là phải đề cập đến cách thức lao động, làm ăn, kinh
doanh, đến cách ăn, mặc, ở, đi lại, tiêu dùng, giao tiếp, ứng xử... đến phong tục, tập quán...
- Lối sống của dân Việt bây giờ khác xưa lắm rồi, khác đến ngỡ ngàng. Khác lắm không phải vì có nhiều nét mới, hay và đẹp, mà chủ yếu là vì có quá nhiều cái dở, cái xấu! Và suy đến cùng thì, chính
sự thay đổi hệ các giá trị văn hoá đã thúc đẩy sự tha hóa của lối sống hiện nay.
- Lối sống bây giờ đang đứng trước nhiều lối rẽ, mà phổ biến nhất, nguy hại nhất là lối sống cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, vị kỷ, coi tiền là tối thượng... Là lối sống thực dụng, hưởng lạc, buông thả, thác loạn... là lối sống vô cảm, mặc kệ đời... là lối sống cơ hội, vụ lợi, tham lam. Lối sống ấy đang gây ra không biết bao nhiêu là
thảm cảnh đau lòng, từ trong các gia đình cho ra đến toàn cộng đồng XH, gây tổn thất từ việc nhà cho đến việc nước!
- Và có điều lạ là các cấp lãnh đạo đều có vẻ bình thản trước thực trạng đó! Chắc vì họ cho rằng đó là chuyện tất yếu, sốt ruột cũng không được, hoặc họ tin rằng họ sẽ có "phép
màu" để diệt trừ được?
- Tương lai của lớp trẻ sẽ ra sao, vận mệnh của đất nước sẽ thế nào trước bi kịch này về văn hoá thì chưa ai dám khẳng định trước. Nhưng có điều chắc chắn là giới quan chức cũng đang là
chủ thể của các lối sống phi nhân đó.
- Đó là do bối cảnh mới mang đến một cách tự nhiên thôi mà: nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
- Nhưng cái bối cảnh ấy đâu có phải là khách quan,
mà là chủ quan đấy chứ. Bởi chính chúng ta,
trước hết là Đảng lãnh đạo, đã chủ động tìm ra mô hình kinh tế thị trường để đi theo, rồi chủ động hội nhập quốc tế để phát triển.
Thế nhưng quyết tâm ấy lại không đi liền và đi cùng với một sự chuẩn bị chu đáo và khoa học về tư duy mới, về nguồn lực mới, về kế sách mới. Do vậy mà chúng ta liên
tục bị động, triền miên phải đối phó mà cũng không thể thích ứng kịp và đúng. Giải pháp của chúng ta thì chống là chính,
"chữa cháy" là chính, chứ không biết cách phòng từ xa có hiệu quả.
- Không phải chỉ có lối sống, mà toàn bộ các giá trị văn hoá, toàn bộ đời sống văn hoá ở nước ta đều đang có xu hướng tha hóa, biến tướng, đang gây ra
một hội chứng tha hóa toàn diện: ngoại hóa, lai căng
hóa, ngu dân hóa, thương mại hóa, và lại còn thêm cả chính trị hóa nữa!
Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự sa sút, suy sụp đó!
- Thử điểm lại mà xem, những gì chúng ta tiếp nhận được từ bối cảnh mới thì đúng là
"lợi bất cập hại", những giá trị văn hoá đích thực mới thì ít hơn rất nhiều so với những phản văn hoá. Một mặt, các giá trị văn hoá dân tộc truyền thống bị biến dạng đến kỳ quái, bị tha hóa đến tệ hại, một mặt các giá trị văn hoá ngoại lai không thể hòa quyện được với văn hoá bản địa, gây ra một sự lai căng kệch cỡm, đến mức phản cảm, đối nghịch, và trở thành phản văn hoá đối với đông đảo người dân. Trong khi
đó thì các giá trị văn hoá mới, tiến bộ, tương thích với bối cảnh phát triển “KT thị trường định hướng XHCN” và hội nhập quốc tế, thì chưa thấy hiện diện trong đời sống văn hoá của cộng đồng ! Đúng là soi đuốc đi tìm cũng
không hề thấy, dù chỉ là mầm mống!
Thực trạng là chúng ta đã
và đang bị khủng hoảng, bị rối loạn về văn hoá, không kiểm soát được sự tha hóa văn hoá,
không kiểm soát được tác động của văn hoá đối với đời sống KT-XH, không kiểm soát được các hoạt động văn hoá theo hướng có lợi cho sự hưởng thụ lành mạnh của người dân.
- Có người rất lo lắng và cho rằng tình trạng bùng phát đến mức không kiểm soát được với các tệ nạn XH là tiêu điểm, là cao trào của sự suy thoái văn
hoá. Đúng là những chuyện náo loạn, tùm lum, ồn ào về cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, lừa đảo, cưỡng bức, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực đường phố...
càng ngày càng nhiều và trắng trợn, tàn bạo, gây ra những điểm nóng trong đời sống cộng đồng. Nhưng thật ra thì đó chỉ là bề nổi của hiện tượng khủng hoảng toàn diện về văn hoá, mới chỉ là sự tha hóa đối với những giá trị văn hoá thứ yếu, nhỏ, vặt, thuộc phạm trù hành vi cá
nhân, chưa là gì so với những tha hóa động trời khác.
Tảng băng chìm của các vi phạm cực kỳ nghiêm trọng đối với những giá trị văn hoá cốt lõi, gốc rễ còn nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn, xấu xa hơn gấp nhiều lần, cả về số lượng lẫn mức độ tác hại tàn phá.
Tảng băng chìm này
đang ẩn chứa nhiều ung nhọt kỳ quái và khó
chữa hơn nhiều, gây ra những nỗi đau tinh thần dai dẳng và cay đắng, ê chề hơn nhiều, để lại những vết hằn sẹo không thể hàn vá đối với toàn XH. Những vi phạm ấy nghiêm trọng đến mức đã cấu thành tội phạm, thành tội ác đối với nhân dân và đất nước, mà pháp luật nếu nghiêm minh sẽ không dung tha, và lịch sử dân tộc sẽ phán xét rạch ròi!
- Ngay cả trong lĩnh vực đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lễ hội thì cũng đầy rẫy những chuyện phản văn hoá đến mức khó coi, khó chấp nhận ngay với người dân bình thường, và thậm chí phải xấu hổ trước bạn bè nước ngoài!
Có rất nhiều biểu hiện phản văn hoá trong lĩnh vực này, trong đó điều đáng lo và cần cảnh báo là xu hướng "ngu dân hóa", đưa hoạt động này đến gần với sự u mê, nhảm nhí, cuồng tín, không dựa trên cơ sở tri thức khoa học. Và bao trùm lên
tất cả là xu hướng thương mại hóa để vụ lợi.
Xu hướng này đang được ngụy trang dưới cái áo "xã
hội hóa", nó đang trực tiếp chi phối, tác quái lĩnh vực này. Vừa thiếu tri thức, thiếu một tầm nhìn, vừa thiếu một tấm lòng tri ân tiên tổ, tôn trọng di sản, tôn trọng cộng đồng, mà chỉ khư khư một mục tiêu kiếm tiền! Đã có người gọi đây là hiện tượng tha hóa tín ngưỡng, tha hóa lễ hội, mà có lẽ chỉ mới thấy ở Việt Nam hiện nay.
- Tôi muốn nêu lên một thực trạng khác trong các
biểu hiện của văn hoá suy
thoái ở một lĩnh vực quan trọng nhất – chính trị, mà nhiều người cho rằng đây mới đúng là nguyên
nhân của mọi sự tha hóa văn hoá. Đó là văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý. Đánh giá
đúng sự thật thì ở xứ Việt của ta chưa có văn hoá lãnh
đạo cũng như văn hoá quản lý theo đúng nghĩa (Chính trị ở đây xin được hiểu theo nghĩa hẹp là sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền và sự quản lý của Nhà nước).
- Người ta vẫn nói: văn hoá
phải phục vụ (kinh tế và) chính trị, văn hoá phải thấm sâu vào (kinh
tế và) chính trị, văn hoá soi đường cho (kinh tế và) chính trị... Hiểu nôm na là
(phát triển kinh tế và) hoạt động chính trị phải theo các chuẩn giá trị văn hoá. Đó phải là một nền chính trị nhân bản, vì con người. Đó phải là một nền chính trị tiến bộ, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới văn minh. Cụ thể hơn, nền chính trị ấy phải phục vụ trung thành cho
lợi ích của nhân dân, bảo vệ được lợi ích của đất nước, bảo đảm quyền con người, thực thi dân chủ với nhân dân, bảo đảm sự quản lý khoa học, hiệu quả, minh bạch, không độc đoán chuyên quyền, không tham
nhũng, phải thúc đẩy được sự phát triển tiến bộ của đất nước. Thể chế chính trị ấy phải được tổ chức theo mô hình một nhà nước pháp quyền, trên nền tảng một XH dân sự và một nền KT thị trường đích thực, văn minh.
- Để bảo đảm được những yêu cầu đó thì các
quan chức lãnh đạo và quản lý phải được lựa chọn nghiêm ngặt theo các tiêu
chí của các giá trị văn hoá, thông qua bầu cử thật sự dân chủ. Những quan chức đó phải là những người sở hữu được các giá trị văn hoá phổ quát như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí,
Dũng, Liêm, Khiêm, và còn phải có thêm các
giá trị cao hơn một mức nữa, như Tâm đẹp, Tầm xa, Tuệ sáng, Tài cao,
Trách nhiệm, Một lòng vì dân vì
nước, Có trình độ của văn hoá toàn cầu. Nhưng nổi bật lên, chói sáng
nhất và cốt lõi nhất phải là lòng Yêu Nước và Thương Dân – thật tâm và đến cháy bỏng!
- Đối chiếu với những yêu cầu nêu trên đối với thể chế và đối với cá nhân quan chức thì rõ ràng là
chúng ta chưa có được thể chế ưu việt đó, và cũng chưa có được các chính trị gia và hệ thống quan chức mẫu mực đó. Nói cách khác, chúng ta chưa có được văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý để đáp ứng đúng các yêu cầu của chức năng chèo lái đất nước, dẫn dắt nhân dân trong lộ trình đổi mới, mà trước mắt là vượt qua được khủng hoảng KT-XH, giữ yên được bờ cõi, chống lại sự xâm lăng văn hoá
cùng các mặt khác, cả giấu mặt và công khai của kẻ thù.
- Tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền cũng đã được Đảng thừa nhận công khai trong NQ TW4, được tai mắt nhân dân phát hiện và được giới nghiên cứu minh họa thêm về mức độ. Theo nhiều khảo sát mini của một số nhóm nghiên cứu độc lập về XH học, và số liệu của các Ban nội chính (không
công bố công khai) thì đa phần giới quan chức từ cấp trưởng phòng (và phó trưởng phòng nữa) trở lên, và hầu hết cán bộ, nhân viên nhà
nước có liên quan đến tiền bạc đều có thu nhập ngoài lương, mức thấp nhất là gần bằng lương, mức cao nhất là rất khủng hoặc vô hạn.
Nguồn thu nhập không chính danh này chủ yếu là từ tham nhũng (đừng coi thường tham nhũng vặt), hối lộ, chia chác các
"phi vụ".
Cũng theo các khảo sát mini đó thì
các loại vi phạm về đạo đức và lối sống nhan nhản và đầy ắp, không sao thống kê hết, nhưng vẫn được coi đó là những "chuyện nhỏ như con thỏ", là những "chuyện thường ngày ở huyện"! Mà những "gương sáng" nổi cộm về mặt này đa phần đều là quan chức có tầm cỡ.
Và tổng hợp lại thì tỷ lệ quan chức hư hỏng về đạo đức và lối sống cao đến bất ngờ, không phải chỉ như giải thích của cán bộ tuyên giáo (nhỏ thôi mà!).
- Đảng lãnh đạo ngày nay đâu còn
được coi là biểu tượng của văn hoá ở tầm cao nhất: "là Đạo đức, là Trí tuệ, là Văn minh...
là con nòi của dân tộc..."?!
Những khoảng trống vắng và những vùng tối về văn hoá mà chúng
ta đã gặp trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, thì trước hết chúng lại đang hiện diện ở ngay tại các cấp lãnh đạo và quản lý, kể từ cấp cao nhất, ngay trong việc thực thi chức năng phục vụ nhân dân. Chính sự suy thoái văn hoá đó đã nêu gương và lập tức gây ra các hiệu ứng dây chuyền, tan tỏa xuống dưới, mở rộng ra toàn bộ đời sống KT-XH.
- Các thứ văn hoá bộ phận, " văn hoá
con" (từ văn hoá gia đình, văn hoá làng xã, đến văn hoá công sở, văn hoá kinh
doanh, văn hoá nhà trường, văn hoá ứng xử, văn hoá lễ hội, văn hoá ăn, văn
hoá đọc... như đã nêu ở phần trên) đều nằm trong vùng
"phủ sóng" của cái thứ văn hoá đầy quyền lực ở trung tâm, cứ theo đó mà biến chất, mà băng hoại đến mức tự triệt tiêu dần hoặc trở thành phản văn hoá, hình
thành một trở lực rất lớn, vô hình nhưng khủng khiếp, đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Và thêm nữa, có lẽ không đâu như ở Việt Nam, lại nảy nòi ra một thứ văn hoá bệnh hoạn lạ đời là "văn hoá phong bì" (theo kiểu Việt Nam).
Cái bệnh dịch này đang hiện diện ở mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống XH, từ việc đời bình thường cho đến việc "đạo" linh
thiêng, việc nước "đại sự", từ chuyện làm ăn đến chuyện học hành, tuyển dụng, từ lĩnh vực dân sự đến lĩnh vực hình sự, từ những không gian bình
thường, dân dã cho đến những chốn được coi là tôn
nghiêm, sạch sẽ! Rồi chính " văn hoá phong bì" lại trở thành một tác nhân mới tiếp tục tha hóa các giá
trị văn hoá.
- Điều nhức nhối nhất và là điểm khởi phát ban đầu, là nguyên nhân
sâu xa nhất, chính từ cái lô gích của mô hình phát triển đất nước hiện nay dưới sự điều hành, quản lý của giới quan chức cầm quyền.
Đó là lô gích mà chúng ta nhận diện được từ thực tiễn, chứ không phải lô gích thành văn trong Nghị quyết: Vì lợi nhuận, vì lợi ích nhóm và cá
nhân, chứ không phải vì Con Người, vì Nhân dân! Người ta không thật sự hiểu và cũng không muốn hiểu cái lô gích của Sự phát triển bền vững mà LHQ đề xướng và Nghị quyết Đảng cũng không thể từ chối ghi lại.
Nhưng với cái
"phông" văn hoá lãnh đạo và quản lý như hiện nay, vừa cạn, vừa thô, vừa mờ, vừa phản văn hoá,... thì
làm sao mà hiện thực hóa được đòi hỏi của sự phát triển bền vững đó? Hành động lâu nay của họ đều là trực tiếp hoặc gián tiếp chung tay phá vỡ sự phát triển bền vững, phá từ ngay trong việc chuẩn bị các điều kiện tiền đề.
- Bây giờ, tôi đề nghị chúng ta nên bàn
thêm để có thể tìm ra được, chí ít là một vài kiến giải đúng đắn và hiệu quả, khả thi trong việc cứu vãn sự tha hóa này của văn hoá, ngõ hầu đóng góp được điều gì đó có ích cho cộng đồng.
- Tôi cho rằng phải bắt đầu từ cái vùng trọng điểm đang mang bệnh, đó là văn hoá lãnh đạo và văn hoá quản lý, cái văn hoá đang có uy quyền rất lớn, chi phối toàn bộ hệ thống các văn hoá bộ phận.
- Nhưng chúng ta phải dựa vào một phương hướng chuẩn nào đó chứ? Không thể bàn lan man được !
- Có rồi đấy, chính ĐCSVN đã
đưa ra chủ trương rất hoành tráng ngay
từ Hội nghị TW5 khóa VIII về " Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", và Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI cũng đã
khẳng định lại.
- Ngay việc đưa ra chủ trương này đã là một sự khẳng định rằng Việt Nam ta chưa có một nền văn hoá đích thực đúng nghĩa, bây
giờ phải xây dựng nó, hoàn thiện nó theo hai yêu
cầu cơ bản là tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
- Điều đó cũng có nghĩa là nền văn hoá Việt Nam trước Nghị quyết 5, nếu đã có, là chưa đạt được tính chất tiên tiến, và cũng chưa có được đặc trưng của bản sắc dân tộc.
- Yêu cầu phải có tính chất tiên tiến là một đòi hỏi cao, quá sức đấy. Bởi đã là tiên tiên thì phải ở vị trí hàng đầu, vượt hẳn trình độ phát triển chung. Mà coi như ta chưa có điểm khởi đầu thì làm sao mà
lên ngay tiên tiến được? Còn vấn đề nữa là so với mặt bằng chung nào đây?
- Chưa có nền văn hoá đích thực thì trước hết là phấn đấu để có nền văn hoá đích thực đã. Bước tiếp theo mới đến việc nâng trình độ lên mức tiên tiến.
- Mà là tiên tiến toàn diện hay mới chỉ hướng vào một số giá trị văn hoá cốt lõi nào đó trước đã?
- Còn về đặc trưng bản sắc dân tộc thì trước hết cần làm rõ nội dung của bản sắc dân tộc Việt Nam là gì?
- Về bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam đã có rất nhiều kiến giải của các nhà nghiên cứu, tôi xin thử nêu lại 4 cách tiếp cận để các bạn tham khảo:
* Học giả Đào Duy Anh nêu
ra 7 đặc trưng là: Trí nhớ tốt, nhưng thiên về trực giác. Ham học, thích văn chương. Thiết thực, ít mộng tưởng. Cần cù ở mức cao, ít dân tộc sánh kịp. Giỏi chịu đựng, tức nhẫn nhịn. Chuộng hòa bình, biết hy sinh vì đại nghĩa. Có khả năng thích ứng tốt, biết dung hòa.
* GS Trần Văn Giàu cũng nêu ra 7 đặc trưng: Yêu nước. Cần cù. Anh hùng.
Sáng tạo. Lạc quan. Thương người. Vì nghĩa.
* Tướng Trần Độ chỉ nêu 3 đặc trưng mà ông cho là cốt lõi nhất, vừa là cội nguồn, vừa là hạt nhân trong cả hệ giá trị văn hoá Việt: Tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí kiên cường, anh hùng, bất khuất. Tính cách và
tâm hồn bình dị. Sống tình nghĩa trong quan hệ với mọi người.
* NQ TW5 khóa VIII nêu ra 5 đặc trưng: Lòng yêu nước, tự cường dân tộc. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng. Lòng nhân ái,
khoan dung, nghĩa tình, đạo lý. Cần cù, sáng tạo trong lao động. Ứng xử tinh tế, giản dị trong lối sống.
- Từ các cách tiếp cận trên, chúng ta hãy chọn lọc ra một số giá trị thật là đặc trưng để tạo nên một nhóm giá trị bản sắc dân tộc của văn hoá Việt. Tôi nghiêng về quan điểm chọn của Tướng Trần Độ: số lượng ít thôi, nhưng phải là những giá trị cốt lõi nhất, vừa là cội nguồn, vừa là hạt nhân trong toàn
bộ hệ giá trị văn hoá Việt. Còn chọn giá trị nào thì phải cân nhắc lại, cả 4 phương án tôi thấy đều chưa ổn. Và nên luôn nhớ: giá trị bản sắc văn hoá cũng có tính lịch sử, không phải là giá trị vĩnh hằng, không thể bất biến trước tác động của bối cảnh KT-XH luôn phát
triển.
- Vẫn còn nhiều khía cạnh của vấn đề chưa được làm rõ đâu, phải tiếp tục tìm hiểu và trao đổi thêm, phải chuẩn bị chu đáo thì mới có thể triển khai được chủ trương lớn này một cách hiệu quả.
- Tuy nhiên cũng cần phải nói ngay điều này: đừng quá cường điệu vị thế của bản sắc văn hoá dân tộc, vì trong bối cảnh toàn cầu hóa thì giá trị cốt lõi của văn hoá từng dân tộc cũng không thể khác xa giá trị cốt lõi phổ quát của văn hoá nhân loại, càng không thể khác đến mức dị biệt như là đối nghịch, phải loại trừ nhau.
- Nhưng có lẽ cần có một sự nhận diện lại một cách tổng thể về thực trạng của nền VH, từ những lý giải đã nêu khá nhiều ở trên.
- Chúng ta có thể thẳng thắn nhận định rằng: sự khủng hoảng văn hoá của chúng ta là toàn diện và đang ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm.
Toàn diện vì hầu như tất cả các giá trị văn hoá đều bị tha hóa, từ giá trị cốt lõi nhất cho đến các giá trị phụ trợ, giá trị nhánh. Toàn diện vì không có văn hoá bộ phận nào ở các lĩnh vực không bị tha hóa, không có văn hoá ngành, nghề nào không bị tha hóa.
Toàn diện vì ở vùng nào cũng có, cấp nào cũng có hiện tượng văn hoá bị tha hóa. Mức độ đã leo thang đến ngưỡng cực kỳ nguy hiểm vì sức tàn phá của sự tha hóa đó cũng rất toàn diện và rất căn bản. Sức tàn phá ấy đã trở thành một lực cản rất lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Nó đang kìm hãm kinh tế, kéo kinh tế xuống đáy mà chưa leo lên được. Nó đã thành
công trong việc tha hóa nền chính trị, tha hóa Đảng. Nó đang gây ra
sự rối loạn XH trên nhiều phương diện.
Nó đang đe dọa sự tồn vong của đất nước trước suy thoái kinh tế – tài chính và
nguy cơ xâm lược của kẻ thù.
- Toàn XH phải có quyết tâm cứu cho được nền văn hoá trước nguy cơ bị tha hóa đến cùng, và có thể bị đồng hóa, bị hòa tan, bị xóa sạch. Và phải bằng hành động, thiết thực là tổ chức thực hiện chủ trương trên (tức NQTW5)!
- Nhưng trước mắt, khi chưa làm được gì nhiều cho chủ trương, thì hãy cố mà ngăn chặn cho được hai thói xấu phản văn hoá: sự gian dối và lòng tham! Chính chúng là kẻ thù ẩn tàng nhưng lại ở ngay sát nách từng người chúng ta, đe dọa trực tiếp sự trọn vẹn và lành mạnh của văn hoá Việt, hàng ngày hàng giờ đang gặm dần và sẵn sàng xé nát hoặc nuốt chửng các giá trị văn hoá Việt. Lại cũng cần nhấn mạnh: phải chống từ trên xuống, ở trên chống tốt thì sẽ mang lại hiệu quả dây chuyền ra đại trà cả nước.
- Từ những phân tích vừa nêu, chúng ta thấy rõ là tính khả thi của chủ trương trên là rất thấp, vì có quá nhiều khó khăn khách
quan, và nhất là chủ quan.
Riêng về mặt chủ quan, tôi cho rằng cái trở lực lớn nhất lại đang nằm ở cấp đẻ ra chủ trương, chứ không phải ai khác, không
có thế lực thù địch nào cả, và nếu có thì cũng
không ngăn cản được chúng ta làm việc này. Cái khó khăn chủ quan là chính những người lãnh đạo lại là thủ phạm giấu mặt nguy hiểm nhất gây ra sự tha hóa VH, ở ngay cái khâu
"nhạy cảm" nhất.
Thế nên họ không thể có quyết tâm chính trị cao trong việc triển khai chủ trương, không thật lòng muốn chủ trương thành công.
Minh chứng cho nhận định này là: Việc triển khai NQ TW4 đã
thất bại (không chỉnh đốn được Đảng), việc chống tham nhũng đang
bế tắc (càng nói chống thì tham nhũng càng tăng), việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM về thực chất chỉ là một trò chơi chính trị (hoàn toàn là
hình thức, giả tạo, lừa dối dân và tự lừa dối mình). Đúng là
trớ trêu!
- Một điều khó nữa là: cả hai đòi hỏi (tiên tiến, đậm đà bản sắc) đều là quá cao và khó làm so với trình độ "thi
công" của các cấp, lại phải thực hiện đồng thời.
- Cho nên có người đã nêu ra câu hỏi: Đến năm nào, đến thập niên nào của thế kỷ XXI thì mới hiện thực hóa được chủ trương trên, để dân Việt ta được nhìn thấy sự hiện diện và được thụ hưởng một nền văn hoá Việt Nam đích thực tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc? Đến khi nào thì văn
hoá Việt mới thực hiện được đúng vai trò của mình (nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực phát triển) đối với sự phát triển bền vững của đất nước? Và trong thời gian chờ đợi tương đối lâu dài đó thì văn hoá Việt sẽ đi về đâu?
- Đây lại là một câu hỏi kép quá khó!
Không biết ai có thể trả lời đúng được cho dân biết? Chắc rằng lịch sử Việt Nam sẽ không quên ghi lại hiện tượng suy thoái đặc biệt này và thời khắc lịch sử đầy khó khăn này!
- Thôi nhé, chúng ta trao đổi đã dài, xin tạm dừng ở đây. Biết là chúng ta chưa thỏa mãn về nhận thức, còn nhiều vấn đề rất liên quan mà chưa nói được. Cũng là để kết thúc, thay mặt anh em tôi xin
chân thành cảm ơn cựu phóng viên – nhà báo HO, đã đến dự và có nhiều đóng góp bổ ích.
- Tôi đề nghị ngay: buổi trao đổi tiếp theo sẽ bàn về 2 nội dung có liên
quan rất mật thiết tới chủ đề văn hoá Việt, đó là Con Người Việt Nam và Giáo dục Việt Nam. Xin đề nghị với anh em, chúng ta
lại mời chị H.O tiếp tục đến dự với chúng ta!
*
Đôi lời nói thêm của người ghi lại buổi thảo luận
Ấn tượng của tôi sau buổi làm việc rất tốt, trong nghiệp làm báo tôi ít gặp được cơ hội như thế: trí tuệ, tâm huyết và đương nhiên là rất văn hoá. Tôi thực sự kính nể các anh vì các
anh đang sở hữu và đã thể hiện những giá trị văn hoá sáng giá nhất của văn hoá Việt: vẫn một tấm lòng vì cộng đồng, vẫn một tầm nhìn xa, vẫn một cái nền tri thức rộng và chắc, vẫn một cách nhìn trung
thực và khoa học. Thực sự là tôi đã học được ở các anh nhiều bài học về giá trị văn hoá. Tôi mới là người phải cảm ơn các anh nhiều hơn!
Và, cái dư âm của cuộc bàn thảo này sẽ còn lại mãi trong tôi,
có lẽ là lời cảnh báo mà ai đó đã nhắc đến trong khi thảo luận, đại ý: Mất Văn hoá là mất Tất cả! Xin chân thành cảm ơn các bạn!
Tháng 5 năm 2014
H.O.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching