X

Tuesday, March 18, 2014

Crimea Bài Học Cho Người Việt Nam

Crimea Bài Học Cho Người Việt Nam
Lý Thái Hùng
Hôm nay 16 tháng 3 năm 2014, người dân tại vùng tự trị Crimea đi bỏ phiếu trong “cuộc trưng cầu dân ý” về việc nên hay không nên sát nhập vào lãnh thổ của Nga. Đây là cuộc bỏ phiếu được dàn dựng bởi chính quyền Mạc Tư Khoa nhằm đặt chính quyền Ukraine và Tây phương vào chuyện đã rồi sau khi Tổng thống Putin đưa 6 ngàn quân vào chiếm đóng Crimea vào đầu tháng 3 vừa qua.

Không chờ đến kết quả kiểm phiếu, người ta đã thấy rõ là đa số đồng ý để Crimea thuộc về Nga vì có đến 58% dân Nga đang sống tại vùng tự trị này. Nếu dựa theo hiến pháp Ukraine thì đây là cuộc trưng cầu dân ý hoàn toàn bất hợp pháp vì chưa được phép của quốc hội Ukraine. Thế nhưng Tổng thống Putin đã hậu thuẫn cho vùng tự trị Crimea xé rào vì cho là quốc hội Ukraine đã vi hiến khi bỏ phiếu truất phế Tổng thống thân Nga Yunakovych.

Cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea cho chúng ta liên tưởng đến Hoàng sa và Trường sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc đang biến hai quần đảo này không chỉ là khu quân sự mà còn di dân từ Hoa Lục đến sinh sống để biến thành khu đô thị trong lâu dài. Nếu như Việt Nam không có bất cứ biện pháp nào mạnh mẽ để đòi Bắc Kinh chấm dứt các hành động xâm lược này, với thời gian Hoàng sa và Trường sa sẽ không khác gì Crimea.

Với thời gian, dân Trung Quốc sống đầy trên hai quần đảo này và để đặt Việt Nam cũng như Quốc tế vào thế đã rồi, Bắc Kinh sẽ chơi trò ma giáo cho bỏ phiếu “trưng cầu dân ý” để đa số xin... sát nhập vào Hoa Lục như Crimea hiện nay.

Điều nguy hiểm kế tiếp là khi Hoàng sa và Trường sa chính thức là lãnh thổ của Hoa Lục, Bắc Kinh sẽ dùng Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc để công bố chủ quyền trên Biển Đông mà không cần phải dùng tới đường lưỡi bò chín khúc đang gặp rắc rối hiện nay.

Nhìn thấy rõ viễn cảnh đen tối về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa như vậy, không lý gì người Việt Nam cứ an phận mãi hay sao?


Nga thoái trào

Zachary Keck - thediplomat.com
Hoàng Thuyên tóm lược 
Đừng bị lừa bởi mã ngoài của Putin; các cột trụ quyền lực của Nga đang trên đà xuống dốc

Gần đây nhìn đâu người ta cũng thấy sự trỗi dậy của Nga. Mặc dầu Vladimir Putin cất công xây dựng hình ảnh này, nó chỉ là ảo ảnh. Nga sẽ thoái trào trên đường dài và các động thái ngắn hạn không đủ để bù đắp cho sự thoái trào này.

Quyền lực của Nga dựa vào bốn cột trụ chính: dân số, năng lượng, vũ khí, địa dư. Ba trong bốn cột trụ này đang trên đà thu hẹp.

Cột sống quyền lực nước Nga đương đại là lượng dân số to lớn. Điều này được minh họa rõ nhất trong Thế Chiến Thứ Hai. Nga dĩ nhiên là đóng vai trò lớn trong việc ngăn chận đà tiến của phát-xít Đức. Tuy nhiên Stalin đã bại quân đội Đức chẳng phải nhờ tài chiến lược hay chiến thuật gì cả, mà hầu như nhờ vào sự sẵn sàng hy sinh nhân mạng. Theo ước lượng, Sô Viết có khoảng 22 đến 28 triệu người chết trong Thế Chiến Thứ Hai. Hoa Kỳ và Anh có khoảng nửa triệu người chết. Đức có vào khoảng 7 đến 9 triệu người chết. Thế mà trong nửa thế kỷ sau Đệ Nhị thế chiến Sô Viết vẫn là một mối đe dọa lớn cho khối Tây Âu giàu mạnh vì có một đội quân đông đảo.

Nhưng đến nay, cũng như số phận của các quốc gia Âu châu khác, dân số Nga giảm dần. So sánh sau đây sẽ cho thấy rõ: trong mười sáu năm chót của thời đại cộng sản Sô Viết, số lượng sinh đẻ cao hơn số người qua đời là 11.4 triệu, nhưng trong mười sáu năm hậu-Sô Viết, số người qua đời nhiều hơn số sinh đẻ là 12.4 triệu. Trừ khi Nga lật ngược xu hướng giảm dân, dân số thấp trong tương lai sẽ không tạo tầm ảnh hưởng cho Nga trên chính trường thế giới.

Một cột trụ quyền lực khác của Nga là nguồn năng lượng dự trữ khổng lồ. Giá dầu cao trong thập niên 70 đã giúp Sô Viết có điều kiện biểu diễn sức lực đối với bên ngoài. Nhưng với giá dầu ổn định trong thập niên 80 đã khiến cho Sô Viết không đủ tiền để nuôi dưỡng một đế quốc rửa nát và rồi dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và khối cộng sản Đông Âu. Cái gọi là sự trỗi dậy của Nga mà Putin đang hưởng cũng chỉ nhờ vào giá dầu cao. Rồi cũng như nhóm lãnh tụ Sô Viết trước đó, Putin phung phí nguồn tài nguyên dựa vào giá năng lượng cao thay vì đầu tư vào đất nước và người dân.

Trong năm 2012, dầu và khí đốt chiếm 70% tổng số lượng xuất cảng. Thâu nhập từ dầu và khí đốt chiếm phân nửa của ngân sách quốc gia. Mô hình kinh tế lệ thuộc vào dầu và khí đốt này chỉ bền vững ngày nào giá năng lượng vẫn còn cao. Nhưng trong tương lai, giá năng lượng sẽ giảm vì mức độ hiệu năng sử dụng năng lượng của Tây phương sẽ tăng, tốc độ phát triển của phương Đông chậm lại, tổng số năng lượng cung cấp sẽ tăng vì có những nguồn năng lượng khác được khai thác trên thế giới. Giá dầu mà đi xuống thì quyền lực của nhà nước Nga cũng xuống theo.

Cũng như Sô Viết trước đó, nước Nga của Putin vẫn còn một số ảnh hưởng trên thế giới nhờ buôn bán vũ khí quân sự. Tuy kỹ thuật quân sự của Nga thua kém Tây Âu và Hoa Kỳ, nhưng cũng đủ để phục vụ nhu cầu an ninh quốc gia của một số nước trên thế giới. Quan trọng hơn nữa là Moscow sẵn sàng bán vũ khí cho những nơi mà thế giới phương Tây không “chơi” vì lý do đạo lý hay vì chiến lược. Nguồn ảnh hưởng này cũng sẽ thu nhỏ lại trong những năm sắp tới. Ở một số nơi là vì ngân sách quốc phòng của các nước đó giảm xuống. Nhưng trong các trường hợp khác là vì có cạnh tranh đến từ những xứ như Trung Quốc, Nam Hàn, v.v... và Trung Quốc cũng sẵn sàng cạnh tranh bán vũ khí cho bất cứ ai.

Do đó, trên đường dài quyền lực của Nga hầu như đến từ vị trí địa dư chiến lược của nó – nằm giáp giới với Á châu, Âu châu, lân cận với Trung Đông. Nhưng chỉ duy yếu tố này thôi cũng không đủ để duy trì Nga như một cường quốc một thời đã qua, và mong mỏi một ngày nào đó sẽ trỗi dậy lại.
Hoàng Thuyên tóm lược


Hệ lụy của việc Crimée sáp nhập vào Nga

Những người ủng hộ sáp nhập với Nga biểu tình ở quảng trường Lê Nin, Simféropol, Crimée, 17/03/2014
REUTERS

Đức Tâm

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua, 16/03/2014, các cử tri vùng Crimée, với hơn 96% phiếu thuận, đã đồng ý sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga, cho dù phương Tây tuyên bố không thừa nhận cuộc bỏ phiếu này.

Câu hỏi đặt ra là việc Crimée sáp nhập vào Nga sẽ dẫn đến những thay đổi gì đối với người dân trên bán đảo này, đối với nước Nga, Ukrain và phương Tây ?

Theo giới phân tích, tình hình trước và sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée không có gì thay đổi. Bà Hélène Blanc, một chuyên gia về Nga, được trang francetvinfo trích dẫn, nhận định : Bán đảo Crimée đã bị cắt đứt với thế giới bên ngoài và đã bị quân đội Nga chiếm đóng. Do vậy, trong một chừng mực nào đó, vùng Crimée đã gắn với Nga và cuộc trưng cầu dân ý chỉ nhằm chính thức hóa một tình hình đã tồn tại trên thực tế. Vả lại, trước cuộc trưng cầu dân ý, vùng Crimée đã được hưởng quy chế tự trị, có một sự độc lập tương đối với chính quyền Kiev.

Về mặt kinh tế, nếu sáp nhập vào Nga, thì vùng Crimée sẽ nhanh chóng chuyển sang dùng đồng Rouble, nhưng sẽ không có thêm các lợi lộc gì vì kinh tế Nga đang gặp khó khăn, tăng trưởng đi xuống, các nhà đầu tư lo ngại các trừng phạt kinh tế và nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế.

Ngoài ra, Ukraina đang cung cấp 85% nguồn nước và 82% tổng nhu cầu điện của bán đảo Crimé. Trước mắt, Nga chưa thể thay thế nguồn cung ứng này.
Bị thiệt thòi nhiều nhất là cộng đồng người Tatar, có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm từ 12 đến 15% tổng dân số vùng Crimée. Họ không nói tiếng Nga, không nói tiếng Ukraina, theo đạo Hồi, và bắt đầu di chuyển về phía tây Ukraina. Một số chuyên gia không loại trừ nguy cơ cộng đồng Tatar trở thành vật tế thần trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina.

Đối với Matxcơva, cuộc trưng cầu dân ý cho phép hợp thức hóa hành động dùng vũ lực chiếm Crimée. Tổng thống Vladimir Poutine muốn chứng mình rằng ông đã hành động một cách hợp pháp, tôn trọng các luật lệ quốc tế. Cho đến hôm qua, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga vẫn khẳng định cuộc trưng cầu dân ý là phù hợp với công pháp quốc tế. Mặt khác, một giáo sư công pháp quốc tế khẳng định trên trang web francetvinfo rằng luật pháp quốc tế không cho phép cũng như không cấm ly khai.

Việc sáp nhập Crimée vào Nga bảo đảm cho Matxcơva kiểm soát được căn cứ quân sự ở Sébastopol, có lối tiếp cận trực tiếp ra biển Đen, cho dù việc kiểm soát của Nga tại đây dựa trên một hợp đồng thuê có hiệu lực đến năm 2042. Trong khi đó, báo Le Monde cho rằng đây là một thắng lợi mang tính tượng trưng cao cho huyền thoại tái lập một nước Đại Nga.

Trong lĩnh vực kinh tế, có thể đây là dịp để ông Putin thúc đẩy nền kinh tế chiến tranh. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, như ngừng cấp giấy nhập cảnh, phong tỏa tài sản Nga, không làm cho ông Putin lo ngại, nhưng nếu các biện pháp trừng phạt kéo dài, thì kinh tế Nga có thể bị suy yếu và Kremlin bị cô lập.

Thế hệ lụy đối với Ukraina sẽ ra sao ? Đất nước này bị mất đi 27 ngàn km vuông với hai triệu dân và lối đi ra biển Đen. Cho đến nay, bán đảo Crimée sống chủ yếu dựa vào du lịch, do vậy, Ukraina không chịu tổn thất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, đây là một mất mát mang tính biểu tượng cao đối với chính quyền Kiev trong việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đồng thời, đây cũng là một thất bại về ngoại giao của phương Tây. Cho đến tận sát ngày tổ chức trưng cầu dân ý, các nước Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn cố tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina, với nhiều cảnh báo, đe dọa trừng phạt, cô lập Nga.

Thế nhưng, theo bà Hélène Blanc, cho đến nay, chỉ có « Hoa Kỳ và trong một chừng mực hạn hẹp nào đó là Đức, là có thể đối thoại với ông Putin ». Hơn nữa, ông Putin bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi của phương Tây và tùy theo từng đối tác, ông có ứng xử khác nhau. Hậu quả là Nga là phương Tây hoàn toàn không hiểu nhau nữa. Theo chuyên gia này, « người Nga là những kỳ thủ tuyệt vời, họ dự ứng trước tất cả các nước đi của đối thủ » và không lộ ra chiến lược của mình.

Cho đến nay, nhiều nước Châu Âu vẫn tiếp tục lo lắng về « mối đe dọa bị cắt cung ứng khí đốt mà không báo trước », từ phía Nga. Bà Hélène Blanc nhận định : « Sai lầm cơ bản của Châu Âu là không phát triển một chính sách rõ ràng và có phối hợp giữa 28 thành viên, họ hài lòng với những phản đối nhỏ nhoi thay vì cùng nhau tiến hành một cuộc đối thoại cứng rắn » với Nga.



No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts