X

Friday, March 21, 2014

Mỹ trừng phạt 16 quan chức của Nga

Mỹ trừng phạt 16 quan chức của Nga

Thứ năm, 20 tháng 3, 2014

Chánh Văn phòng Tối cao Phủ Tổng thống Sergei Ivanov có tên trong danh sách quan chức cao cấp Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt
Hoa Kỳ cho hay Tổng thống Barack Obama vừa ký lệnh đặc biệt không chỉ trừng phạt các cá nhân mà cả những ngành kinh tế Nga ủng hộ cho cuộc hành động của Nga ở Ukraine.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng công bố trên mạng tên tuổi 16 nhân vật cao cấp hay còn gọi là ‘nhóm chủ chốt’ (inner circle) trong giới lãnh đạo Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt.
Hoa Kỳ nói họ đã ủng hộ quyết định của Tổng thống Vladimir Putin "dùng vũ lực" tại Ukraine.
Giới chức Hoa Kỳ căn cứ vào lệnh đặc biệt (E.O. 13661) ngày 16/3/2014 do Tổng thống Obama ký để trừng phạt quan chức Nga.
Chính quyền Nga đã đáp trả bằng cách ra lệnh tương tự với một số nhân vật cao cấp của Hoa Kỳ gồm cả Thượng nghị sỹ John McCain của đảng Cộng hòa, người đòi Tòa Bạch Ốc phải cứng rắn hơn với ông Putin.
Thượng nghị sỹ John McCain đã nhanh chóng lên Twitter viết rằng ông "hãnh diện vì bị Putin trừng phạt".
Lệnh cấm đi lại của Nga với Mỹ cũng nêu tên Chủ tịch Hạ viện John Boehner, thủ lĩnh khối dân biểu Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid.

Thân với Tổng thống

Trong số 16 nhân vật của Nga có các vị thân tín với Tổng thống Vladimir Putin và được Hoa Kỳ nêu tên lần lượt như sau:
Viktor Ozerov: Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Thượng viện Liên bang Nga.
Vladimir Dzhabarov: Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Liên bang Nga.
Evgeni Bushmin: Phó Chủ tịch Thượng viện Liên bang Nga.
Nikolai Ryzhkov: Thượng nghị sỹ Liên bang.
Sergei Zheleznyak: Phó Chủ tịch Hạ viện tức Duma Quốc gia.
Sergei Mironov: Thành viên Duma, thành viên Ủy ban Nhà cửa Hạ viện và lãnh tụ khối Nước Nga Công bằng trong Hạ viện.
Một ngân hàng trị giá 10 tỷ USD của Nga cũng bị Mỹ trừng phạt
Aleksandr Totoonov: Thành viên Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Thông tin của Thượng viện Liên bang Nga.
Oleg Panteleev: Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nghị viện.
Sergey Naryshkin: Thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga, cựu Chủ tịch Văn phòng Quốc hội.
Victor Ivanov: Giám đốc Cục kiểm soát dược phẩm Liên bang, cựu Phó Giám đốc An ninh Liên bang, cựu nhân viên KGB, bạn thân của Vladimir Putin.
Igor Sergun: Lãnh đạo Cục Quân báo Nga (GRU), Phó Tổng tư lệnh Quân đội.
Sergei Ivanov: Chánh Văn phòng Tối cao Phủ Tổng thống, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Phó Thủ tướng Nga.
Alexei Gromov: Phó chánh Văn phòng Tối cao Phủ Tổng thống.
Andrei Fursenko: trợ lý của Tổng thống Liên bang Nga, Cựu Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học, đồng minh thân cận của Vladimir Putin.
Vladimir Yakunin: cựu Chủ tịch công ty Hỏa xa Nga, cựu lãnh đạo ngành hàng hải, bạn thân, hàng xóm của Vladimir Putin.
Vladimir Kozhin: lãnh đạo ngành hành chính Liên bang Nga, chủ nhiệm cơ quan quản lý tài sản của Cục Tài sản Phủ Tổng thống.
Danh sách những người này cùng chi tiết về nơi ở của họ, biện pháp trừng phạt với họ và cả những ai trợ giúp họ được đăng tải công khai ở Bấm trang web Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng nêu ra tên Ngân hàng Bank Rossiya bị trừng phạt vì có tài khoản của các nhân vật cao cấp tại Nga.
Đây là ngân hàng đứng thứ 17 tại Nga, có trị giá 10 tỷ USD.
Phía Mỹ cũng nêu tên của các nhân vật trong giới kinh doanh Nga: Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg, Boris Rotenberg, Yuri Kovalchuk bị cấm ở mức thấp hơn 16 người trên.

EU mở rộng trừng phạt Nga

Thứ sáu, 21 tháng 3, 2014

Ông Van Rompuy nói các lãnh đạo EU "lên án mạnh mẽ" cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea
Liên Hiệp châu Âu vừa bổ sung 12 cá nhân vào danh sách trừng phạt vì hành động tách rời Crimea khỏi Ukraine của Moscow.
Chủ tịch Ủy hội châu Âu Van Rompuy nói Nga sẽ phải gánh chịu những "hậu quả sâu rộng" nếu tiếp tục gây mất ổn định tại Ukraine.
Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ mở rộng trừng phạt đối với Nga vì khủng hoảng hiện nay tại Crimea.
Crimea đang chờ các thủ tục được hoàn tất để chính thức sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý, vốn bị Kiev và phương Tây xem là bất hợp pháp.
Một hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga đã được Hạ viện của Nga - Duma Quốc gia - phê chuẩn, và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua vào ngày 21/3.
Về phía mình, EU dự kiến sẽ ký một thỏa thuận thương mại với Ukraine vào ngày 21/3. Đây là thỏa thuận mà tổng thống bị truất quyền của Ukraine, ông Viktor Yanukovych, đã từ chối ký kết, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Mở rộng cấm vận

"Không có chỗ cho hành động sử dụng vũ lực và áp lực để thay đổi biên giới trên lục địa châu Âu trong Thế kỷ 21."
Chủ tịch Ủy hội châu Âu Van Rompuy
Trước đó, EU đã tuyên bố sẽ đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với 21 cá nhân ở Nga và Ukraine.
Cùng lúc đó, Hoa Kỳ cũng đã lên danh sách 11 cá nhân phải hứng chịu những hình thức trừng phạt tương tự.
Lệnh trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ được nhắm vào 20 cá nhân có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngân hàng Rossiya - được điều hành bởi các đồng minh của ông này.
Để đáp trả, Nga cũng đã tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức và chính trị gia của Mỹ.
Sau cuộc họp tại Brussels vào tối thứ Năm 20/3, ông Van Rompuy nói các lãnh đạo EU sẽ đề nghị Ủy ban châu Âu chuẩn bị cho việc mở rộng các hình thức trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga nếu khủng hoảng leo thang.
Ông gọi hành động sáp nhập Crimea vào Nga là "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ukraine cũng như luật pháp quốc tế."
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc trưng cầu dân ý vi hiến tại Crimea. Chúng tôi sẽ không thừa nhận việc sáp nhập, bây giờ và cả trong tương lai," ông nói.
"Không có chỗ cho hành động sử dụng vũ lực và áp lực để thay đổi biên giới trên lục địa châu Âu trong Thế kỷ 21."
Các tay súng không đeo phù hiệu canh gác một hộ tống hạm vừa chiếm được từ hải quân Ukraine tại Sevastopol
Ông Van Rompuy nói 28 quốc gia trong khối EU sẽ hủy hội nghị thượng đỉnh Nga-EU vào tháng Sáu tới cũng như các hội nghị song phương khác.
"Chúng tôi muốn khẳng định rằng nếu cuộc khủng hoảng không được chấm dứt trong hòa bình, và nếu Nga có hành động gây mất ổn định tại Ukraine, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả sâu rộng," ông nói thêm
"Ở đây chúng tôi muốn nói tới hậu quả đối với những mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực kinh tế."
Tên tuổi của những cá nhân mới nhất bị EU đưa vào danh sách trừng phạt sẽ được công bố vào ngày 21/3.
Trong khi đó, Moscow đang thắt chặt vòng kiềm tỏa quân sự tại Crimea.
Vào thứ Năm, 20/3, các tay súng thân Nga đã chiếm ít nhất hai tàu chiến của hải quân Ukraine đang neo đậu tại cảng Sevastopol.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết ít nhất 15 người đã tham gia vào vụ tấn công.
Lực lượng thân Nga đã chiếm đóng Crimea, nơi đa số dân cư là người gốc Nga, sau khi tổng thống thân Nga Yanukovych tháo chạy khỏi Kiev hôm 22/2 sau làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng trời, làm hơn 80 người thiệt mạng.

Putin khai mở một thời kỳ đối đầu mới giữa Nga và phương Tây

Tổng thống Putin (G) và các lãnh đạo Crimée sau lễ ký kết văn kiện sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga tại Matxcơva, 18/03/2014
Tổng thống Putin (G) và các lãnh đạo Crimée sau lễ ký kết văn kiện sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga tại Matxcơva, 18/03/2014
REUTERS

Trọng Nghĩa

Hơn 20 năm sau khi Liên Xô bị phân rã, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin có dấu hiệu bước vào một cuộc đối đầu trở lại với phương Tây sau khi nhanh chóng thôn tính vùng Crimée của Ukraina, bất chấp sự phản đối của phương Tây. Theo giới phân tích, với xu hướng không chấp nhận trật tự thời hậu Xô Viết được ông Putin bộc lộ rõ ràng, khả năng một kỷ nguyên đối đầu mới giữa phương Tây và Nga không thể loại trừ.

Cách nay gần một phần tư thế kỷ, ngày 08/12/1991, lãnh đạo các nước Nga, Ukraina và Belarus đã phê chuẩn trong một hiệp ước sự phân rã của Liên Xô thành nhiều quốc gia độc lập. Thế nhưng gần đây, bằng cách lấy lại vùng Crimée từ tay Ukraina, Tổng thống Nga Putin đã biểu thị quyết tâm sẵn sàng thay đổi biên giới hiện tại của nước Nga.
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, hiện chưa thể biết được là ông Putin sẽ bằng lòng với vùng Crimée, hay là ông sẽ tiếp tục tìm cách sát nhập vào Nga những khu vực nói tiếng Nga khác ở Ukraina, Moldavia hay tại Belarus và Kazakhstan.
Khả năng thứ hai là một điều rất hiện thực nếu căn cứ vào các tuyên bố đanh thép gần đây của chủ nhân Điện Kremly, tự nhận là ông có nhiệm vụ khôi phục lại sức mạnh của nước Nga.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, Giáo sư Nikolai Petrov, thuộc Học viện Kinh tế Cao cấp Mátxcơva cảnh báo : « Chúng ta mới ở bước đầu, chứ chưa phải là bước cuối của một tiến trình đầy sóng gió ». Đối với chuyên gia phân tích này : « Diễn văn của ông Putin hôm thứ Ba 18/03 vừa qua chỉ mới kết thúc giai đoạn thôn tính Crimée, câu hỏi đặt ra là : Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian sắp đến ? »
Quan điểm « phục hận » của ông Putin thể hiện rõ qua một số yếu tố được ông nêu bật : Nước Nga không còn muốn bị phương Tây « bỏ xó », phải tiếp tục chịu đựng chính sách « kiềm chế » có từ thế kỷ 18 và 19 để chống lại chế độ Sa hoàng và trong thế kỷ 20 để chống lại Liên Xô. Tổng thống Nga còn cho rằng Châu Âu và Mỹ đã « quá đáng » khi góp phần dựng lên chính phủ thân phương Tây ở Kiev sau vụ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị truất phế.
Theo Giáo sư Petrov, với vụ thôn tính Crimée, cục diện đã chuyển qua một thời kỳ mới với nước Nga của ông Putin trực diện đối đầu với phương Tây : « Tổng thống Putin đã tuyên chiến với phương Tây và không thể có sự hòa giải… (và) bây giờ phương Tây sẽ phải cố gắng hạ bệ chế độ Putin. »
Đối với ông Dmitri Trenin, Giám đốc chi nhánh tại Mátxcơva của Trung tâm nghiên cứu Carnegie, sự sáp nhập Crimée vào Nga là một « bước ngoặt » trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva.
Theo ông Putin, trật tự thế giới hình thành sau sự sụp đổ của Liên Xô đã cho phép Hoa Kỳ coi thường luật pháp quốc tế tại Nam Tư, Irak và Libya. Sự kiện Mátxcơva tung lực lượng thân Nga đến Crimée để kiểm soát vùng này đã cho thấy là nước Nga không còn tôn trọng các biên giới được thiết lập vào năm 1991.
Câu hỏi đang được giới phân tích đặt ra là liệu ông Vladimir Putin có chịu dừng lại ở việc sáp nhập của Crimée hay không ? Hay là ông sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường đối đầu với phương Tây.
Trên vấn đề này, Tổng thư ký khối NATO Anders Fogh Rasmusssen không che giấu nỗi lo ngại. Phát biểu tại Mỹ vào hôm qua, 19/03, ông cho rằng Tổng thống Nga rất có thể sẽ không tự bằng lòng với việc sáp nhập Crimée : « Crimée chỉ là một ví dụ... là một phần trong một tổng thể lớn hơn, một chiến lược dài hạn hơn của Nga hoặc ít ra là của ông Putin ».
Đối với ông Rasmussen, vụ Crimée là tín hiệu cảnh báo cho các nước phương Tây, do đó, các thành viên của NATO cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quốc phòng.

Đại sứ Ukraina tại LHQ: Nhân dân Ukraina sẵn sàng bảo vệ tổ quốc

Đại sứ Ukraina tại Liên hiệp quốc Yurii Klymenko nói Ukraina đang trong tình trạng cảnh giác cao độ nhất để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá
Đại sứ Ukraina tại Liên hiệp quốc Yurii Klymenko nói Ukraina đang trong tình trạng cảnh giác cao độ nhất để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá

20.03.2014
Một nhà ngoại giao cao cấp của Ukraina nói rằng nước ông mưu tìm mục tiêu hòa bình với Nga, mặc dầu có những dấu hiệu đáng lo ngại về những kế hoạch của điện Kremlin. Đại sứ Yurii Klymenko nói rằng, Ukraina sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để bảo vệ mình nếu sự can thiệp của Nga vào Ukraina trở thành một cuộc xâm lăng toàn diện. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA từ trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại Geneve.

Ông Klymenko, đại sứ của Ukraina tại Liên Hiệp Quốc ở Geneve, cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp mưu đồ bành trướng của Nga. Ông nhắc lại việc Nga nuốt chững những phần đất của Gruzia năm 2008, và nói rằng giờ đây họ đạt được một kết quả tương tự trên bán đảo Crimea.

Đại sứ Klymenko nói rằng việc Nga sáp nhập Crimea gây bất ổn cho miền nam và miền đông Ukraina. Ông nêu lên những bằng chứng để dẫn chứng cái gọi là những cuộc mít tinh đòi ly khai được khởi xướng bởi các phần tử cực đoan của Nga đã xâm nhập vào Ukraina. Ông nói:

“Cũng có các dấu hiệu khác nữa là Nga đang trên đường phát động một vụ can thiệp quân sự toàn bộ tại miền đông và miền nam Ukraina. Ukraina đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ nhất để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá, mặc dầu chúng tôi vẫn còn có một hy vọng mới rằng an ninh phối hợp của Liên Hiệp Quốc vẫn còn khả năng đạt được mục tiêu chính của họ bằng cách bắc các nhịp cầu hòa bình và an ninh.”

Đại sứ Ukraina nói rằng sự hiện diện quân sự của Nga không giới hạn tại Crimea. Ông nói rằng các binh sĩ nhảy dù của Nga đang được triển khai tại vùng Kerson ở miền nam Ukraina, và ông cho biết có tin là quân đội Nga đã gài mìn tại một số khu vực.

Ông Klymenko nói với đài VOA rằng Ukraina và nhân dân Ukraina sẵn sàng bảo vệ tổ quốc của mình:

“Nhưng trong giai đoạn này, chúng tôi vẫn theo đuổi giải pháp hòa bình. Đã có một quyết định cho binh sĩ Ukraina ở Crimea sử dụng võ khí. Nhưng như tôi đã nêu lên trước đây, chỉ để bảo vệ cho họ. Nhưng rất nhiều thứ tùy thuộc vào những diễn biến của tình hình. Và lại một lần nữa, việc sử dụng quyền tự vệ - sẽ là biện pháp sau cùng của Ukraina.

Đại sứ Ukraina đã lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận. Rõ ràng là ông không muốn khiêu khích trước bất cứ kết quả nào không định trước từ phía Nga.

Ông có bày tỏ tức giận đối với việc tấn công nước ông và chính phủ nước ông. Và ông hài lòng khi nói rằng Nga đã bị cô lập tại phiên họp hiện nay của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nơi không không có đại biểu nước nào lên tiếng để ủng hộ Nga.

Ông Klymenko nói rằng Nga đang đặt toàn thế giới vào tình trạng nguy hiểm, nhưng Ukraina đang làm việc với Liên Hiệp Quốc, cũng như Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, và Ủy hội Châu Âu để tìm một giải pháp hòa bình hầu ra khỏi cuộc khủng hoảng này.

Bộ trưởng Nga: 'Không có kế hoạch tiến vào miền đông Ukraine'

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel

20.03.2014
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói ông đã nhận được bảo đảm chính thức rằng binh sĩ Nga tụ tập gần Ukraine không có kế hoạch băng qua biên giới.

Một phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng, Đề Đốc John Kirby, nói Bộ trưởng Hagel đã điện đàm với bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, trong gần một giờ đồng hồ hôm thứ Tư.

Trong cuộc điện đàm này ông Hagel đã hỏi tại sao binh sĩ Nga triển khai dọc theo các biên giới phía đông và phía nam Ukraine. Phát ngôn nhân Kirby cho biết ông Hagel đã được bảo đảm rằng các binh sĩ này đang thực hiện cuộc thao dượt và không có kế hoạch tiến vào Ukraine.

Vài giờ trước đó, các nhà lập pháp Nga đã biểu quyết với đa số áp đảo để phê chuẩn một hiệp định sáp nhập Crimea. Thượng Viện Nga sẽ mở một cuộc biểu quyết tương tự như vậy vào ngày thứ Sáu. Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Crimea đã ký hiệp định này hôm thứ Ba, hai ngày sau khi cư dân Crimea biểu quyết li khai và gia nhập Nga.

Tại Moscow, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã gặp Tổng thống Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov của Nga hôm thứ Năm. Ông Ban nói rằng ông đã hối thúc các nhà lãnh đạo Nga ngăn ngừa “bất cứ sự cố bất ngờ” bên trong hay gần Ukraine có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong vùng dễ biến động này.

Ông Ban nói rằng, ông cũng nói ông e ngại rằng Nga, Hoa Kỳ, và Liên Hiệp Châu Âu có thể quá bận tâm với Ukraine khiến các cuộc khủng hoảng khác, trong đó có Syria và Cộng Hòa Trung Phi, sẽ không được quan tâm tới.

Theo trông đợi thì ông Ban sẽ gặp Quyền Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchynov và Quyền Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk vào ngày thứ Sáu, tại Kyiv.

Các giới chức Ukraine nói rằng lực lượng võ trang thân Nga đã chiếm ba chiến hạm trong Vịnh Sevastopol của Crimea hôm thứ Năm. Hãng tin Associated Press tường thuật rằng người ta nhìn thấy các binh sĩ Ukraine rời khỏi một trong những chiến hạm này nhưng không có tin gì về thương vong.


No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts