X

Wednesday, March 12, 2014

Liệu Nga có đem quân đánh Ukraine?



Liệu Nga có đem quân đánh Ukraine?
Thạch Trung Ẩn
tamthucviet.com
March 10, 2014
Nghe
Tải xuống để lưu giữ



Ukraine nói một cách tổng quát gồm hai miền: miền Tây và thủ đô Kiev nói tiếng Ukraine là nơi đã xẩy ra cách mạng Cam và chịu ảnh hưởng nhiều của Mỹ và Âu Châu từ sau khi Liên sô sụp đổ, trong khi miền đông và nam nối với bán đảo Crimea nói tiếng Nga, thân gần với Nga. Tiền đề để Nga tiến đánh, là khi Nga có những yếu tố để kết luận rằng người Ukraine nói tiếng Nga và các quyền lợi của Nga bị xâm phạm vì những thành phần quốc gia cực đoan và phát xít đã được sự giúp đỡ của Tây phương trong cuộc đảo chính tổng thống Yanukovych. 

Tiền đề này không khó kiếm. Sở di trú liên bang Nga cho biết đã có sự tăng vọt các đơn xin di trú tị nạn của dân Ukraine. Giám đốc sở quốc tịch Nga, Valentina Kazakova nói chỉ trong hai tuần lễ cuối tháng 2 đã có 143,000 đơn xin tị nạn. Chỉ cần đưa tin rằng những người trong lực lượng an ninh của Yanukovych bị sát hại là đủ. Ngoài ra thì việc tổng thống Yanukovych bị đảo chính chính thức yêu cầu Nga gửi quân giúp đỡ đã được đại diện Nga đưa ra để dùng như là một lý do can thiệp.

Nhưng yếu tố chủ yếu để Nga tiến đánh Ukraine là khi Nga hội đủ điều kiện để thắng nhanh chóng. Nếu chỉ xét về mặt con số và khả năng, thì có thể nói rằng quân lực Ukraine mà 50% là thành phần nghiã vụ quân sự với võ khi cùng loại với Nga nhưng cũ kỹ không thể nào so với quân lực Nga, đông gấp 4 và đã được củng cố bởi Putin. Một cách khách quan mà nói thì tinh thần quân đội Ukraine không thống nhất đi theo chính phủ mới. 

Bằng cớ là tư lệnh hải quân Ukraine ở Crimea đã theo chính phủ tự trị Crimea thân Nga. Tuy rằng những yếu tố như đã nói trên cho Nga ưu thế quân sự, nhưng Putin không thể không học bài học cuộc chiến Nga Afghanistan, và những cuộc chiến khác của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, để mà hiểu rằng dù là siêu cường, mở ra một cuộc chiến không khó, nhưng rút ra khỏi cuộc chiến một cách coi được thì khó khăn hơn nhiều.

 Putin đã chứng tỏ rằng có dư thủ đoạn để đạt mục tiêu tối hậu, không nhất thiết bằng quân sự, nghĩa là giữ cho Nga không mất ảnh hưởng trong vùng. Trong trường hợp nếu chính phủ mới Ukraine có tồn tại nhờ sự đổ tiền vào giúp đỡ của Quỹ tiền tệ quốc tế  (IMF) cũng như của Mỹ và Tây phương thì với những chính trị gia và tâm lý quần chúng Ukraine hiện tại, sẽ là gánh nặng cho Mỹ và Tây phương, vừa về phương diện chính trị vừa về phương diện tài chính kinh tế.

Với những sự kiện trên thì có vẻ như Putin giữ phần chủ động trong quyết định đánh hay không ở Ukraine. Câu hỏi là phản ứng từ Mỹ, và từ những nước Âu châu và đồng minh khác của Mỹ liệu có tác động gì không, trong quyết định của Putin mở ra chiến tranh. 

Trung Quốc thì theo một nguồn tin Nga, đã phần lớn đồng ý với các biện pháp của Nga. Cũng khách quan mà nói thì sự ra đi của Yanukovych đã rõ ràng là một nỗ lực dấn tới của các thành phần thân Mỹ và Tây phương, xé bỏ thoả hiệp nhượng bộ với ba đại diện Pháp, Ba Lan và Đức và phe chống đối mà Yanukovych ký vài tiếng đồng hồ trước. 

Tức là một cuộc đảo chính, với sự ủng hộ của Tây phương như Nga mô tả. Và vì thế đòi hỏi của ngoại trưởng Nga đưa ra là phải trở lại theo đúng thoả hiệp nhượng bộ mà Yanukovych đã ký khó thể coi là quá đáng. Cho nên, có thể nói rằng tuy Trung quốc có nhiều liên hệ tài chính kinh tế với cả Mỹ và Âu châu, cũng không sẵn sàng ủng hộ quan điểm lấn lướt của Âu Mỹ. Với tất cả những tin tức các nguồn, đối chiếu với hiện tình kinh tế tài chinh và xã hội Mỹ và Âu châu, giải pháp quân sự đã hầu như 100% loại bỏ, tuy rằng ngoại trưởng Kerry cũng có một câu thòng rằng Mỹ không loại bỏ việc xem xét mọi biện pháp. 

Vì thế, đánh hay không chủ yếu là do quyết định ở Putin. Ngoài ra thì cũng phải nói thêm rằng vì cả Nga và Mỹ đều là hai đại cường nguyên tử cho nên không thể có chiến tranh trực tiếp Nga Mỹ. 

Nếu chiến tranh xẩy ra thì sẽ là chiến tranh ủy nhiệm giữa một bên là người Ukraine thân Nga vùng miền Đông và người Ukraine muốn theo Mỹ và Âu châu ở phiá Tây, nghĩa là những chính trị gia do cách mạng Cam tạo nên.  Mà quần chúng ủng hộ những người này tới cùng không hẳn là có nhiều và quyết chí, bởi vì những người này đã không có bao nhiêu là uy tín thực tế trong việc cải thiện đời sống khó khăn sau cách mạng Cam, và cũng vì họ đã bị ngay cả truyền thông Âu Mỹ  dài dài cho tới nay  chê bai không tiếc lời. 

Bà Julia Tymoshenko, cựu thủ tướng, được thả khỏi tù sau khi chính phủ mới thành lập cũng đã bị kết án tù vì tham nhũng và hối mại quyền thế.  Bà đã khôn ngoan đi ngay sang Đức chữa bệnh, và từ chối chức thủ tướng của phe đảo chính. Sau chót, cho tới giờ phút này, thì Putin đã ra mặt để cho thấy rằng ông ta chủ động trong vụ Ukraine: từ chuyện chuyển quân ở Crimea đến chuyện trả lời về những biện pháp chế tài mà Mỹ và Tây phương đưa ra làm áp lực.
Ukraine có thể nói là mô thức điển hình đấu đá chính trị sau chiến tranh lạnh, giữa các nước lớn, với các đặc tính là: Hợp tác, cạnh tranh, đối đầu, đối thoại, hợp tác, cạnh tranh, đối đầu, đối thoại vân vân…

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts