X

Thursday, March 6, 2014

Chiến tranh lạnh, bộ mới, tác giả Putin

Chiến tranh lạnh, bộ mới, tác giả Putin

Ngô Nhân Dụng - 4.03.2014
Trước khi ông Yanukovych, cựu tổng thống Ukraine tuyên bố ngưng thảo luận hiệp ước thương mại với Cộng Ðồng Châu Âu (EU), đại diện của EU là cựu ngoại trưởng Cộng Hòa Tiệp, Stefan Füle, đã tới thuyết phục ông ta thêm một lần nữa. Trong cuộc thảo luận diễn ra ở dinh tổng thống Ukraine, ông Füle sốt ruột vì các thông dịch viên tiếng Tiệp và tiếng Ukraine chậm chạp quá. Ông đề nghị nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga mà cả hai người đều thông thạo.

Photo: AP Ukrainian President Viktor Yanukovych - European Neighborhood Policy Stefan Fule in Kiev
Cuộc gặp gỡ không đưa tới đâu, nhưng đối với ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, thì điều có ý nghĩa tiếng trong cuộc thương thuyết bất thành là tiếng Nga được dùng làm ngôn ngữ chính. Cả hai nước Ukraine và Cộng Hòa Tiệp trước đây đều nằm trong một khối, cả hai đều theo lệnh một người Nga, các lãnh tụ thay phiên nhau ngồi ở điện Kremlin! 

Ông Putin đang ngồi ở chỗ các Sa hoàng và các ông Stalin, Brehznev trước đây đã ngồi. Từ khi lên nắm quyền tới nay, Putin tìm cách nhắc nhở cho dân Nga, và thế giới chung quanh, phải nhớ Nga từng đóng vai bá chủ cả một đế quốc, các nước chư hầu kéo dài suốt từ Âu sang Á Châu.

Ðối với thế giới bên ngoài, nhất là đối với dân chúng Mỹ, cuộc Chiến Tranh Lạnh đã chấm dứt khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Ông Vladimir Putin không nghĩ như vậy. Ðối với thế giới, chiến tranh lạnh là một cuộc cạnh tranh giữa hai khối tư bản và cộng sản. Nhưng đối với ông Putin và đa số dân Nga bây giờ, đó chính là một cuộc chạy đua giữa hai cường quốc, Nga và Mỹ, Mỹ được các nước Tây Âu hỗ trợ. Ông Putin từng nói rằng vụ sập đổ của Liên Bang Xô Viết là tai họa lớn nhất trong thế kỷ 20. Ðối với dân Nga, biến cố đó giúp họ xóa bỏ chế độ cộng sản kìm hãm không cho đất nước phát triển và tiến bộ. 

Nhưng đối với người lãnh đạo trong điện Kremlin, đó là một tai họa. Vì khi một đế quốc tan rã mất luôn quyền chi phối các nước chung quanh để làm giầu cho những nhà quý tộc của mẫu quốc hưởng. Cho nên ông Putin và giới quý tộc mới ở Nga muốn quay ngược chiều lịch sử, cố vớt vát, làm sống lại những ngày huy hoàng cũ, dù không cần biết được lợi bao nhiêu so với phí tổn phải chịu.

Ông Putin đã “tổ chức” một cuộc chiến tranh lạnh mới, từng bước một. Trong thời gian đó, các chính phủ Mỹ và Tây Âu vẫn hành động với giả thiết là chiến tranh lạnh đã chấm dứt rồi. Nghĩ rằng chiến tranh lạnh đã chấm dứt, cả thế giới đã chấp nhận hệ thống kinh tế tư bản, và nhiều quốc gia cùng chạy đua trên đường dân chủ hóa, cho nên dân chúng các nước Mỹ và Âu Châu nhìn các cuộc tranh chấp trên thế giới hoàn toàn theo tiêu chuẩn lợi hại về kinh tế. Mỗi hành động đều phải xét xem sau cùng ai sẽ được lợi gì trong thị trường cạnh tranh. 

Nếu đầu tư vào Iraq mà không có lợi, thì rút vốn về. Nếu mình không có lợi ích hơn dù ai thắng, ai bại trong cuộc nội chiến ở Syria, thì không nên bỏ quá nhiều vốn liếng chính trị cũng như tiền bạc, vũ khí vào đó. Với niềm tin tưởng kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa, không thể tránh được, mà cuối cùng loài người ở đâu cũng biết chế độ dân chủ tự do sẽ mang lại kinh tế phồn thịnh hơn cả, các chính phủ Mỹ và Âu Châu vẫn coi nước Nga của ông Putin là một “đối tác” cần có mặt trong những hội nghị G-8 hay G-20, những diễn đàn lo chuyện trao đổi kinh tế. Ngoài ra, lâu lâu nhờ ông ta làm môi giới trong các cuộc mặc cả với Iran, với Syria, vân vân.
Nhưng ông Putin đã soạn sẵn một kịch bản riêng. 

Bất cứ hành động nào của chính phủ Nga cũng nhắm vào mục đích giành lại ảnh hưởng của thời đế quốc Nga hoàng cũng như thời Liên Xô; nay đã mất. Putin dính đến chuyện Bắc Hàn, cũng vì muốn bảo đảm chính phủ Nga có một ghế ngồi bên cạnh Trung Quốc, Nhật và Mỹ khi bàn chuyện an ninh vùng Ðông Bắc Châu Á. Viện trợ vũ khí cho Syria và bênh vực bạo chúa Assad cũng vì muốn chứng tỏ đế quốc Nga chưa bị đẩy hoàn toàn ra khỏi vùng Trung Ðông. 

Nhưng màn chính trong kịch bản của Putin diễn ra ở các nước “Cộng Hòa” cũ thuộc Liên Bang Xô Viết, và một số nước Ðông Âu. Hậu quả là Putin tái lập một tình trạng chiến tranh lạnh, theo lối mới.
Ðế quốc Nga tan đã gây mất mát rất nhiều, chỉ vì chế độ cộng sản tham nhũng và bất lực hơn cả thời Nga hoàng. Về mặt tâm lý, Putin và giới quý tộc Nga, gồm các cựu sĩ quan công an KGB và các đại gia mới, thấy họ muốn “rửa nhục.” Thử tưởng tượng, trong hầu hết thế kỷ 20, Âu Châu vẫn chia làm hai phe. Một bên là khối NATO, với Mỹ, Anh, Pháp, cho tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bên kia là khối Warzava, liên minh quân sự giữa Liên Xô và các nước Ðông Âu. Bây giờ, khối Warzava đã tan biến không còn một vết tích. Trong khi đó khối NATO không những vẫn sống mà còn tìm cách bành trướng. Các nước cộng sản cũ ở Ðông Âu chạy đua nhau xin gia nhập NATO, ai cũng biết mục đích là để được bảo vệ, không còn sợ Nga xâm lăng nữa. Ngay cả những nước vùng biển Baltic như Lithuania, Estonia và Latvia, trước nằm trong Liên Xô, với số kiều dân và người gốc Nga đông đúc, cũng xin vào NATO. 

Khối NATO đã can thiệp vào các cuộc nội chiến trong Liên Bang Nam Tư cũ, làm cho Serbia, một nước anh em của Nga phải chịu thua nhục nhã. NATO còn can thiệp cả đến những xứ Châu Phi như tại Libya, và đang toan tính ở Syria. Ðối với ông Putin, bất cứ khi nào NATO thắng một ván cờ là ông ta thấy nước Nga bị mất mặt. Ông phải thực hiện những kịch bản mà ông soạn cho các nước thuộc Liên Xô cũ, kéo họ trở lại trong vùng ảnh hưởng. Nếu ba nước Lithuania, Estonia và Latvia mà không được Nato bảo vệ, thì chắc ông Putin cũng đã nhòm ngó rồi.

Sáu năm trước, Putin đã cắt được hai vùng Abkhazia và South Ossetia ra khỏi nước Georgia, quê hương của ông Stalin. Ðầu mối của cuộc xâm lăng này cũng là việc Georgia thảo luận việc tham gia NATO. Năm nay, Putin vừa dụ dỗ, vừa dọa nạt, khiến Cựu Tổng Thống Ukraine Viktor Yanukovych cắt đứt liên lạc với Âu Châu. Ðể bù lại, Nga hứa viện trợ 15 tỷ đô la cứu vãn cảnh ngân sách khiếm hụt vì nền kinh tế mà chính ông ta, gia đình và các đại gia của ông ta làm cho suy sụp. Sau khi ông Yanukovych nắm quyền mấy năm, người con trai của ông đã trở thành tỷ phú Mỹ kim! Yanukovych đã thấy một tấm gương trước đó. Trong Tháng Chín, chính phủ Armenia, một nước cũng thuộc Liên Xô cũ, đã bãi bỏ một cuộc thương nghị thương mại với Châu Âu, rồi ký một hiệp ước quan thuế với Nga, cũng có giá trị như một hiệp ước tự do mậu dịch. 

Ông Putin rõ ràng có kế hoạch lôi các nước đàn em cũ bỏ EU để “trở về” với Nga. Còn các nước Mỹ và Âu Châu vẫn giả thiết rằng cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Họ chỉ nhìn vào các cuộc cạnh tranh kinh tế thay vì tranh giành ảnh hưởng địa lý chính trị giữa các cường quốc. Vì vậy, cả thế giới vô tình để ra một khoảng trống cho ông Putin thực hiện kịch bản của mình.

Nhưng hành động sau cùng của ông Putin có thể sẽ thay đổi thái độ của không riêng gì các chính phủ Mỹ và Tây Âu mà cả thế giới bên ngoài, cũng như các lân bang của Nga. Ðưa sáu ngàn quân Nga vào bán đảo Crimea, mặc quân phục nhưng không có phù hiệu quốc gia, ông Putin đã xâm lăng, chiếm cứ một vùng thuộc nước láng giềng, với mục đích rõ ràng là xúi vùng đó ly khai khỏi Ukraine. Ðây là một hành động thách thức đối với các nước Châu Âu và Mỹ. Một hình thức tuyên chiến với Ukraine, và đe dọa các quốc gia khác trong vùng.

Lý do mà ông Putin đưa ra để lấy cớ chiếm Crimea, là bảo vệ những người gốc Nga (chiếm 55% trong dân số hơn hai triệu người). Dân Âu Châu còn nhớ, năm 1938 Hitler cũng nêu ra đúng luận điệu như vậy khi đánh chiếm vùng Sudetenland thuộc nước Tiệp Khắc: Tấn công để bảo vệ người dân gốc Ðức tại đó. Các nước Châu Âu sau cùng đã phản đối Hitler, và cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai bắt đầu.
Liệu biến cố ở Crimea năm nay có gây nên một cuộc chiến tranh lớn khác hay không? Chắc không, nhưng tất cả tùy thuộc những hành động trong các ngày sắp tới của ông Putin. Ông có thúc đẩy cho vùng Crimea tuyên bố độc lập, rồi xin nhập trở lại vào nước Nga hay không? Hay ông chịu dừng lại để cho chính quyền Crimea chỉ đòi thêm quyền tự trị đối với Ukraine? Vùng Crimea vẫn thuộc ảnh hưởng Nga từ ba thế kỷ trước, và mới được “tặng” cho Ukraine năm 1954; nhưng trong hiệp ước năm 1994 chính phủ Nga đã xác nhận tôn trọng lãnh thổ Ukraine toàn vẹn. 

Nếu Crimea ly khai, sau cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng này, thì chính phủ Ukraine ở Kiev sẽ làm gì? Tinh thần ái quốc của dân Ukraine không thua kém ai. Họ còn nhớ chính họ là nạn nhân của Liên Xô, đặc biệt khi ông Stalin dùng nước họ làm thí nghiệm chương trình tập thể hóa nông nghiệp vào những năm 1930-34, khiến hàng chục triệu người chết đói. Dân Ukraine có chịu nhục để cho nước láng giềng cướp đất hay không? Nếu ông Putin cho Crimea ly khai, liệu chính phủ mới ở Ukraine có kêu gọi khối NATO giúp đỡ hay không?

Cho tới này các chính phủ Châu Âu đều tỏ ra họ vẫn tin rằng ông Putin không thúc đẩy tới một cuộc chiến tranh với cả nước Ukraine. Chính phủ Mỹ nói cứng rắn hơn các chính phủ Châu Âu, nhưng khả năng hành động vẫn bị hạn chế, ngoài các món viện trợ kinh tế cấp thời. Trước hết, dân chúng Mỹ không thấy nước họ có quyền lợi nào bị ảnh hưởng vì biến cố ở Crimea và Ukraine (Chỉ có cổ phần của công ty Pepsi Cola bị xuống giá nặng, vì nhãn nước ngọt này bán sang Nga rất nhiều).

 Hải Quân Mỹ vốn không có mặt trong vùng Hắc Hải, mà cũng không có lợi gì nếu đi vào vùng đó. Cho nên, vũ khí duy nhất mà chính phủ Mỹ có thể dùng để “trừng phạt” ông Putin là kinh tế. Thị trường chứng khoán ở Nga đã xuống 10% vì cơn khủng hoảng. Giá trị đồng Rúp của Nga cũng xuống như vậy.

Nhưng việc phong tỏa kinh tế Nga sẽ không thành công, như đã có ảnh hưởng đối với Iran chẳng hạn. Vì nước Nga tự túc được nhiều thứ, từ thực phẩm đến nhiên liệu và nguyên liệu. Cuộc khủng hoảng ở Crimea, đang làm Nga được lợi, vì giá dầu, khí tăng lên, là những thứ xuất cảng nhiều nhất của Nga. Ðồng Rúp xuống giá có thể giúp hàng hóa của Nga dễ xuất cảng hơn. 

Cho nên, nếu ông Putin nhất quyết cắt vùng Crimea ra khỏi nước Ukraine, chính phủ Mỹ chỉ có thể “trừng phạt” ông ta bằng cách phong tỏa tài sản của nhóm lãnh đạo và các đại gia Nga. Nếu các ngân hàng Mỹ được lệnh không được làm ăn với bất cứ công ty hay ngân hàng nào của Nga, thì việc xuất cảng của Nga sẽ bị ngưng trệ. Trước đây, biện pháp này đã chứng tỏ có hiệu lực đối với giới lãnh đạo Nga một vài lần; trong những vụ nho nhỏ. Lần này, muốn có hiệu quả cần kêu gọi Châu Âu cùng hành động.

Mỹ rất khó thuyết phục các nước Châu Âu phong tỏa kinh tế Nga. Nước Pháp sắp giao hai mẫu hạm Mistral cho Nga, một thương vụ gần hai tỷ Mỹ kim, khiến chính phủ Pháp khó chống lại Nga. Nước Ðức đang xuất cảng những món rất đắt tiền sang Nga, họ cũng dè dặt. Các nước Châu Âu và Nga tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế. 

Gần 10% thương mại quốc tế của các nước châu Âu là mua bán với Nga; hơn 90% với các nước khác. Nhưng 41% nền ngoại thương của Nga tùy thuộc vào quan hệ với Châu Âu. Nga cần đến những khách hàng này, nếu ông Putin không quan tâm thì các nhà tư bản mới ở Nga cũng quan tâm. Giá cổ phần của công ty dầu khí Gazprom đã tụt giảm 14% trong ngày Thứ Hai, vì viễn tượng xung đột Nga, Châu Âu.

Một phần ba số khí đốt dùng ở Châu Âu nhập cảng từ Nga, với các ống dẫn khí đi qua lãnh thổ Ukraine. Nga không thể quyết định ngưng cung cấp khí đốt, vì đó là một nguồn ngoại tệ không thể thiếu được. Trái lại, họ cần phải bảo vệ lòng tín nhiệm của khách hàng, nếu không dân Châu Âu sẽ đi tìm các nguồn cung cấp đáng tin cậy lâu dài hơn. Liên hệ kinh tế có thể là một đòn ẩy để các nước Châu Âu can thiệp với Nga trong vụ Ukraine.

Vì sau cùng, cả Mỹ lẫn các nước Anh, Pháp, Ðức phải công nhận một cuộc chiến tranh lạnh đang bắt đầu, do ông Putin khởi động. Giao thiệp giữa Tây phương và Nga không còn như trước đây năm, mười năm nữa. Mỹ đã tuyên bố “chuyển trục” từ Châu Âu và Ðại Tây Dương sang Á Châu và Thái Bình Dương.

 Nhưng biến cố ở Ukraine nhắc nhở chính quyền Mỹ và dân Mỹ biết rằng ở nước Nga vẫn có nhiều người muốn bành trướng ảnh hưởng của một đế quốc cũ, bất chấp các quy tắc ngoại giao của thế giới văn minh. Người Mỹ cũng như dân Châu Âu phải chấp nhận cuộc chạy đua trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài ở Châu Âu trong mươi năm tới, đó là tính lúc đó ông Putin đã mãn hai nhiệm kỳ tổng thống.

Khi cuộc chiến tranh lạnh trước mở màn, một người có ảnh hưởng lớn đến chiến lược của chính phủ Mỹ trong cuộc đương đầu với khối Nga Xô là Ðại Sứ George Kennan. Năm 1947, nước Mỹ đang lo nhiều nước Tây Âu biến thành cộng sản, quân Nga có thể xâm lăng sang Châu Âu, Trung Cộng đang lên chân ở nước Tàu, vân vân, thì ông George Kennan đã đề nghị một chiến lược gọi là “ngăn chặn” (containment), thay vì tấn công. 

Ông tin rằng nước Mỹ không cần đánh, chỉ cần ngăn chặn không cho Nga bành trướng, thì về lâu về dài chính đế quốc Nga sẽ sụp đổ. Chiến lược này đã được các chính phủ Mỹ áp dụng suốt thời Chiến Tranh Lạnh, và cuối cùng ông Kennan đã tiên đoán đúng. Trong cuộc chiến tranh lạnh mới, nước Mỹ đang cần có một ông George Kennan khác, mặc dù so với Stalin thì Putin chỉ là một cán bộ KGB trung cấp mà thôi!



No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts