X

Tuesday, April 22, 2014

Muốn có pháp y độc lập, phải có dân chủ ở Việt Nam

Muốn có pháp y độc lập, phải có dân chủ ở Việt Nam
21.04.2014 - Nam Phương/Người Việt

LTS: Muốn có pháp y độc lập, phải có dân chủ thật sự ở Việt Nam, theo nhận định của luật sư Nguyễn Văn Đài hiện đang bị quản chế ở Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, đã có 7 người dân chết vì tra tấn, nhục hình tại các trụ sở Công an tại Việt Nam. Ba trong số 7 nạn nhân đó bị Công an nói là “tự tử”. 

Cả năm 2013, ít nhất có 12 người chết vì bị Công an tra tấn đến chết mà nhiều người cũng bị cho là “tự tử” dù thân thể của họ đầy dấu vết đòn vọt. Báo Người Việt phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Đài về vấn đề Công an CSVN tra tấn chết người và khám nghiệm pháp y tại Việt Nam. 

Ông là một luật sư nhân quyền hiện đã bị nhà cầm quyền tước quyền hành nghề sau khi đã bỏ tù ông 4 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước...”.

Huỳnh N., 39 tuổi, bị Công an xã Đạo Nghĩa huyễn Đắk R'Lấp tra tấn thương tích đầy mình rồi thả về ngày 13/2/2014. Ông này chết ở nhà sáng hôm sau. Khám nghiệm tử thi thấy tổng cộng 33 vết tích tra tấn từ đầu đến chân. (Hình: Tuổi Trẻ)

Người Việt (NV): Theo luật sư, giám định pháp y tại Việt Nam được tiến hành ra sao?

LS Nguyễn Văn Đài (NVĐ): Ở Việt Nam có pháp y của cơ quan điều tra, pháp y của bệnh viện, pháp y của quân đội. Có một cơ quan giám định pháp y độc lập do Bộ Tư Pháp quản lý. Khi tiến hành giám định pháp y theo bước sau:
1/ Kiểm tra thương tích bên ngoài, chỗ nào có thương tích thì kiểm tra chỗ đó.

2/ Mổ để kiểm tra lục phủ ngũ tạng, lấy mẫu từng bộ phận, mổ sọ não để giám định.

NV: Cơ quan được chỉ định khám nghiệp pháp y là do công an đưa ra, theo ông thì thường dẫn đến hệ quả gì?

LS NVĐ: Khi pháp y của cơ quan điều tra thực hiện việc pháp y, chắc chắn sẽ bị can thiệp vào chuyên môn và kết quả. Gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu giám định pháp y độc lập, nhưng chỉ các cơ quan được chính quyền công nhận. Từ trước tới nay, giám định pháp y quân đội là nơi có uy tín nhất và nhân nhân của nạn nhân không được thuê bệnh viện tư nhân để giám định pháp y.

NV: Dường như tại Việt Nam, khám nghiệm pháp y không có chụp quang tuyến thì nhiều vết thương chết người có thể không diễn dịch đầy đủ, tấm phim X quang tố cáo dấu tích nhục hình tra tấn, ông thấy như vậy không?

LS NVĐ: Chắc chắn là như vậy, nhưng việc chụp quang tuyến rất đắt đỏ, cho nên cơ quan điều tra sẽ không cho tiến hành.
NV: Ngày 14/4/2014, nạn nhân Đỗ Văn Bình, 18 tuổi, chết ở đồn công an huyện Hòa Vang với những dấu vết bầm tím trên thân thể từ tay, chân, đùi đến lưng. Thượng tá CA Trần Phước Hương nói đó là "hoen ố tử thi" sau khi treo cổ tự tử chết chứ không phải nhục hình, luật sư thấy họ giải thích như thế đúng không?

LS NVĐ: Cơ quan công an không được giải thích như vậy, mà phải công bố kết quả giám định pháp y. Nếu gia đình không đồng ý thì có quyền yêu cầu giám định pháp y lại của cơ quan khác.

NV: Gia đình không tin là con của họ "tự tử" mà đã bị nhục hình tra tấn chết, họ có thể làm gì bây giờ?

LS NVĐ: Gia đình có quyền yêu cầu cơ quan công an công bố bản kết luận của giám định pháp y, có con dấu và chữ ký. Nếu gia đình không đồng ý thì có quyền yêu cầu giám định lại, hoặc thuê cơ quan giám định pháp y Quân đội giám định. Tùy theo kết quả thì mới có được các bước đi tiếp theo.
NV: Vì sao tình trạng công an tra tấn, bức cung, nhục hình nghi can khi mới bắt người ta vẫn diễn ra rất phổ biến tại Việt Nam dù nhà cầm quyền đã ký vào bản Công ước Quốc tế Chống Tra Tấn từ Tháng 11-2013?

LS NVĐ:  Quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân VN được qui định trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự, đồng thời Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cấm công an sử dụng bức cung, nhục hình. Nhưng trên thực tế, việc bức cung, nhục hình vẫn xảy ra phổ biến ở công an cấp xã, phường, nơi tạm giữ của công an cấp quận, huyện.

Lực lượng công an là công cụ bảo vệ của đảng cộng sản và những người công an là con cháu hoặc có quan hệ thân thích với quan chức chính quyền. Do vậy, khi việc bức cung, nhục hình dẫn đến chết người thì thường được quan chức cấp trên hoặc chính quyền bao che. Trừ trường hợp được xử lý là do bị các cơ quan báo chí phanh phui hoặc trong nội bộ công an, chính quyền có mâu thuẫn. Họ lợi dụng sự việc đó để triệt hạ nhau.

NV: Theo luật sư, muốn ngăn chặn tình trạng này thì có thể làm thế nào?

LS NVĐ: Để ngăn chặn tình trạng tra tấn, bức cung, nhục hình thì thân nhân của người bị tạm giữ phải ngay lập tức thuê luật sư, và cắt cử người đi tới nơi người thân đang bị tạm giữ để giám sát cơ quan công an thực thi việc điều tra. Điều thứ hai là người dân phải nâng cao sự hiểu biết pháp luật, tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. 

Thứ ba, phải đấu tranh với chính quyền để họ phải có qui trình kiểm tra, giám sát công an trong quá trình thẩm vấn những người bị nghi vấn phạm tội. Phải đặt camera giám sát tại nơi thẩm vấn, mọi cuộc thẩm vấn không có ghi hình giám sát đều không có giá trị. Làm được như vậy thì việc bức cung, nhục hình mới chấm dứt.

NV: Để có cơ quan giám định pháp y độc lập , Việt Nam cần điều kiện gì, theo luật sư?

LS NVĐ: Ở chế độ độc đảng CS thì không có một cơ quan nào độc lập cả. Mọi cơ quan đều có thể bị can thiệp ở các mức độ khác nhau. Người dân Việt Nam muốn được hưởng công bằng và công lý thì chỉ có một cách duy nhất là đấu tranh dân chủ hóa xã hội. Chỉ khi có chế độ dân chủ thì công lý mới bắt đầu được thiết lập.

NV: Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Văn Đài



No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts