X

Sunday, April 6, 2014

Tập trận hải quân quốc tế : Trung Quốc muốn được đặt dưới sự chỉ huy của Úc

Tập trận hải quân quốc tế : Trung Quốc muốn được đặt dưới sự chỉ huy của Úc

  • In bài này
  • Gửi Email bài này
Thứ Bảy, 05 tháng Tư năm 2014 00:20
Tác Giả: Thụy My
chinanavy

Các chỉ huy quân sự Trung Quốc bắn súng hiệu khởi động cuộc tập trận hải quân trên biển Hoa Đông ngày 19/10/2012.
REUTERS/China Daily


Theo một tờ báo Úc hôm nay 04/04/2014, Bắc Kinh đã yêu cầu khi tham gia một cuộc tập trận hải quân quốc tế quan trọng do Hoa Kỳ chủ trì trong năm nay, thì lực lượng Trung Quốc phải được đặt dưới quyền chỉ huy của Úc.

Tờ Sydney Morning Herald cho biết, yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra từ phía quốc phòng tuần qua, nhưng không dẫn nguồn tin.

 Cho đến những năm gần đây, Trung Quốc hiếm khi tham gia các cuộc tập trận quốc tế, và theo tờ báo trên thì đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc tập trận dưới sự chỉ huy của phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc không bình luận về ý kiến của Bắc Kinh, nhưng tỏ ra hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Rim of the Pacific (RIMPAC) với trên 20 quốc gia tham dự.

Ông tuyên bố : « Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng, góp phần vào sự ổn định trong khu vực. Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp tích cực cho đến lúc này, và mong tiếp tục cùng làm việc để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho sự minh bạch, củng cố lòng tin trong khu vực ».

Cuộc tập trận RIMPAC do Hoa Kỳ lãnh đạo, với sự tham gia của trên 25.000 người. Trong RIMPAC năm 2012, Úc chỉ huy cuộc tập trận hải quân phối hợp 40 chiến hạm và 6 tàu ngầm.

 Năm nay không biết quốc gia nào sẽ đóng vai trò chỉ đạo bên cạnh Hoa Kỳ, nhưng trong số các nước tham dự có cả Nhật Bản, địch thủ truyền thống của Trung Quốc.

Được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không muốn đưa ra lời bình luận với AFP, nói rằng nên liên hệ với Bộ Quốc phòng.

Thông tin này được đưa ra vào lúc Thủ tướng Úc Tony Abbott chuẩn bị chuyến viếng thăm Bắc Kinh đầu tiên kể từ khi nắm quyền vào tháng Chín năm ngoái.
Trong vòng công du này, ông Abbott cũng đến Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, và Thủ tướng Tony Abbott đang thúc đẩy hoàn tất việc thương lượng về tự do mậu dịch với Bắc Kinh.

 Tuy nhiên quan hệ đôi bên đã trở nên phức tạp do Canberra phản đối việc Trung Quốc đơn phương quy định vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp quần đảo

Senkaku/Điếu Ngư với Tokyo. Úc cho triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối, khiến Bắc Kinh rất bực tức.
Hoa Kỳ mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm 2012 để trấn an Bắc Kinh về chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Cuộc tập trận hải quân quốc tế được Hải quân Hoa Kỳ mô tả là quy mô nhất thế giới, sẽ diễn ra vào tháng Bảy xung quanh quần đảo Hawai.

==

Mỹ không dự lễ kỷ niệm Hải quân Trung Quốc

  • In bài này
  • Gửi Email bài này
Thứ Bảy, 05 tháng Tư năm 2014 00:14
Tác Giả: Thụy My

HONGKONG-Navy

Mỹ tuyên bố không dự lễ kỷ niệm Hải quân Trung Quốc - REUTERS



Hoa Kỳ hôm 03/04/2014 loan báo sẽ không gởi chiến hạm đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 65 năm thành lập hải quân Trung Quốc, để tỏ tình đoàn kết với Nhật Bản vì Bắc Kinh không mời Tokyo.

 Lẽ ra Mỹ sẽ gởi một chiến hạm đến tham dự buổi lễ trọng thể được tổ chức trong tháng này ở ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, nhưng cuối cùng đã thay đổi ý kiến.

Một viên chức cao cấp không muốn nói tên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết : « Do Nhật Bản không được mời, nên chúng tôi đã quyết định không tham gia để tỏ tình đoàn kết ».

Tuy vậy các nhân vật cao cấp của Mỹ như Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Jonathan Greenert, và Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris sẽ hiện diện tại một hội nghị chuyên đề dự kiến diễn ra tại Thanh Đảo trong dịp kỷ niệm.

Nhật Bản dường như cũng được mời tham gia hội nghị chuyên đề này, cùng với các chỉ huy hải quân của trên 20 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ Nhật-Trung đã xẩu hẳn đi trong thời gian gần đây, chủ yếu do Tokyo vào tháng 9/2012 quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh cũng yêu sách chủ quyền.
==

Tên lửa mới của Seoul có thể tấn công mọi mục tiêu Bắc Triều Tiên

  • In bài này
  • Gửi Email bài này
Thứ Bảy, 05 tháng Tư năm 2014 00:07
Tác Giả: Trọng Thành
KOREA-NORTH-SATELLITE3

Thỏa thuận Mỹ - Hàn cho phép Seoul nâng tầm bắn từ 300 km lên thành 800 km - REUTERS /Lee Jae-Won



Hôm nay 04/04/2014, theo Reuters, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành bắn thử một hỏa tiễn mới với tầm xa 800 cây số, có khả năng tấn công tất cả các mục tiêu nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

 Việc nâng tầm bắn nói trên được thực thi trên cơ sở thỏa thuận Mỹ-Hàn năm 2012.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, loại tên lửa vốn có tầm xa trung bình 500 cây số này được nâng cấp một số tính năng để có thể đạt tầm xa 800 cây số.
Việc Hàn Quốc thử nghiệm loại tên lửa cải tiến này là để đối phó với việc Bình Nhưỡng vừa thử tên lửa Rodong, có tầm bắn 1.300 km, vào tuần trước.

Ngày thứ Hai 31/03/2014, pháo binh Bắc Triều Tiên bắn khoảng 500 trái đạn vào vùng bờ biển phía tây, sát với vùng lãnh hải mà Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trước đây, theo thỏa thuận với Hoa Kỳ, Seoul chủ trương không phát triển các tên lửa có tầm bắn ngoài 300 km.
Nhưng vào năm 2012, Washington và Seoul thỏa thuận đưa giới hạn này lên 800 km.

Trả lời Reuters về thông tin nói trên, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố « thử nghiệm đã thành công », đồng thời nói rõ tầm bắn mới này cho phép quân đội Hàn Quốc tấn công các mục tiêu quân sự nằm xa nhất trong lãnh thổ miền bắc.


No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts